Người Đức vốn nổi tiếng cần cù, chăm chỉ. Nếu hỏi bất cứ ai về cách người Đức làm việc, họ sẽ dùng những tính từ mang nghĩa tích cực như “hiệu quả”, “năng suất”, “chất lượng cao”, chính xác” để miêu tả.
Nghiêm túc với công việc là thế, nhưng người Đức thậm chí còn nghiêm túc hơn với việc nghỉ ngơi. Họ nghĩ rằng năng suất của công ty sẽ được nâng cao - đồng nghĩa với việc tạo thêm nhiều giá trị - nếu lao động được nghỉ ngơi đầy đủ sau giờ làm. Khoảng thời gian sau giờ làm việc được người Đức gọi là “Feierabend”.
“Từ ‘Feierabend’ có 2 ý nghĩa”, Christoph Stengel (41 tuổi) - một kỹ sư phần mềm người Berlin - cho biết. “Đầu tiên, đó là khoảnh khắc bạn ngừng làm việc sau một ngày dài. Dĩ nhiên, đó là một cảm xúc tuyệt vời. Thứ hai, đó là khoảng thời gian kéo dài từ sau giờ làm việc đến trước giờ đi ngủ”.
Mỗi năm, người lao động ở Đức được phép nghỉ 4 tuần để đi du lịch. Họ cũng là một trong số vài quốc gia có số tuần làm việc ngắn nhất châu Âu. Trong lĩnh vực sản xuất, người Đức chỉ cống hiến khoảng 35 tiếng/tuần cho công việc - khác xa so với con số 49 tiếng/tuần của người Mỹ. Trên thực tế, tất cả các nhân viên đều phải nghỉ ngơi đủ 11 tiếng/ngày mà không bị quấy rầy.
“Bạn phải nghỉ ngơi ngay sau giờ làm. Không có chuyện nghỉ bù gấp đôi vào ngày hôm sau”, Nils Backhaus (34 tuổi) - sống ở ngoại ô Dortmund - cho biết. “Stress và sự hồi phục luôn đi kèm với nhau. Đó là nhịp sinh học của cơ thể”.
Backhaus là cố vấn nghiên cứu và chính sách thuộc Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Liên bang Đức. Trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, anh đều xỏ chân vào giày, đạp xe ngắm nhìn cảnh quan thanh bình dọc sông Ruhr. Thói quen hàng ngày này gợi nhớ anh về con đường đi làm quen thuộc trước kia.
Chủ nhật và các kỳ nghỉ lễ được gọi là Feiertage, hay còn gọi là “ngày nghỉ ngơi”. Chúng thậm chí còn được quy định cụ thể trong các bộ luật tại Đức, như là “thời gian thư giãn sau giờ làm việc để nâng cao tinh thần”.
“Tôi tin rằng triết lý Feierabend giúp mọi người kết nối với những điều cốt lõi nhất - gia đình, bạn bè và sở thích cá nhân”, Gene Gerrienne (31 tuổi) - quản lý tại công ty theo dõi vận chuyển hàng hóa Early Metrics - cho biết. Anh sinh ra tại Đức, nhưng đã chuyển tới sống tại Anh năm 22 tuổi.
“Người Đức muốn xác định rõ ràng ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian dành cho bản thân. Vì thế, họ luôn nỗ lực làm việc năng suất nhất có thể khi ở cơ quan. Điều đó cho phép họ được nghỉ ngơi hoàn toàn một khi đã tắt máy tính”.
Tại Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Liên bang Đức, Backhaus đã tiến hành khảo sát về thời gian làm việc vào năm 2015, 2017 và 2019. Các nhà nghiên cứu đã hỏi tình nguyện viên về mức độ hài lòng đối với công việc và cuộc sống cá nhân.
Theo Backhaus, các câu trả lời đều cho thấy “nếu ranh giới giữa công việc và cuộc sống bị xóa nhòa, hoặc nếu công việc ảnh hưởng tới cuộc sống (làm thêm giờ, làm đột xuất, làm việc nhiều tiếng), mức độ hài lòng của họ sẽ giảm”.
Triết lý Feierabend giúp người Đức phân biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống, cũng như tạo điều kiện để họ chuyển đổi nhịp nhàng giữa hai trạng thái này. Ngoài ra, nó còn đem lại lợi ích cho các chủ lao động.
“Ngay cả các công ty cũng biết sẽ có vấn đề xảy ra nếu nhân viên phải làm việc 24/7: Sức khỏe của nhân viên sẽ giảm sút”, Backhaus nói. “Khi đó, họ sẽ cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, phải xin nghỉ ốm nhiều hơn”.
Tuy nhiên, ở Đức, nghỉ ốm cũng là chuyện hết sức bình thường, không phải khái niệm bị cấm kỵ. Giáo sư Ulrich Juergens tại Trung tâm Khoa học Xã hội Berlin cho biết: “Khi bạn bị ốm có nghĩa là bạn thực sự bị ốm”.
Bằng cách khuyến khích nhân viên làm việc chăm chỉ tại cơ quan và nghỉ ngơi hoàn toàn khi về nhà, Đức vẫn là một cường quốc kinh tế mặc dù người lao động làm việc ít giờ hơn so với các nước khác.
Nghe thì khó tin, nhưng khi người Đức nghỉ ngơi liên tục 11 tiếng, họ sẽ cố gắng tránh xa các thiết bị điện tử. Đây không phải là điều dễ thực hiện, nhưng hầu hết các công ty ở Đức muốn nhân viên dùng thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc bản thân mình, thay vì kiểm tra email hoặc quản lý bảng tin của bộ phận trên Twitter.
Thậm chí, vài doanh nghiệp còn áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt, chẳng hạn như tắt hệ thống email qua đêm để ngăn nhân viên kiểm tra trong thời gian nghỉ ngơi. Hai hãng xe nổi tiếng Volkswagen và BMW tại Đức cũng đã yêu cầu người lao động ngừng sử dụng email sau giờ làm và trong các kỳ nghỉ lễ, trừ trường hợp khẩn cấp.
“Khi nhắc đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mỗi cá nhân cần tự tìm ra công thức hiệu quả nhất đối với mình. Tôi tin rằng không có câu trả lời nào là đúng hay sai hoàn toàn”, Gerrienne nói. “ Tôi nghĩ lợi ích lớn nhất mà Feierabend đem lại là cơ hội kiểm soát bản thân và tự mình đưa ra quyết định, thay vì để số phận định đoạt”
Nguồn: Cafe F
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...