Con tôi học thêm ở Đức thế nào?

Con tôi học thêm ở Đức thế nào?

Tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu, trẻ toàn quyền quyết định có học thêm hay không, còn giáo viên không được phép dạy thêm học sinh chính khóa.

1 1 Con Toi Hoc Them O Duc The Nao

Trẻ nước ngoài không nhất thiết phải đi học thêm. (Ảnh minh họa: Tuyết Mai)

Tôi có 2 con đều đang thụ hưởng nền giáo dục nước Đức. Thời điểm về Việt Nam, tôi ngạc nhiên và thương cảm khi thấy trẻ mẫu giáo, tiểu học học thêm kín tuần. Học như vậy các em làm gì có tuổi thơ?

Nhiều người hỏi tôi học sinh bên Đức có học thêm không? Giáo viên có dạy thêm không và tổ chức dạy thêm, học thêm như thế nào? Học sinh Đức và nhiều quốc gia châu Âu có học thêm, giáo viên có dạy thêm nhưng cách tổ chức và quản lý khác biệt hoàn toàn so với Việt Nam. 

Trước hết, về học thêm, tại Đức đây là nhu cầu tự nguyện xuất phát từ nguyện vọng của học sinh. Cha mẹ, giáo viên không có quyền áp đặt con cái phải học thêm. Ngoài ra, học sinh được tự do lựa chọn giáo viên phụ đạo và không có chuyện dạy thêm tại nhà giáo viên ở Việt Nam.

Riêng hai con tôi không học thêm. Thời gian rảnh rỗi chúng vui chơi, giải trí và phát triển các môn năng khiếu như vẽ, múa, hát. Cha mẹ hoàn toàn tôn trọng quyết định của con.

Nhiều phụ huynh khác dạy con kỹ năng sống thay vì cho học thêm, luyện thi. Họ cho rằng so với điểm số và thành tích học tập, kỹ năng sống cần thiết hơn với sự phát triển của trẻ. Bộ kỹ năng sống bao gồm quản lý tài chính gia đình, nấu ăn, sửa chữa các thiết bị hỏng trong gia đình, kỹ năng giao tiếp.

Phụ huynh Đức không đặt nặng áp lực thành tích, điểm số cho con. Việc học chỉ áp lực trong giai đoạn ôn thi vào đại học còn lại học sinh không phải học nhiều. Nếu ai quan sát nền giáo dục Đức hoặc một số quốc gia châu Âu sẽ thấy học sinh được nghỉ rất nhiều. Thứ bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ, các em không phải lên lớp hoặc đi học thêm như học sinh Việt Nam.

Có hai hình thức học thêm phổ biến tại Đức. Một là đăng ký học thêm tại các trung tâm gia sư, luyện thi. Hai là đăng ký tham gia các câu lạc bộ tại trường. Hai hình thức này đều tự nguyện và độc lập với hoạt động giảng dạy trên lớp.

Cha mẹ tại Đức bận rộn không thua kém gì ở Việt Nam. Họ cũng có nhu cầu gửi con để rảnh tay làm việc. Nhưng họ rất tôn trọng và dựa trên nguyện vọng của con. Thay vì bị ép học Toán, Lý, Hóa… trẻ em bên Đức có thể tham gia các CLB thể thao, nhạc kịch hoặc các hoạt động ngoại khóa.

Về chuyện dạy thêm, trên thế giới quan niệm nghề giáo không phải là nghề có thể giàu một cách thượng lưu. Ở Đức, mức lương giáo viên cũng chỉ dừng lại mở mức trung bình – khá, kém xa thu nhập của thương gia, bác sĩ hay kỹ sư.

Nói vậy để thấy, việc dạy thêm là nhu cầu tăng thu nhập chính đáng của giáo viên. Luật pháp nước này cũng tạo điều kiện thực hiện nguyện vọng trên miễn không có khoảng trống tiêu cực.

Điểm khác trong việc tổ chức, quản lý dạy thêm tại Đức là không có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký vào các trung tâm dạy thêm độc lập với đơn vị đang công tác và được kiểm tra trình độ bài bản. Không có chuyện giáo viên kéo học sinh chính khóa về nhà dạy thêm, thu tiền. Nếu nhà trường phát hiện, giáo viên sẽ bị đuổi khỏi ngành. 

Quản lý dạy thêm, học thêm tại Đức rất chặt chẽ. Các trung tâm dạy thêm phải đăng ký, thẩm định cơ sở vật chất, nhân sự sau đó mới được cấp phép đi vào hoạt động. Giáo viên muốn dạy ở các trung tâm phải có đủ bằng cấp và các loại chứng chỉ. Bên cạnh đó giáo viên còn được kiểm tra nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sống. Người giáo viên dạy thêm có thu nhập để tích lũy mua nhà, xe.

Chuyện học thêm, dạy thêm tại Đức là như vậy. Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng khoảng trống nảy sinh tiêu cực từ việc dạy thêm ở Việt Nam xuất phát từ cơ chế "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Giáo viên dạy học sinh 2 buổi tại trường nhưng vẫn mở lớp dạy thêm lôi kéo các em chính khóa đi học.

Nếu việc dạy thêm được tổ chức minh bạch, khách quan như ở Đức và nhiều quốc gia, tôi nghĩ xã hội sẽ không phản đối gay gắt như vậy.

Nguồn: Tuyết Mai/ Vtc.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC