Fang, cô bạn người Trung Quốc cũng lấy chồng Đức, nhắn tin:
“Đi chơi chợ Noel không, đi luôn nhé. Chợ bắt đầu mở rồi”.
Đang trang trí dở cây thông Noel, tôi bỏ cả đó thay đồ và hòa vào nhóm bạn gái gốc Á lấy chồng Tây đang háo hức đợi.
Foto: Quang cảnh chợ Giáng sinh vùng Stuttgart bang Baden - Württemberg
Thắt chặt an ninh mùa Giáng sinh
Nhưng không sao, có ai điều khiển được mẹ thiên nhiên đỏng đảnh đâu. Không có tuyết thì chợ Noel vẫn vui và rượu vang nóng Glühwein vẫn đượm nồng.
Chợ Giáng sinh ở Đức họp ở trung tâm phố, nơi thứ bảy cuối tuần diễn ra phiên họp chợ ngoài trời. Căn cứ vào chủ nhật đầu tiên trong lịch vọng mùa Noel của người Công giáo mà chợ Giáng sinh được khai mạc trước một ngày, vì thế mỗi năm, thời điểm bắt đầu diễn ra hội chợ có khác nhau, nhưng tựu trung đều kéo dài 3 tuần.
Năm nay, hội chợ khai mạc từ thứ bảy ngày 2 đến 20-12, vì ngày 3-12 trùng với chủ nhật đầu tiên của mùa vọng, cũng bắt đầu với ngọn nến đầu tiên trong tập hợp 4 ngọn nến của 4 chủ nhật mùa vọng được thắp lên, trước khi Noel chính thức bắt đầu.
Dư âm vụ khủng bố đẫm máu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm vào chợ Giáng sinh Berlin hồi cuối năm ngoái làm 12 người chết và 50 người bị thương vẫn còn hằn in trong tâm trí người dân Đức. Năm nay, chính quyền thành phố Berlin đã nghĩ ra một phương thức ngăn chặn sự trở lại của những chiếc xe tải khủng bố (nếu có) bằng cách đặt khắp các cửa ra vào chợ Giáng sinh Berlin những khối bê tông lớn được trang trí khéo léo, nhuộm màu mùa Giáng sinh. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và phía sau nó là những biện pháp cảnh giác cao độ của nhà cầm quyền chống lại cái ác.
Các khu chợ Giáng sinh châu Âu vài năm trở lại đây là mục tiêu tấn công hàng đầu của các tổ chức cực đoan, nhất là vừa rồi, IS tuyên truyền hình ảnh bàn tay cầm dao đẫm máu, giơ lên trước biểu tượng tháp Eiffel - Pháp và trước các khu chợ Giáng sinh châu Âu. Mùa Giáng sinh năm nay, Đức có khoảng 2.600 chợ Giáng sinh, được trang hoàng rực rỡ thu hút du khách trong nước và quốc tế đổ về thưởng lãm.
Chính quyền sở tại thuộc thành phố Stuttgart, bang Baden - Württemberg nơi tôi sinh sống, tổ chức hội chợ Giáng sinh sau những cuộc tranh luận gay gắt, đã không áp dụng biện pháp chặn tại cửa ra vào với chướng ngại vật là những khối bê tông đồ sộ chống lại khủng bố, thế nhưng họ có những biện pháp thiên về bề sâu khác, như an ninh được thắt chặt và cảnh sát được tăng cường, luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với những rắc rối có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.
Gạt bỏ lại những lo ngại về khủng bố có thể xảy ra, với niềm tin và tinh thần lạc quan sẵn có, người dân Đức nói chung và chúng tôi - nhóm những bà mẹ Á châu sinh sống tại Đức, vẫn đến chợ Giáng sinh với niềm vui háo hức và hạnh phúc vì được hòa mình vào không khí an lành ấm áp nhất trong năm, biểu tượng sum vầy hạnh phúc của người dân sở tại - chợ Giáng sinh.
Khu chợ thương yêu
Từ xa, chúng tôi đã cảm nhận được mùi Giáng sinh đặc quánh tỏa ra từ khu họp chợ. Bước vào khu chợ là bước vào thế giới cổ tích nhiều màu sắc, bỏ lại sau lưng những bận bịu của cuộc sống thường nhật. Những đèn màu nhấp nháy, biểu tượng tuần lộc, hình ông già Noel với nụ cười hồn hậu.
Cây thông Noel được bày và trang trí lộng lẫy khắp nơi trước các cửa hàng. Những bài hát Giáng sinh được ca lên rộn rã từ những chiếc loa thùng với công suất lớn Jingle Bells, Last Christmas, Silent Night...
Ngày thường với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, mấy ai đủ tĩnh lặng mà nghe những ca khúc đi cùng năm tháng như vậy. Chỉ khi những ngày cuối cùng của năm, đồng nghĩa với mùa Giáng sinh đến, ai nấy mới có dịp làm chậm lại nhịp sống của chính mình, cùng cảm nhận những lắng đọng và ý nghĩa của bài hát.
Tháng 12, tháng cuối cùng trong năm, mùa của những nhung nhớ cuối năm, ai cũng hào phóng bỏ ra chút thời gian quý giá để đến với chợ Giáng sinh. Chợ là nơi mọi người đến để thưởng ngoạn ngắm nghía, để tụ họp tán gẫu với bạn bè, để những ông bố bận bịu cả năm làm ăn có dịp nói lời xin lỗi tế nhị với vợ con, dẫn cả gia đình nhỏ đi chơi chợ và mua sắm. Chợ Giáng sinh cũng là điểm đến của những người yêu cảm nhận cuộc sống, chỉ đến và hít thở không khí cuối năm, la cà dăm bảy hàng quán và uống ly rượu vang nóng Glühwein.
Nếu đi chợ Giáng sinh mà không uống loại rượu vang nóng này, đâu còn tự hào là mình đã đi chơi chợ? Văn hóa uống rượu vang trong bữa ăn hàng ngày của người châu Âu, thông thường như việc uống trà móc câu của người Việt sau bữa ăn vậy. Người châu Âu hay cụ thể hơn là người Đức, uống rượu vang hàng ngày. Trong tủ của mỗi gia đình người Đức, bất cứ nhà nào cũng có dăm bảy chai rượu vang dự trữ.
Rượu vang nóng Glühwein xuất hiện chỉ trong mùa Giáng sinh, quá trình chưng cất và lên men tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, nhưng đặc biệt ở chỗ nhà sản xuất ở một công đoạn nào đó đã thêm vào chất phụ gia, là vị quế hồi mà người Việt dùng để nấu phở, khiến loại nước uống hảo hạng này đến tay người thưởng thức bốc lên mùi thơm ngào ngạt. Điều đặc biệt hơn, rượu vang thông thường không được làm nóng trước khi uống, nếu không sẽ phá hỏng mùi vị nguyên bản của rượu, ngược lại rượu vang Glühwein phải được đun nóng trước khi dùng để phát huy hết mùi vị thơm ngon của đồ uống.
Tác giả bên những mô hình cừu may mắn
Chúng tôi nghe thấy tiếng kêu be be của một chú cừu non nào đó. Bế bọn trẻ con lại khu vực có tiếng kêu của cừu. Thì ra là khu vực trưng bày cừu - một thành phần không thể thiếu được, góp phần tạo nên không khí đậm chất Giáng sinh của khu chợ. Bầy cừu được trưng bày ở chợ Giáng sinh thường là những chú cừu đang bụng bầu, hoặc đang làm mẹ của một chú cừu non. Chủ sở hữu của chúng là những nông dân với trang trại rộng lớn ở vùng lân cận.
Trong thời gian 3 tuần diễn ra hội chợ, nếu cừu mẹ trở dạ sinh hạ một chú cừu non ngay tại khu chợ - theo quan niệm của người phương Tây, năm đó bác nông dân sở hữu cừu sẽ được vụ mùa bội thu cùng những may mắn đến tới tấp. Hóa ra mùa Giáng sinh cũng đồng nghĩa với những may mắn và là mùa của sự sinh sôi nảy nở, sung túc và sum vầy. Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng những chú cừu may mắn, rồi la cà tới khu bán bia và bánh mì kẹp xúc xích - cũng là những món ăn quốc hồn quốc túy của người bản địa. Gọi một ly bia cùng bánh mì kẹp xúc xích, không đầy một phút sau, món ăn đã được bưng ra, nóng hổi.
Cứ tưởng món ăn đường phố Việt Nam được liệt vào những món ăn được phục vụ nhanh nhất thế giới, nay biết thêm món ăn nhanh Đức trong các hội chợ cũng được làm chớp nhoáng. Ngó vào bên trong kios bán đồ ăn nhanh, có cả một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp cùng máy móc và dụng cụ làm bếp tối tân, phục vụ đắc lực con người.
Nghe đồn mùa đông năm nay, châu Âu phải trải qua những đợt rét khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mới đầu tháng 12 mà nhiệt độ đã chìm sâu dưới âm độ, cái lạnh cắt da cắt thịt khiến chúng tôi phải nghĩ ra cách phòng bị tối ưu nhất, là những chiếc áo ấm Đại Hàn, khăn ấm mũ mão và những biện pháp chống rét khác. Chính vì thế, mặt hàng quần áo rét, những chiếc chăn lông cừu, đệm ghế làm từ da cừu thuộc là những mặt hàng có lợi thế và bán chạy nhất tại hội chợ năm nay.
Có tiếng lao xao và một nhóm trẻ con chạy qua, trên tay cầm những túi hạt hạnh nhân bọc đường thơm phức. Con trai Fang đòi mẹ tới khu vực bày bán đồ ngọt trong chợ. Chúng tôi xếp hàng chờ tới lượt mình. Năm ngoái 2,5 EUR/túi hạt hạnh nhân bọc đường, năm nay đã tăng lên 3 EUR. Giá cả ngày một đắt đỏ. Toni con trai tôi chỉ tay tới khu vực trưng bày biểu tượng Chúa Jesus được sinh hạ trong máng cừu.
Tôi sang Đức vào mùa xuân năm 2013, đến nay đã gần 5 năm, cũng đồng nghĩa với 5 mùa Giáng sinh trôi qua nơi xứ người. Không năm nào tôi không đi chơi chợ. Bỏ lỡ cơ hội thưởng ngoạn chợ Giáng sinh Đức là đã tự mình tước đi một cơ hội lắng lại nhịp sống của chính mình, cơ hội tự thưởng cho mình không khí ấm áp mùa Noel.
Thời gian qua đi, tôi có thêm nhiều bạn bè thân thiết. Chúng tôi xuất phát điểm khác nhau, nói tiếng mẹ đẻ riêng, nhưng gặp nhau và đồng cảm ở điểm chung mắt đen, da vàng và có những đứa con lai mũi tẹt ngộ nghĩnh. Chúng tôi chọn điểm dừng cho mình là khu vực bán đồ uống, đương nhiên mỗi người gọi một ly Glühwein. Chuyện nổ như pháo rang. Cả năm có bao nhiêu vui buồn tuôn ra hết...
LÊ MINH THUẬT, SGGP
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...