Kì thị chủng tộc và chuyện phân biệt đối xử tại Đức

Kì thị chủng tộc và chuyện phân biệt đối xử tại Đức

Xã hội Đức vẫn còn tồn tại những mặt trái mang tên kì thị chủng tộc và phân biệt đối xử.

Nước Đức được cả thế giới biết đến như là đầu tàu của Liên minh Châu Âu EU và người Đức luôn được khen ngợi về đức tính kỉ luật, đúng giờ hay làm việc hiệu quả. Đức cũng là miền đất hứa ở châu Âu giang tay đón những người tị nạn Syria trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên bên cạnh những văn minh tiến bộ, những thành tựu khoa học kỹ thuật nổi trội, xã hội Đức vẫn còn tồn tại những mặt trái mang tên kì thị chủng tộc và phân biệt đối xử. Bài viết sau đây là ghi nhận, nghiên cứu tổng hợp và góc nhìn của một du học sinh tại Đức.

“Người Đức sẽ chỉ chủ động bắt chuyện làm quen với bạn khi hoặc là họ muốn cưa cẩm bạn, hoặc là bạn rất giỏi”, là câu mà bạn tôi, một du học sinh người Indonesia theo đạo Hồi, vẫn thường nói mỗi khi nhắc đến sự phân biệt đối xử và kì thị tại Đức.

Sự kì thị không ở đâu xa mà xảy ra ngay trong lớp học. Mỗi khi chúng tôi mỉm cười chào hỏi, nhiều sinh viên Đức chỉ đáp lại bằng cái nhìn coi thường hoặc thậm chí phớt lờ chúng tôi. Tình thế chỉ thay đổi sau khi chúng tôi thể hiện được sự hiểu biết và kiến thức của mình trong lớp: chúng tôi được tôn trọng và được đối xử thân thiện hơn rất nhiều, thậm chí các sinh viên trước kia luôn phớt lờ chúng tôi cũng chủ động làm quen, nói chuyện với nụ cười thường trực trên môi.

1 1 Ki Thi Chung Toc Va Chuyen Phan Biet Doi Xu Tai Duc

Một cuộc biểu tình chống Hồi giáo hóa ở Đức.

W., một cô gái đến từ Kenya cùng lớp dự bị với tôi, thường phải nghe những lời giễu cợt xúc phạm màu da của mình đại loại như “Đồ da đen” hay “Đồ bẩn thỉu”. Còn R., một người bạn theo đạo Hồi, lại bị từ chối xin việc nhiều lần chỉ vì tấm khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là một nhóm nhỏ trong số rất nhiều sinh viên nước ngoài phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt chủng tộc đang diễn ra hàng ngày dưới nhiều dạng và cách thức khác nhau tại Đức.

Hiện nay vẫn chưa có bất kì thống kê cụ thể nào về số lượng các vụ kì thị trên toàn nước Đức. Tuy nhiên có thể khẳng định một điều, sự kì thị và phân biệt chủng tộc tại Đức không phải là trường hợp cá biệt.

Sự kì thị và phân biệt chủng tộc xảy ra mọi lúc mọi nơi trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, thậm chí trở thành một phần cố định trong cuộc sống thường nhật của rất nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người dân nhập cư tại Đức. Họ thường phải chịu đựng những ánh nhìn khinh thị và soi mói từ những người tự coi mình là dân tộc thượng đẳng, bị chửi mắng bằng những lời lẽ thô tục, bị từ chối khi xin việc vì nguồn gốc, màu da, giới tính hay tôn giáo của mình, bị gây khó dễ tại các sở ngoại kiều, các trung tâm giới thiệu việc làm, bệnh viện hay đồn cảnh sát. Bên cạnh những điều gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần, tính mạng của nhiều người trong số họ còn bị đe dọa bởi những sự tấn công của các phần tử bài ngoại.

Người dân ở Đông Đức (cũ), nhất là người nước ngoài, thậm chí còn được chính quyền khuyến cáo không nên ra đường vào những ngày đỉnh điểm của các hoạt động cực đoan bài ngoại.

