Những trải nghiệm bất ngờ về khu chợ đồ cũ tại Đức

Những trải nghiệm bất ngờ về khu chợ đồ cũ tại Đức

Ở bất cứ thành phố nào trên nước Đức cũng đều có những phiên chợ cũ như thế này. Không phải chỉ có một phiên chợ mà có đến 4-5 chỗ, tùy thuộc vào độ to thành phố của bạn mà con số này có thể lên đến cao hơn.

“Chợ” là nơi mua bán trao đổi hàng hoá giữa người với người. Các phiên họp chợ ở Việt Nam diễn ra hầu như ở khắp mọi nơi, từ khu phố bạn sống tập trung các khu chợ đồ ăn, đến những phiên chợ họp bán quần áo giá rẻ cho sinh viên như “chợ Phùng Khoang” hay “chợ Cầu Giấy”, trên phố cổ cuối tuần tấp nập từ Hàng Mã đến hồ Gươm những khoang hàng lấp lánh ánh đèn đồ điện tử, vòng vèo, móc chìa khoá, đồ ăn vặt, vân vân và mây mây…

Đi dọc theo các khu chợ, ngắm nghía các món đồ nhỏ xinh rồi “mặc cả" với các cô bán hàng để mua được món đồ ưng ý với giá như mơ đã trở thành một thói quen vào những ngày nghỉ cuối tuần của mình khi còn ở Việt Nam.

Còn ở Đức, ngoài những trung tâm thương mại với những mặt hàng giá cao ngất ngưởng, người dân ở đây còn rất thích đi ngắm nghĩa những phiên chợ đồ cũ thường được họp mỗi cuối tuần với những mặt hàng đa dạng và giá cả hợp lý.

1 1 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Quang cảnh một khoanh chợ lúc mọi người đang chọn đồ

Flohmarkt được họp ở đâu?

Quy mô các phiên họp chợ thì cũng tùy vào từng nơi, có chợ lớn và có chợ nhỏ. Chỉ cần google bằng từ khoá: “Flohmarkt + tên thành phố bạn sống”, kết quả sẽ ra địa chỉ và cả giờ mở cửa cho các bạn tha hồ lựa chọn chỗ muốn đi. 

Các vùng đất trống và rộng là nơi lý tưởng để họp chợ. Các khu đất bắt đầu được lấp đầy bởi những chiếc xe ô tô chở hàng của những người bán. Sau đó họ sẽ bày đồ lên một tấm bạt hay trên một chiếc bàn sao cho thật đẹp mắt để người đi qua có thể lựa đồ. Khi các đồ lần lượt được bán đi, họ lại tiếp tục bổ sung bằng cách lấy thêm đồ từ trong xe ô tô.

1 2 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Các mặt hàng cũ được bày trên bàn

Có những người bày rất ngăn nắp, gọn gàng nhưng cũng có những gian hàng chỉ là một cái bạt và rất nhiều đồ li ti nhỏ nhặt được vứt ra thôi. Đứng sau các gian hàng sẽ là những người chủ “cũ” của những món đồ được rao bán, họ đang tìm người chủ “mới” để trao đổi những đồ mà gia đình mình không dùng tới nữa.

1 3 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Một gian hàng bán sách cũ

Cũ người mới ta

Mục đích của những phiên chợ này là bán lại những món đồ mà họ không còn mặc vừa (quần áo), những món đồ trang sức mà không đeo nữa, những đồ trang trí mà nhà họ có quá nhiều hoặc thấy không còn hợp với căn nhà của mình nữa, những đôi giày mua sai cỡ, những tấm poster họ đã sưu tầm từ xưa, những cái chảo xoong nồi mà nhà họ đã có hơn 10 cái tương tự, và vô vàn trăm vạn những thứ khác nữa…

1 4 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Những chiếc túi cũ được treo lên rao bán (cùng 1 em gấu)

Bản thân mình là một đứa rất thích mua đồ về nhà, cứ thấy cái gì xinh lại mua về, rồi nhiều khi lại chẳng mấy khi dùng tới, nên việc dọn nhà để tìm ra những món đồ đó rồi đem đi bán lại là một việc rất tốt để “recycle” (tái sử dụng) chúng. Như vậy có nghĩa là những món đồ trang trí mà người này thấy lỗi thời, không phù hợp nữa lại có thể là một thứ khiến cho mái ấm của người kia thêm đầy đủ, ấm áp.

Nhiều khi trong những phiên chợ đồ cũ này, các bạn sẽ có thể tìm cho mình những món đồ mà bạn thầm ao ước nhưng rất khó tìm được trên thị trường hiện đại ngày nay, ví dụ như máy viết chữ, hay băng đĩa, máy ảnh cũ,… Những đồ vật này có thể bị hỏng hóc nhưng vẫn có thể dùng được, nếu không thì đem về trang trí nhà cũng rất xinh.

1 5 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Chiếc máy nghe nhạc rất khó mua được (và đắt) trên thị trường hiện nay, cũng có thể tìm thấy ở chợ đồ cũ.

Có những người bán hàng ở khu chợ đồ cũ này là những trẻ em tầm 14-15 tuổi. Các em bán những cuốn truyện tranh đã đọc xong hay búp bê gấu bông mà chơi chán rồi để kiếm tiền mua truyện mới hay đồ chơi mới. Vậy nên các gia đình nào có con nhỏ thường rất thích mua lại những đồ này, vì vừa rẻ lại vì mục đích cao cả.

1 6 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

 

Mang thật nhiều tiền xu

Vì các mặt hàng toàn là đồ cũ, nên giá bán đa phần dao động trong khoảng từ 1 Euro đến 10 Euro, tùy vào giá trị của chúng. Đồ càng cổ thì giá càng cao. Những món đồ có giá trị tinh thần lớn với người chủ thường sẽ có mức giá cao hơn, vì họ cũng muốn tìm người chủ mới trân trọng các vật dụng ấy như họ vậy.

Tuy nhiên, khi đi “chợ”, các bạn cũng đừng quên mặc cả nhé. Ở các cửa hàng bình thường, bạn không có cơ hội này vì giá trị sản phẩm còn đi với giá trị thương hiệu và các nhân viên bán hàng không có quyền định đoạt giá tiền mà chỉ đơn giản là chuyên viên tư vấn và tính tiền thôi.

Cách vận hàng ở chợ đồ cũ lại khác. Nếu chúng ta tưởng tượng mỗi gian hàng là một công ty nhỏ, thì người bán hàng vừa là CEO, vừa là người tư vấn, tính tiền và lúc này, không quan trọng là họ bán với giá bao nhiêu nữa, vì họ không phải báo cáo lại doanh thu cho sếp như các cửa hàng bình thường. Đây là việc trao đổi hàng hoá bình thường và nếu cả hai bên ưng ý thì việc trao đổi thành công!

1 7 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Những chiếc kính cũ được bán lại (mua gọng kính bên Đức ở hàng kính cũng rất đắt nhé)

Vậy nên, các bạn hay mang tiền xu đi chợ đồ cũ để mua bán được dễ dàng nhé, vì họ cũng không có nhiều tiền lẻ để trả lại bạn nếu bạn mang tờ 100 Euro đi đâu!

1 8 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Một gian hàng sách và quần áo trong chợ đồ cũ

Ngoài các món đồ với giá trải dài từ 3,4 Euro đến tầm 10 Euro ra, chúng ta còn có thể tìm thấy các mặt hàng “xịn sò” ở chợ đồ cũ đấy.

Điển hình là các mặt hàng như đồng hồ xịn, các tẩu thuốc, hay các đồ trang trí có tuổi đời cao và làm bằng da, gỗ thiệt chính hiệu. Các món đồ này dễ lọt vào mắt xanh của những người sành hàng hiệu và sẵn sàng bỏ ra 50 Euro hoặc hơn để “rước” em về nhà.

Thế nên nếu ai muốn mua hàng hiệu thì việc mang 100 Euro đi mua đồ là hoàn toàn hợp lý. Nhưng riêng mình thì không có ý định đấy nên chỉ mang tiền lẻ đi thôi.

Đồ ăn cho những chiếc bụng đói

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng khu chợ này như một trung tâm thương mại “hạng kém sang” hơn cũng được. Vì sau khi đi mua sắm mệt nhoài, sẽ có những hàng bánh mì, currywurst với cà phê, cacao nóng hay crepe, bánh ngọt sẵn sàng làm ấm bụng những tín đồ đi mua hàng vừa xong. Các gian hàng này như một chiếc kiosk nhỏ và thường ở trên một chiếc xe di động.

1 9 Nhung Trai Nghiem Bat Ngo Ve Khu Cho Do Cu Tai Duc

Ví dụ cho một chiếc xe đồ ăn di động ở chợ đồ cũ.

Tuy nhiên, giá thành cho các món đồ ăn ở đây cũng khá là chát và chất lượng thì không được tốt lắm. Vì thế, một lời khuyên cho những tín đồ mua sắm ở chợ đồ cũ là hãy ăn no trước khi đi chợ hoặc mang đồ ăn trong balo để ăn tạm khi đói nhé!

Đi chợ đồ cũ ở Đức là một trải nghiệm rất thú vị mà du học sinh Đức nên thử. Thử xong là mê luôn. Ví dụ cá nhân mình đã mua được xoong nồi khi mới chuyển về nhà mới không có đồ gì. Các đồ trang trí nhà cửa vintage cũng rất xinh và nhiều luôn. Bạn hãy thử dành một ngày thứ 7 chủ nhật để lạc vào thế giới đồ cũ rồi tìm những món đồ mà mình muốn sở hữu nhé. Mình nghĩ đây là một lựa chọn rất tốt và hợp lý với túi tiền của học sinh. Chúc mọi người tìm được nhiều đồ ưng ý ở Flohmarkt nơi thành phố bạn sống!

 

Nguồn: deutschcampus

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC