Đức áp luật phạt 60 triệu USD với nội dung xấu trên mạng xã hội

Từ ngày 1/1, Đức thi hành luật yêu cầu các trang mạng xã hội loại bỏ thông điệp mang nội dung thù hận hay tin giả.

Các trang mạng xã hội tại Đức với hơn hai triệu người sử dụng bắt đầu nằm trong phạm vi kiểm soát của luật chống lại các nội dung xấu từ năm 2018, BBC ngày 1/1 đưa tin.

Đức áp luật phạt 60 triệu USD với nội dung xấu trên mạng xã hội - 0

Mạng xã hội trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại của nhiều người. Ảnh minh họa: Singularity Hub.

Được thông qua hồi cuối tháng 6/2017, luật NetzDG có hiệu lực từ đầu tháng 10/2017. Tuy nhiên, giới chức Đức cho các trang mạng xã hội có thời gian đến cuối năm 2017 để chuẩn bị trước khi luật bắt đầu được thi hành.

Theo luật này, các công ty quản lý mạng xã hội có thể bị phạt hơn 60 triệu USD nếu không loại bỏ thông tin được xác định "phi pháp rõ ràng" trong 24 giờ kể từ thời điểm được thông báo. Với những trường hợp khó phân định hơn, đơn vị quản lý có 7 ngày để làm việc.

Facebook, Twitter, YouTube là ba trang chính nằm trong phạm vi kiểm soát của luật mới bên cạnh các trang trong diện nhiều khả năng bị áp dụng như Reddit, Tumblr hay VK. Vimeo và Flickr có thể cũng phải chấp hành luật trong khi LinkedIn và Xing được loại trừ.

Bộ Tư pháp Đức cam kết cung cấp mẫu báo vi phạm trên website của bộ để phục vụ công dân. Luật đồng thời yêu cầu các trang mạng xã hội hỗ trợ để người dùng có thể nhanh chóng thông báo với nhà quản lý những trường hợp vi phạm.

Facebook được cho đã tuyển dụng vài trăm nhân viên ở Đức để giải quyết các báo cáo về nội dung phạm luật và giám sát thông tin người dùng đăng trên mạng này.

Luật mới ở Đức ra đời nhằm đáp lại lời kêu gọi kiểm soát mạng xã hội trong bối cảnh thông tin giả, kỳ thị chủng tộc lan tràn trên các kênh này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật NetzDG có thể dẫn tới việc kiểm duyệt cẩu thả hay tước bỏ quyền tự do ngôn luận của người dân.

Đức là một trong nhiều nước đang nỗ lực kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Tại Anh, các chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ cách các trang này kiểm soát thông tin tiêu cực. Ủy ban châu Âu đã ra hướng dẫn kêu gọi các công ty chủ quản nhanh phóng phát hiện và loại bỏ những thông điệp mang tính thù hận.

Vũ Phong, VNE


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức