"Con đếm từ 1 - 10 cho mẹ xem nào" - 1 bà mẹ thích thú yêu cầu cậu con trai chừng 3 - 4 tuổi thực hiện. Sau đó, cả nhóm người lớn sẽ xuýt xoa khen ngợi cậu bé thật thông minh, sáng dạ.
Cảnh tượng này thật ra chẳng hề xa lạ gì với Việt Nam và nhiều nước Á Đông. Hầu như ai cũng cảm thấy tự hào mỗi khi con trình diễn 1 khả năng sớm hơn tuổi như đếm số, nhìn bảng chữ cái và đọc...
Tuy nhiên, ở nước Đức xa xôi, trẻ em dưới 6 tuổi không hề được dạy bất cứ 1 mặt chữ hay con số nào. Nhà trường bị cấm dạy, ở nhà cha mẹ cũng chẳng có ý định.
Bởi lẽ, họ quan niệm rằng việc học chữ chỉ là chuyện sớm muộn, vậy tại sao phải ép con "chín non" và giết chết đi những niềm vui, sự sáng tạo trong cuộc sống của chúng?
Họ hy vọng trẻ em sẽ được vui vẻ, hồn nhiên đúng lứa tuổi trước khi chính thức đeo trên vai chiếc cặp nặng sách vở.
Vậy những đứa trẻ nước Đức sẽ được học gì? Câu trả lời chắc hẳn sẽ khiến các bậc phụ huynh Á đông cảm thấy bất ngờ vì quá khác biệt!
1. Nói không với dạy chữ, số, năng khiếu và trẻ được làm những gì mình thích!
Ở Đức, không phân biệt trẻ 3, 4 hay 5 tuổi đều có thể ở chung lớp trong trường mầm non.
Bởi thầy cô không hề dạy kiến thức, mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể làm những công việc thủ công tùy theo sở thích của mình như: tô màu, vẽ tranh, gấp giấy, ghép hình, chơi trò chơi, vẽ tranh, cắt dán...
Điều này cũng giúp chúng có thể chủ động làm những việc cụ thể ngay khi còn nhỏ.
Nếu các bố mẹ mong muốn con sẽ biết múa, biết hát, biết đọc hay viết trong trường mẫu giáo thì sẽ chỉ nhận về nỗi thất vọng tràn trề.
Tất cả những điều này không được dạy trong trường mẫu giáo Đức, bởi họ quan niệm phải để cho bé sống đúng với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ.
Việc học năng khiếu, bố mẹ phải cho bé đến trường múa, hát, nhạc riêng, vì đó mới là chỗ tốt nhất cho bé.
2. Trẻ được học các kỹ năng để tự lập và thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa
Một điều thú vị ở những lớp học mầm non Đức đó là ngay ngày đầu đi học, trẻ sẽ được phát những vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt, 1 bộ quần áo, 1 bộ đồ không thấm nước, ủng cao su, dép đi trong nhà...
Sau đó, các cô sẽ hướng dẫn tỉ mỉ các bé cách sử dụng trang thiết bị trong lớp ngay ở ngày đầu.
Đó là những vật dụng giúp bé cảm thấy thoải mái khi đi ra ngoài trời. Bởi trong suốt 3 năm học mầm non, trẻ em Đức mỗi ngày tối đa chỉ học nửa ngày vào buổi sáng, còn lại trẻ sẽ được ra ngoài tham gia các hoạt động vui chơi.
Nhưng "vui chơi" ở đây không phải trẻ được "thả" muốn làm gì thì làm mà hoạt động trong khuôn khổ do giáo viên phụ trách. Ví dụ trẻ sẽ được đi tham quan thực tiễn bưu điện, sở cảnh sát, siêu thị, bệnh viện,...
Tại đây, các bé sẽ được học cách gửi 1 lá thư, chọn hàng, trả tiền, xếp hàng khi đi tàu điện, tìm sự trợ giúp của cảnh sát khi gặp tình huống xấu...
Một số trường mầm non lại bày máy móc cũ cho các bé tiếp xúc hoặc sửa chữa, dạy các bé cách phối đồ sao cho đẹp, lên lịch hẹn cùng bạn bè...
Sau 3 năm học mầm non, trẻ em Đức có thể tự lập hoàn toàn trong việc vệ sinh cá nhân: đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, đi giày, xúc cơm,...
Ngoài ra, hầu hết các bé còn học được cách quản lý thời gian, lên kế hoạch, sắp xếp đồ chơi, tự tìm cảnh sát, đi mua đồ... 1 đứa trẻ 6 tuổi ở Đức có khả năng tự lập, tự lo liệu rất mạnh mẽ.
3. Xây dựng phẩm chất, ý chí cho con trẻ
Người Đức vốn có tính kỷ luật cao, họ đề cao sự nghiêm khắc, tự giác, trung thực và cẩn thận trong lao động.
Chính vì thế, những sản phẩm "made in Germany" mới trở thành thương hiệu riêng của người Đức được toàn thế giới đón nhận. Đương nhiên, để đạt được kết quả thì người Đức phải trải qua cả 1 quá trình rèn luyện không đơn giản.
Từ khi học mầm non, những đứa trẻ đã thấm nhuần tư tưởng trách nhiệm, tự giác, trung thực... Các bé được cô giáo tỉ mỉ chỉ ra lỗi sai, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy để tạo thành thói quen chỉn chu trong mọi việc.
Các cha mẹ và cả thầy cô ở Đức không có thói quen làm việc hộ, phải để trẻ chịu trách nhiệm với những việc mà mình đã làm.
Khi trẻ bất cẩn đụng phải bạn khác, trẻ phải tự mình xin lỗi; chơi xong đồ chơi thì phải tự mình dọn dẹp. Trẻ bị ngã nếu không nghiêm trọng thì cũng phải tự đứng dậy.
Họ làm điều này với hy vọng từ nhỏ trẻ đã biết chịu trách nhiệm, biết cách chăm sóc người khác, chứ không phải cứ luôn nhận sự chăm sóc từ người khác.
4. Bồi dưỡng năng lực và sự tự tin cho trẻ
Ở Đức, việc nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ được đánh giá rất cao. Các bé làm gì, cho dù chỉ là 1 chút tiến bộ nhỏ cũng được các cô khuyến khích và khen ngợi, do đó, bé tự tin làm mọi thứ theo sở thích.
Thầy cô và cha mẹ tuyệt đối không vì thành tích tốt xấu mà phủ nhận sự ưu tú và nỗ lực trong cả quá trình của trẻ.
Tất nhiên nếu bé có hành động không đúng thì các cô sẽ nhắc nhở và giải thích cho bé hiểu. Không có chuyện các cô dùng thước kẻ đánh bé bao giờ. Cách kỷ luật không đòn roi này khiến lại trẻ mạnh dạn và tự tin.
Mỗi đứa trẻ khi tới lớp học đều cảm thấy hạnh phúc thật sự với những gì nó đã làm, đang làm, sẽ làm.
Nhiều khi phụ huynh tới đón mà các con còn lưu luyến thầy cô và bè bạn, đó quả thật là sự thành công của giáo dục mầm non ở Đức!
Chương trình chẳng học gì mà học tất cả khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tự tin và có đầy đủ kỹ năng để lên những cấp học lớn hơn.
Theo NHỊP SỐNG VIỆT
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...