Hiện tượng sinh viên"cụ" ở Đức

Cuộc sống ở Đức có thể khó khăn đối với những người làm việc quá tải hoặc thất nghiệp.

Hiện tượng sinh viên

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng, hầu hết sinh viên Đức không màng đến chuyện tốt nghiệp cho đến khi họ gần 30 tuổi, thậm chí trên 30.

Khi bước vào khuôn viên một trường đại học ở Đức, chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi "sinh viên đâu rồi nhỉ?".

Bạn trông thấy nhiều người đeo túi, tay cầm sách rảo bước khắp nơi, nhưng gương mặt hay bề ngoài của họ không có vẻ gì của một sinh viên.

Vâng, đó đích thực là sinh viên "made in Germany" đấy!

Một trong những điều đầu tiên người ta nhận thấy khi bước vào một trường đại học tại Đức, là tuổi tác của sinh viên khác xa với bất kỳ trường nào trên thế giới. Trong khi hầu hết sinh viên ở những nơi khác mang bộ mặt măng sữa, ngây thơ mặc dù cố tỏ vẻ “ta đây đã là người lớn”, sinh viên Đức thật sự đã "mọc nanh" do ở quá lâu trong trường đại học.

Tuổi trung bình của sinh viên Đức trong học kỳ đầu tiên của năm thứ 1 là 23 tuổi, một phần do nhiều sinh viên mất đến... vài năm chỉ để kết thúc học kỳ ngắn ngủi này.

Tuy nhiên, cũng có lý do nhiều thanh niên phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi vào đại học.

Một khi đã lọt vô được cổng trường, sinh viên bắt đầu tận hưởng cuộc sống thoải mái và ít người thật sự đến lớp.

Sau khi tìm được chỗ ở và kết bạn với những người cùng thuê phòng trong ký túc xá, những sinh viên này sẽ tìm một việc làm bán thời gian nhàn hạ. Giới chủ thích thuê sinh viên làm thêm vì họ sẽ không phải trả khoản tiền bảo hiểm xã hội hay tiền trợ cấp như thuê người khác.

Thực tế cho thấy có nhiều mục rao vặt ghi rõ "chỉ nhận sinh viên".

Cuộc sống muôn màu của sinh viên là một khía cạnh khác khiến thời gian ở giảng đường của họ cứ kéo dài ra mãi. Họ có bao nhiêu thứ để mà "bận rộn":

  • hộp đêm,
  • yêu đương,
  • tiệc đứng tiệc ngồi
  • hay những chuyến du lịch ba lô kéo dài 3 tháng xuyên châu Âu.

Đó là chưa kể những cuộc biểu tình liên miên chống chiến tranh, chống phát-xít, chống toàn cầu hóa...

Có nhiều cách để kéo dài quãng đời sinh viên tươi đẹp tại Đức.

Cứ cho là bạn đã hoàn thành xong các môn chính, bạn còn có lý do để chưa thể tốt nghiệp: thực tập tại các liên hoan phim, viện bảo tàng hay một đảng chính trị nào đó.

Thậm chí một số người mất đến 1 hay 3 năm để hoàn thành luận văn do thường xuyên "xả hơi" tại các bãi biển tuyệt đẹp ở mãi tận Thái Lan.

Tại sao phải vội vã khi có hằng hà sa số lý do để trở thành một "cụ" sinh viên:

  • bảo hiểm y tế rẻ,
  • thuế thấp,
  • được giảm giá khi đến các điểm giải trí,
  • du lịch và dĩ nhiên là được trợ giá khi dùng các phương tiện giao thông công cộng.

Tại Berlin, sinh viên được tặng kèm thẻ xe buýt, xe lửa khi đóng học phí.

Tuy nhiên, cuối cùng thì chính phủ Đức cũng để ý đến các "cụ" sinh viên này. Đối mặt với tình trạng sinh viên quá đông trong khi nguồn tài chính ít ỏi, một vài bang đã bắt đầu tăng học phí đối với các sinh viên "dài hạn".

Những người vẫn chưa tốt nghiệp sau 15 học kỳ (tương đương với 7 năm rưỡi) sẽ phải đóng đến 600 USD/học kỳ so với mức bình thường vào khoảng 180 USD.

Biện pháp này có vẻ mang lại hiệu quả.

Tuổi trung bình một sinh viên hoàn thành bậc đại học đã giảm từ 30 trong năm 2002 xuống còn 28 trong năm 2005.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn... bàng hoàng khi bị ép phải rời trường học ở độ tuổi 30.

Tất nhiên, cũng sẽ có ông chủ nhận những người có "1 thập niên kinh nghiệm học đại học" cùng tấm bằng đôi siêu hình học và môn gốm Hy Lạp cổ đại, nhưng chắn hẳn các "cụ" sinh viên cuối cùng cũng phải đối mặt với thực tế cuộc sống.

Minh Trang - DUHOCDUC.DE

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC