Thế hệ thứ hai của những người Việt Nam tại Đức học hành rất thành công. Nỗ lực học tập của các em được ghi nhận trong bài viết của tác giả Martin Spiewak trên tạp chí Deutschland (Nước Đức) số tháng 9.
Ông hiệu trưởng Detlef Schmidt - Ihnen của Trường cấp III Barnim ở Đông Berlin rất hài lòng về kết quả trong kỳ thi Olympic toán. Sáu học sinh của ông đã đạt điều kiện để tham gia vòng tiếp theo cấp khu vực. Thành tích này không hẳn là đặc biệt đối với Trường cấp III Barnim ở Đông Berlin vì trường này luôn chú trọng tới các môn khoa học tự nhiên. Nhưng vấn đề nảy sinh là phải phát âm đúng tên của những học sinh đoạt giải như thế nào.
Cô bé học lớp 7 là Tran Phuong Duyen hay Duyen Tran Phuong? Tương tự như Duc Dao Minh, cậu học trò lớp 10. Ông Detlef Schmidt-Ihnen thường xuyên vấp phải khó khăn này vì 17% học sinh của ông đến từ các gia đình Việt Nam, con số ở lớp nhỏ tuổi hơn là trên 30%. “Nhiều em học rất tốt, đặc biệt là môn khoa học và toán” - ông hiệu trưởng nhấn mạnh. Học sinh giỏi toán nhất trường cũng là người gốc Việt Nam.
Giỏi hơn cả người Đức
Không có nhóm dân di cư nào đến nước Đức học tập tốt hơn dân Việt Nam: khoảng 50% con cái họ đậu vào các trường trung học, tức là theo tỉ lệ sẽ có nhiều học sinh đỗ vào trường đại học hơn người Đức. “Sức học của các em học sinh Việt Nam đối lập với những em nhỏ có nguồn gốc di cư khác. Điều kỳ diệu thường diễn ra ở Mỹ, nay đang lặp lại ở Đức” - Karin Weiss, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề nước ngoài ở Brandenburg, hồ hởi.
Dung Van Nguyen cùng gia đình sống ở nhà dành cho người tị nạn trong nhiều năm. Em không có những kỷ niệm tồi tệ về thời thơ ấu, ít ra quanh em cũng có nhiều bạn để chơi, còn cha mẹ em thì ngược lại.
Họ bị ám ảnh bởi cái bếp tập thể, sự chật chội và những trận cãi vã giữa những người khác chủng tộc cùng khu nhà. Dù vậy, có một nơi mà họ không bao giờ để thiếu: đó là góc học tập của con cái mình.
Như hầu hết các bậc cha mẹ người Việt Nam khác, họ cho con đến lớp mẫu giáo sớm để học tiếng Đức. Bây giờ, Dung học Trường cấp III ở Potsdam, là một trong những học sinh giỏi nhất của lớp với điểm trung bình là 1,5 (xét thang điểm từ 1-6, điểm 6 là trượt). Mùa hè năm ngoái, quỹ hỗ trợ các học sinh nhập cư có năng khiếu mang tên Start Foundation đã tặng học bổng cho cô bé 14 tuổi này. Khoảng 30% số học sinh được chọn ở Đông Đức là người Việt Nam. Chị em của Dung cũng đều học rất giỏi.
Dù học giỏi vậy nhưng phòng của các em không đầy sách, cũng chẳng có những trò chơi điện tử hỗ trợ học hành. Một tivi màn hình phẳng lớn trong phòng khách đối diện với bàn thờ, lúc nào cũng hương khói nhớ về tổ tiên. Phòng ở chật chội chất đầy thùng cactông chứa chai nước ngọt để cha mẹ bán hàng.
Người cha nói thứ tiếng Đức khó nghe. Vì vậy các con gái của ông dịch giúp câu chuyện về gia đình họ. Ông Nguyễn đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô và nộp đơn xin cư trú ở Đức sau khi liên bang này tan rã. Nhiều năm sống trong tâm trạng lo lắng, cuối cùng họ được phép ở lại nếu chứng minh có đủ tiền để trang trải cuộc sống.
Vậy là ông và vợ phải làm việc cật lực từ sáng sớm tới 22g đêm, đứng sau quầy bán hàng ăn. Suốt nhiều năm, Dung phải chăm em vì cha mẹ đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Dù vậy, các con của ông Nguyễn vẫn học tốt và đem những điểm cao về khoe cha mẹ.
Chúng tôi muốn con mình học giỏi
Sao con ông học giỏi vậy, ông Nguyễn? Lần đầu tiên người đàn ông có dáng vất vả này mỉm cười. Ông có vẻ thích thú với chủ đề này. Câu trả lời đơn giản đến bất ngờ: “Vì tất cả cha mẹ Việt Nam đều muốn con mình học giỏi”.
“Giáo dục là tài sản có giá trị nhất đối với các gia đình Việt Nam” - bà Karin Weiss lý giải. Ngay cả khi cha mẹ có rất ít thời gian sau một ngày lao động vất vả, họ vẫn hỏi con mình về việc học hành, làm bài tập. Bà Weiss biết những gia đình Việt Nam có mức sống chỉ hơn mức nghèo một chút, vẫn chắt chiu từng đồng bạc để cho con đi học lớp tốt. Dù không cần phải như vậy, nhưng Dung và các anh chị em vẫn được cha mẹ hỗ trợ tối đa. Các em có máy tính để học. Khi muốn học piano, ngay lập tức cha mẹ mua về nhà cây đàn.
Tính ham học của người Đông Á là món quà quý giá nhất họ mang đến từ quê hương. Họ thường nói: “Có chí thì nên” hay “Tôi muốn con cái tôi có cuộc sống tốt hơn những gì chúng tôi đã trải qua”. Khi người Việt gặp nhau, câu đầu tiên họ hỏi thường là: “Con cái anh/chị học hành thế nào?”.
Với thế hệ trẻ, họ phải sống giữa hai nền văn hóa. Tiếng Đức của những đứa con quá khó để cho cha mẹ họ hiểu, còn tiếng Việt của những bậc cha mẹ thì các con lại không hiểu. Vì vậy khi gặp phải vấn đề tâm lý phức tạp, họ không biết dùng từ ngữ gì để nói nên gây tình trạng căng thẳng giữa các thành viên. Nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt.
Đa phần các gia đình Việt Nam vẫn giữ được truyền thống và tinh thần san sẻ ấm cúng. Con cái tôn trọng cha mẹ và có ước vọng lớn lao học tập để trở thành thành viên của tầng lớp cao trong xã hội Đức.
H.Nguyên lược dịch - TT
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...