Kì thị trong học đường

1 2 Ki Thi Chung Toc Va Chuyen Phan Biet Doi Xu Tai Duc

Một nghiên cứu gần đây của Cơ quan liên bang chống kì thị và phân biệt đối xử (ADS) cho biết, 1/4 số học sinh có nguồn gốc nhập cư ở Đức cảm thấy bị kì thị. Các em cảm thấy mình bị xúc phạm, bị tẩy chay, cô lập và ít cơ hội hơn. Những học sinh gốc nhập cư thường bị giáo viên đánh giá thấp hơn mặc dù phải nỗ lực nhiều hơn và có ít tiếng nói hơn so với học sinh bản xứ.

Sự đánh giá thấp và bất công của giáo viên đối với những học sinh này kéo theo một loạt các hệ lụy khác như chỉ nhận được thư giới thiệu vào các trường kém hơn và sau này cũng khó nhận được sự chấp thuận của các trường đại học tốt. Bạo lực học đường nhằm vào các học sinh nhập cư, học sinh khuyết tật cũng trở thành một vấn đề nhức nhối tại Đức.

Cũng theo số liệu của cuộc khảo sát, không chỉ những học sinh nhập cư và học sinh khuyết tật phải đối mặt với sự kì thị trong trường học, hơn 70% người thuộc giới tính thứ ba cho biết họ bị đánh giá kém hơn và gần 40% trong số họ từng ít nhất một lần bị các bạn học bắt nạt và tẩy chay. Ngay cả các giáo viên thuộc giới tính này cũng thường tránh tiết lộ giới tính của mình nhằm tránh trở thành nạn nhân của nạn kì thị và phân biệt đối xử.

Bà Lüders, lãnh đạo ADS, yêu cầu thành lập các điểm khiếu nại tố cáo hành vi kì thị và phân biệt đối xử trên các bang tại Đức, đồng thời đưa sự bảo vệ chống phân biệt đối xử vào luật giáo dục trên toàn liên bang.

Kì thị trong công việc

1 3 Ki Thi Chung Toc Va Chuyen Phan Biet Doi Xu Tai Duc

Khác với nạn phân biệt đối xử tại học đường, nơi nguồn gốc xuất thân trở thành lí do chính bị kì thị, sự phân biệt đối xử trong công việc xuất phát chủ yếu từ tuổi tác, giới tính và khuyết tật, ngược lại, tôn giáo chỉ là nguyên nhân thứ yếu.

Theo báo cáo của ADS, sự phân biệt đối xử diễn ra ngay từ bước xét hỏi hồ sơ xin việc. Nhiều ứng cử viên bị từ chối với những lí do như các thiết bị và cơ sở vệ sinh của công ty không được thiết kế phù hợp với người khuyết tật hay công ty mong muốn một nhân viên trẻ hơn. Ngay cả một cái tên lạ cũng có thể trở thành lí do khiến bạn bị từ chối.

Một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ từng cho biết trong một cuộc khảo sát online: “Tất cả mọi thứ đều rất tốt và người phỏng vấn luôn tỏ ra đặc biệt hài lòng cho đến khi tôi nêu tên và các thông tin liên lạc cá nhân”.

Bà Lüders, lãnh đạo ADS, gần đây đã đưa ra yêu cầu nặc danh hóa các hồ sơ xin việc nhằm giảm thiểu sự thiếu công bằng trong quá trình xin việc. Tuy nhiên điều này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối vì trên nhiều khía cạnh việc này bị coi là quá quan liêu.

Nhiều người Đức thể hiện sự thiếu tôn trọng hay ít nhất là vô cùng thiếu cẩn trọng khi viết tên người nước ngoài, mặc dù tất cả những cái tên này đều đã được viết với chữ cái Latin và không hề có bất kì kí tự đặc biệt nào.

Rất nhiều lần, cá nhân tôi nhận được Email trả lời với lời mở đầu kèm theo nhiều phiên bản tên khác nhau, thậm chí cả giới tính khác. Tôi tự hỏi vì sao rất nhiều người Đức không thể viết nổi tên tôi cho đúng khi máy tính từ lâu có copy-paste, không thể viết đúng giới tính của tôi khi cuối thư tôi đều kí tên với đại từ sở hữu cho phụ nữ hoặc chú thích Ms. bên cạnh. Ngay cả khi trong sơ yếu lí lịch tôi luôn phân biệt rõ ràng đâu là họ, đâu là tên, giới tính của mình là gì và tất nhiên có đính ảnh bên cạnh, vậy mà nhiều công ty gọi tôi đi phỏng vấn với email nói rằng họ rất hứng thú với hồ sơ xin việc của tôi nhưng lại viết sai ngay phần mở đầu với một cái tên và giới tính lạ.

Ngoài ra, người nước ngoài hay người có nguồn gốc nhập cư còn phải đối mặt với sự kì thị từ cấp trên và đồng nghiệp của mình. Một người có nguồn gốc nhập cư cho biết, lãnh đạo của anh đã từng thốt lên rằng „ Người ta cần phải thiêu hết tất cả người nước ngoài.“ Trước các hành vi bạo lực chống lại người nước ngoài, rất ít người dám lên tiếng hoặc dám tranh chấp tại tòa do lo sợ đánh mất công việc.

Thực hiển nhiên, trong khi những người không có nguồn gốc nhập cư với thời gian làm việc ngắn hơn và ít kinh nghiệm hơn thường nhanh chóng thăng tiến thì người nhập cư và người nước ngoài đều khó có cơ hội thăng tiến trong công việc.

Kì thị trong đời sống sinh hoạt

Tại các phòng khám hay bệnh viện, những người phụ nữ Hồi giáo với khăn trùm đầu thường bị từ chối khám chữa một cách thẳng thừng vì các bác sĩ cho hay, các bệnh nhân khác không cảm thấy thoải mái khi phải ở trong phòng chờ cùng với người Hồi giáo.

Khi thuê nhà, người nước ngoài cũng thường xuyên bị từ chối vì bị cho là có lối sống cẩu thả hay khái quát hơn là vì những định kiến của người Đức về người nước ngoài. Những người nhập cư cũng thường bị các cửa hàng buộc tội trộm cắp một cách vô căn cứ. Tại nhiều club, quán bar, sàn nhảy, người nhập cư, đặc biệt là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập và những người da màu bị từ chối vào cửa.

Một người nhập cư cho biết, khi anh gọi điện đến đồn cảnh sát để thông báo mất ô tô, người cảnh sát đã nói rằng: “Anh đến từ đâu thì nên quay lại chỗ đó” và dập máy sau khi anh này nêu tên của mình.

Những người nước ngoài khi đi trên đường cũng thường vô cớ phải chịu những sự sinh sự, khiêu khích và mắng chửi từ những kẻ bài ngoại: từ thanh niên đến người già, từ người Đức vô gia cư đến nhân viên nhà nước.

Xóa bỏ các định kiến

Dường như nhiều người Đức đang quá tự mãn với quá khứ huy hoàng đồng thời cho rằng sinh ra là người Đức, mang trong mình dòng máu Đức cũng đồng nghĩa với trí tuệ và thành công. Có thể đây cũng là tiền đề cho suy nghĩ: Nước Đức đi xuống là lỗi của người nước ngoài và người nhập cư.

Định kiến là điều không dễ thay đổi. Người Hồi giáo như bạn tôi thường bị đánh đồng với cực đoan, ngu dốt và hiếu chiến. Trong cuộc phỏng vấn xin học bổng, bạn tôi đã khiến hội đồng sửng sốt khi tự hào nói về chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo rằng: “Chúng tôi chỉ trùm đầu chứ không trùm lại trí tuệ của mình.”

Chúng tôi, những người nước ngoài, luôn cố gắng xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về dân tộc và quê hương mình. Tuy nhiên thay đổi định kiến của người Đức về người nước ngoài và xóa bỏ nạn kì thị phân biệt đối xử tại Đức sẽ còn là một con đường rất dài cần rất nhiều nỗ lực của chính phủ và của chính người dân Đức.

(Bài viết có sử dụng một số ví dụ và các số liệu từ nghiên cứu, thống kê dịch từ Die Welt, Deutsche Welle và website heimatkunde.boell.de)

Minh Giang

Theo Trí Thức Trẻ


© 2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC