Nhiều bang của Đức muốn lùi thời hạn bãi bỏ các biện pháp chống dịch

Giới chức y tế Đức đang tỏ ra lo ngại khi tỷ lệ mắc COVID-19 ở nước này vẫn rất cao, và vì vậy muốn kéo dài thời gian áp đặt các quy định chống dịch bệnh thêm nữa.

Theo dự thảo nghị quyết chuẩn bị trước khi diễn ra hội nghị thảo luận về tình hình dịch bệnh giữa Thủ tướng và Thủ hiến các bang tại Đức (GMK), nhiều bang của nước này muốn hoãn kế hoạch chấm dứt ngay các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 thêm 4 tuần nữa.

Trước đó, chính phủ đã tuyên bố ngày 20/3 là thời điểm Đức bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo đó, cơ sở pháp lý cho các quy tắc 2G (đã tiêm hoặc đã phục hồi sau COVID-19) và 3G (đã tiêm, đã phục hồi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính), đeo khẩu trang và hạn chế số lượng cho các sự kiện... cũng hết hạn, trừ những điểm nóng có số ca mắc tăng đột biến hoặc xuất hiện biến thể mới.

1 Nhieu Bang Cua Duc Muon Lui Thoi Han Bai Bo Cac Bien Phap Chong Dich

Theo đánh giá của đa số các bang, kế hoạch bãi bỏ này là quá sớm khi tỷ lệ mắc mới vẫn ở mức cao như hiện nay. Hiện đa số các bang đều chọn sử dụng điều khoản cho phép tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch trong giai đoạn chuyển tiếp đến ngày 2/4 tới.

Tuy nhiên, theo dự thảo nghị quyết của GMK, các bang đang thúc đẩy giai đoạn chuyển tiếp này kéo dài thêm ít nhất 4 tuần. Có nghĩa là quy định đeo khẩu trang trong nhà, quy tắc 2G và 3G trong nhà hàng và quán bar, giới hạn số lượng của mỗi sự kiện sẽ được áp dụng cho đến ít nhất là đầu tháng 5.

Chính quyền các bang cũng đang kêu gọi chính phủ xác định chính xác cái gọi là “điểm nóng” và liệu điểm nóng có thể là cả một bang hay không.

Ngày 28/3 vừa qua, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cũng đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao.

Theo thống kê tuần vừa qua, Đức ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục 1,5 triệu ca trong 7 ngày./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức