Nước Đức vẫn cần người nhập cư

Luật mới cũng sẽ rút ngắn thời gian một người nào đó phải sống ở Đức trước khi họ đủ điều kiện nhập quốc tịch thông qua nhập tịch. Những người chứng minh được bằng chứng về sự hòa nhập trong xã hội Đức sẽ có thời gian chờ đợi nhập tịch ngắn hơn.

Tạo cơ hội cho những người nhập cư muốn ở lại Đức lâu dài

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết: “Những người nhập cư muốn ở lại Đức lâu dài nên được tạo cơ hội tham gia và đóng góp hoàn toàn bằng việc nhập tịch. Việc hiện đại hóa luật về quốc tịch nhằm tạo ra khuôn khổ phù hợp”. Và “người nhập cư sẽ không còn cần thiết phải từ bỏ quyền công dân trước đây của họ”. 

Theo Bộ Nội vụ, luật mới cũng sẽ rút ngắn thời gian một người nào đó phải sống ở Đức trước khi họ đủ điều kiện nhập quốc tịch thông qua nhập tịch. Những người chứng minh được bằng chứng về sự hòa nhập trong xã hội Đức sẽ có thời gian chờ đợi nhập tịch ngắn hơn.

Có thể nói tin tức mới này sẽ giúp kết thúc thời gian dài chờ đợi của nhiều cư dân đang sống lâu dài của Đức - những người từ chối nhập quốc tịch Đức do yêu cầu chung đối với việc nhập tịch vào Đức là phải từ bỏ quốc tịch trước đây của họ. Các trường hợp ngoại lệ chỉ dành cho những người có quốc tịch khác thuộc Liên minh châu Âu, những người đến từ các quốc gia không cho phép công dân từ bỏ quốc tịch và những người đã nộp đơn xin phép đặc biệt để giữ quốc tịch ban đầu của họ.

Trong khi các quốc gia khác, chẳng hạn như Đan Mạch vào năm 2015, đã tự do hóa luật của nước này về hai quốc tịch, nhưng tại thời điểm đó đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn kiên quyết phản đối. Do CDU là lực lượng chính trị thống trị của Đức, nhiều cư dân sống ở Đức lâu dài từng từ bỏ hy vọng luật pháp sẽ thay đổi. Tuy nhiên, thỏa thuận liên minh vào năm 2021 giữa các đảng vốn bật đèn xanh cho vấn đề trên - Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh - đã loại CDU ra khỏi chính phủ liên bang lần đầu tiên kể từ năm 2005 và tuyên bố ý định cải cách luật nhập cư của Đức để cho phép hai quốc tịch. Tuy nhiên, năm ngoái, cả ba vẫn chưa xác nhận khi nào có thể thông qua luật mới - cho đến bây giờ.

1 Nuoc Duc Van Can Nguoi Nhap Cu

“SPD từ lâu đã ủng hộ việc hiện đại hóa luật quốc tịch và đã điều chỉnh phù hợp với thực tế của xã hội nhập cư của chúng ta” ông Sebastian Hartmann, Chủ tịch nhóm SPD trong Ủy ban Nội vụ Hạ viện, cho biết. “Chúng tôi sẽ chấm dứt sự đối xử bất bình đẳng để mọi người đều có thể nhập tịch trong tương lai mà không phải từ bỏ quyền công dân của mình”.

Bà Filiz Polat, người phát ngôn về vấn đề Di cư và Hội nhập của đảng Xanh trong Bundestag (Hạ viện Đức) cho biết, việc cho phép hai quốc tịch là thay đổi “quá chậm, quá lâu”. Theo bà, “Luật quốc tịch hiện đại là điều cần thiết đối với một quốc gia có nhiều người nhập cư như Đức. “Quyền công dân sẽ trở thành ràng buộc lâu dài của bình đẳng pháp lý, sự tham gia và quyền được thuộc về”.

Trong khi đó, theo ông Stephan Thomae, một thành viên FDP của Ủy ban Nội vụ Hạ viện, việc nhập tịch sẽ có thể được phép sau 5 năm, thay vì 8 năm hiện tại. Ngoài ra, với bằng chứng về sự hội nhập đặc biệt - bao gồm cả trình độ thông thạo tiếng Đức - người nộp đơn xin nhập tịch nên được coi là đủ điều kiện sau 3 năm.

Ông chia sẻ, “chúng tôi muốn những người sống với chúng tôi, những người đã hòa nhập tốt về ngôn ngữ, pháp lý, kinh tế và văn hóa, những người đóng góp vào sự thành công của xã hội và hoàn thành trách nhiệm của họ - cũng có các quyền liên quan và họ nên được tạo điều kiện để hội nhập lâu dài”. Ông phát biểu thêm, FDP muốn cải cách đi kèm với một chiến dịch để làm cho những người Đức tiềm năng nhận thức được các quyền mới của họ, giúp khuyến khích nhập tịch.

Trong khi cả ba đảng đều nhất trí về nguyên tắc chung là cho phép nhiều quốc tịch, thì những cư dân đang sống lâu dài của Đức muốn nhập tịch vẫn muốn được các nhà lập pháp tranh luận thêm về mặt pháp lý. Chẳng hạn, một câu hỏi mở tiềm năng là quyền công dân nên mở rộng bao xa trên bình diện thế hệ. Trong khi con cái của những người Đức nhập tịch sẽ không phải từ bỏ cả hai quyền công dân, ông Thomae nói rằng sẽ cần phải có các quy tắc rõ ràng về việc liệu những đứa cháu của người Đức nhập tịch có nên chọn một quyền công dân nếu họ đã có yêu cầu về quyền công dân khác.

Cả Bộ Nội vụ và các nghị sĩ Đức vẫn chưa xác nhận chính xác thời điểm họ mong đợi luật mới có hiệu lực. Tuy nhiên, những cư dân sống lâu dài ở Đức có thể phải chờ đợi thêm chút nữa khi Hạ viện điều chỉnh dự thảo luật trước khi thông qua.

Ông Hartmann cho biết: “Bộ Nội vụ Liên bang hiện đang chuẩn bị dự thảo luật này và chúng tôi sẽ xem xét nó một cách cẩn thận”. “Nếu Nội các đưa ra quyết định dự kiến vào tháng 12, chúng tôi sẽ có thể hoàn thành thủ tục tại Quốc hội chậm nhất vào mùa hè năm 2023”.

Theo dự đoán, nếu luật mới được thông qua vào mùa Hè năm 2023, các quy tắc cũ có thể tiếp tục trong một thời gian ngắn - để bảo đảm rằng các công chức được chuẩn bị cho các quy định mới. Khoảng thời gian chờ đợi chính xác sẽ có thể trở nên rõ ràng hơn khi Hạ viện bắt đầu tranh luận về dự thảo luật.

Nhập cư kỷ lục vẫn khan hiếm lao động

Bất chấp mức nhập cư kỷ lục, Đức vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lớn. Bộ trưởng Lao động Liên bang Hubertus Heil đã phải đưa ra kế hoạch cải cách luật nhập cư, trong khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược lao động có kỹ năng mới.

Đức hiện đối mặt với tình trạng thiếu nhân công đáng kể và chỉ trong quý trước, có tới gần 2 triệu vị trí trống trên thị trường việc làm của nước này. Chính phủ dự đoán, đến năm 2026, sẽ có 240.000 việc làm ở Đức mà không có ứng viên đủ tiêu chuẩn. Trước tình hình đó, một trong những cách mà Đức dự định giải quyết cuộc khủng hoảng lực lượng lao động sắp xảy ra này là thay thế hệ thống nhập cư hiện tại, tương tự như mô hình dựa trên điểm được sử dụng ở Canada. Nhưng đây không phải là cách duy nhất.

Tuần trước, Nội các Đức đã thông qua Chiến lược lao động có kỹ năng mới, trong đó đưa ra nhiều cách khác nhau mà Đức sẽ cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt công nhân. Trước đó, hồi tháng 9, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil trình bày các kế hoạch ban đầu của ông về một Chancenkarte mới - cái gọi là “thẻ cơ hội” sẽ mang lại cơ hội cho công dân nước ngoài đến Đức tìm việc ngay cả khi không có lời mời làm việc.

Theo kế hoạch, công dân quốc tế sẽ có thể đến sinh sống tại Đức miễn là họ đáp ứng ít nhất ba trong số các tiêu chí là có bằng đại học hoặc bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm làm việc ít nhất ba năm, kỹ năng ngôn ngữ hoặc đã từng cư trú tại Đức và dưới 35 tuổi. Điều này có nghĩa là, không giống như hiện tại, bằng chứng về trình độ và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài sẽ đủ để nhập cảnh vào Đức. Nó sẽ mở ra thị trường lao động cho các chuyên gia nước ngoài chưa có bằng cấp được công nhận ở Đức, vì họ có thể có được những bằng cấp này với sự giúp đỡ của một chủ lao động Đức, người sẽ ký hợp đồng và trả tiền cho một số khóa học ngôn ngữ của họ.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào hệ thống nhập cư dựa trên điểm mới có hiệu lực.

Các mục tiêu quan trọng khác là cho phép người nhập cư tận dụng nhiều hơn các cơ hội việc làm và đào tạo ở Đức, cũng như để các thủ tục công nhận các bằng cấp giáo dục và chuyên môn nước ngoài được đơn giản hóa.

Chiến lược lao động có kỹ năng mới cũng đề cập về “chính sách định hướng mục tiêu trước khi hội nhập” sẽ bao gồm việc cung cấp thông tin và lời khuyên về thủ tục nhập cư, các khóa học ngôn ngữ và các dịch vụ định hướng tại quốc gia xuất xứ cho bản thân những người lao động có kỹ năng tiềm năng và các thành viên cho gia đình họ. Ngoài ra, để đối phó với tình trạng thiếu lao động lành nghề, cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục nhập cư, Chính phủ Đức cũng muốn đưa ra nhiều biện pháp kích thích sự tham gia vào lực lượng lao động của những người đã sống ở Đức.

Do tỷ lệ việc làm bán thời gian cao, khối lượng công việc được trả lương trung bình hàng năm của phụ nữ ở Đức thấp hơn nam giới khoảng 30%. Do đó, theo  Chiến lược, mục đích là khuyến khích nhiều phụ nữ hơn làm việc toàn thời gian bằng các biện pháp như mở rộng chăm sóc trẻ em và giảm bớt những bất lợi về tài chính Ngoài ta, Đức cũng muốn thúc đẩy các khóa đào tạo và học tập trong các ngành và nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu lao động lành nghề; mở các chương trình giáo dục thường xuyên và cung cấp nhiều biện pháp hỗ trợ để khuyến khích những người có tay nghề thấp, người thất nghiệp và những người nhận trợ cấp bắt kịp và nâng cao tay nghề của họ.

Một vấn đề quan trọng khác cần được giải quyết là việc đào tạo những người di cư đã sống ở Đức một thời gian. Từ ngày 1.1.2022, những người đã sống ở Đức ít nhất 5 năm được phép ở lại và làm việc. Theo Chiến lược, Chính phủ Đức đang hỗ trợ và đào tạo thêm nghề cho những người nhập cư vẫn cần bằng cấp để có được chỗ đứng trong thị trường lao động Đức.

Linh Anh


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức