"Chúng ta lại vô địch thế giới", một tay phóng viên giễu cợt trên truyền hình Đức, nhưng lần này không phải là chức vô địch World Cup hay số xe hơi bán ra. "Năng lượng của chúng ta có giá cao nhất thế giới".
Tôi đã biết trước giá năng lượng ở Đức sẽ tăng cao, kể cả trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, nhưng "vô địch thế giới" thì quả là bất ngờ. Tượng trưng cho cuộc khủng hoảng hiện tại, mới đây tòa nhà Reichstag - trụ sở của chính quyền liên bang Đức - đã tắt đèn tối thui "làm gương" trong chuyện tiết kiệm năng lượng.
Suốt mấy thập niên qua, Đức hưởng lợi từ khí đốt giá rẻ của Nga thời Tổng thống Vladimir Putin. Còn năm nay, ngay cả trước khi hai đường ống cung cấp khí đốt chính là Dòng phương Bắc 1 và 2 gặp sự cố, Đức đã không nhận khí đốt từ Nga nữa, mà thay vào đó là từ các nước đồng minh như Hà Lan và Na Uy.
Trước cuộc chiến, Đức phụ thuộc nguồn cung từ Nga cho hơn 50% nhu cầu năng lượng (khí đốt và than đốt), nên cuộc khủng hoảng hiện giờ là dễ hiểu. Đây thậm chí được coi là mối đe dọa chưa từng thấy với cả nền kinh tế và sự giàu có của nước Đức kể từ Thế chiến II.
Giới lãnh đạo kinh tế và chính trị trong nước đột ngột nhận ra họ đã tham gia một cuộc chơi nguy hiểm và giờ đang phải trả giá đắt, theo đúng nghĩa đen.
Nỗi thống khổ của giai cấp bình dân
Bồi thêm đòn khủng hoảng năng lượng sau cơn đại dịch Covid-19 còn chưa nguôi, tình hình xã hội Đức trở nên căng thẳng. Đặc biệt những tuần vừa qua, hàng triệu người sống trong hoàn cảnh khó khăn, những người có thu nhập thấp lại càng lo sợ về mùa đông sắp tới.
Không đủ sống trước thời khủng hoảng thì làm sao qua khỏi khủng hoảng khi tiền lương là điều duy nhất không tăng?
Khoảng 13 triệu người sống ở Đức thuộc tầng lớp thu nhấp dưới mức trung lưu có rất ít lựa chọn trước tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Họ luôn là những người đang ở trong tình trạng khó khăn nhất. Nhưng lần này tình hình còn nghiêm trọng hơn: khủng hoảng đang tấn công cả tầng lớp trung lưu đông đảo nhất và là động cơ của xã hội và kinh tế Đức.
Với gần 2,5 triệu công ty nhỏ và trung bình chiếm khoảng 99% nền kinh tế, lực lượng này làm ra 30% của cải ở Đức. Trong số đó, khoảng 34% đối mặt nguy cơ phá sản do cuộc khủng hoảng hiện giờ, theo một khảo sát của Tổng hội Công nghiệp liên bang Đức (Bundesverband der Deutschen Industrie).
Những ngành nghề phổ thông nuôi sống tầng lớp trung lưu bấy lâu nay như lò bánh mì, thủ công nghiệp đủ loại, nhà máy xí nghiệp nhỏ sản xuất và xuất khẩu… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Gió lạnh đầu mùa
Trong khi châu Âu và Đức đang bước vào mùa thu, khả năng kinh tế suy thoái đã là hiển hiện do lạm phát vừa lập đỉnh mới 10% và mức tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991. Chính phủ Đức đã xoay xở trong phạm vi có thể.
Một hệ thống đảm bảo cung cấp đủ khí đốt là rất quan trọng, vì đây là nguồn năng lượng chính của hàng triệu hộ gia đình khắp cả nước để chạy lò sưởi, cung cấp nước nóng, nấu ăn… Đấy cũng là nguồn năng lượng quan trọng nhất cho sản xuất công nghiệp, từ lò bánh mì đến nhà máy thép.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Chính phủ và truyền thông Đức nói các kho dự trữ khí đốt quốc gia cao hơn 90%, nhưng đằng sau con số đó vẫn là một nỗi lo lớn.
Thứ nhất, dù mùa đông đại khái là từ đầu tháng 12 đến cuối tháng 2, mùa sử dụng lò sưởi (Heizsaison trong tiếng Đức) thực ra bắt đầu từ cuối thu, tức khoảng giữa tháng 10, đến tận đầu xuân năm sau, khoảng tháng 4. Trong vòng 7 tháng này, nhu cầu khí đốt và năng lượng nói chung sẽ lên cao nhất.
Thứ hai, khí đốt trong các kho dự trữ chỉ đủ cho ba tháng, tức vừa đủ cho mùa đông. Kinh tế Đức, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, có nhu cầu năng lượng cực lớn quanh năm, tiết kiệm có nghĩa là giảm mạnh sản xuất, sa thải nhân viên hay đối mặt nguy cơ phá sản.
Đối với nhiều công ty vừa và nhỏ, nơi tầng lớp trung lưu đông đảo đang làm việc, tiết kiệm điện hay khí đốt là bất khả. Thực tế đó được thể hiện trước hết qua các lò bánh mì - có lẽ khó nơi nào mang tính biểu tượng như thế trong xã hội Đức.
Giá điện và khí đốt quá cao, nhiều lò bánh mì phải ngưng hoạt động, thợ làm bánh mì xuống đường kêu gọi chính phủ hành động, khi khách hàng có thể phải trả 10 euro cho một ổ bánh mì thay vì 2-3 euro như trước. Một số thợ bánh mì đã bắt đầu bán "bánh mì lạm phát" (inflationsbrot), hoặc làm bánh từ bột mì dư, hoặc phải tìm kiếm trợ cấp.
Thách thức với giới chính trị giờ là đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục vận hành, chống suy thoái kinh tế và tình trạng phá sản hàng loạt, hạn chế lạm phát và tiếp tục cứu trợ người dân.
Các "gói cứu trợ" còn lại gì?
Biện pháp xử lý khủng hoảng của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (Đảng Xanh) đã gây nhiều tranh luận trong tháng 9 vừa rồi. Thực hiện biện pháp đó đồng nghĩa hàng chục triệu người sẽ phải trả thêm 300-700 euro/năm cho các nhà cung cấp khí đốt.
Số tiền này (tiếng Đức là Gasumlage) nhằm tài trợ cho các công ty cung cấp khí đốt ở Đức để ngăn chặn tình trạng phá sản hàng loạt. Nhưng gánh nặng này cũng sẽ đồng nghĩa triệu người Đức vốn đang giật gấu vá vai rồi nay lại càng khó khăn hơn nữa.
Hôm 29-9 vừa rồi trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Olaf Scholz đã giới thiệu "gói cứu trợ" thứ ba gồm 200 tỉ euro nhằm khống chế giá khí đốt đến tay người dân và doanh nghiệp thông qua tài trợ từ nhà nước.
Nhưng biện pháp này chỉ thực hiện được khi cả nước cùng tiết kiệm khí đốt. Hôm 6-10 Chủ tịch Klaus Müller của Cơ quan Năng lượng liên bang (Bundesnetzagentur) cảnh báo tiêu thụ khí đốt đầu mùa lạnh đã vượt mức bình thường. Để tránh rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt vào giữa mùa đông, cơ quan này tính toán tất cả các hộ gia đình và xưởng sản xuất phải tiết kiệm khoảng 20% khí đốt so với lượng tiêu thụ tháng 9.
Lại một mùa thu tàn úa?
Mùa thu mang ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử nước Đức. Nhiều sự kiện thăng trầm của dân tộc như cách mạng Đức 1848, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989… đều xảy ra cùng ngày 9-11. Gần đây trong bối cảnh tình hình căng thẳng, cả Đảng Cánh tả (Die Linke) và Đảng cực hữu AfD đều kêu gọi người dân xuống đường phản đối chính sách của chính phủ.
Trong hai cuộc biểu tình ở thành phố Leipzig, hàng ngàn người cả tả và hữu đã xuống đường bày tỏ sự bất mãn với hiện tình - cách chính quyền Đức đối phó với Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng.
Một phụ nữ trung niên tham gia cuộc biểu tình nói với kênh sternTV: "[Tôi lo] rằng tôi - một người đã làm việc toàn thời gian suốt 47 năm và đồng thời đã nuôi con cái - không còn thanh toán được chi phí năng lượng và rơi vào cảnh khó khăn, y như những người không bao giờ đi làm. Tôi không muốn xuống dưới đáy xã hội như vậy".-
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...