Suy nghĩ về việc ai nên tới Đức của một người Việt

Một bài viết hay, chất lượng về suy nghĩ của người Việt Nam khi đặt chân đến nước Đức học tập và lao động.

- Thông tin về cá nhân

+ Tôi tên là Bằng, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sang Đức được hơn 2 năm theo diện lao động và làm việc cho một trường Đại học ở Đức gọi là hợp tác nghiên cứu. Tôi 29 tuổi, FA lâu năm (bạn nữ nào sau khi đọc bài có gì đồng cảm, vui lòng kết bạn qua Facebook :) ). Sau hơn 2 năm làm việc ở đây, tôi đã có rất nhiều suy nghĩ từ tích cực đến tiêu cực, từ quyết chí đi lên đến đầu hàng số phận, từ ăn to nói lớn đến ăn tục nói phét,.... Tôi không biết mọi người có như vậy không nhưng tôi thích thì tôi viết thôi. + Tôi không biết tiếng Đức và làm việc trong môi trường dùng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của tôi thuộc loại kém nhất trong tất cả mọi người ở đây. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ những sự thật mà mọi người có thể nghe đâu đó, nhưng nếu chưa nghe thì có thể biết thêm.

- Giới thiệu về các nhóm đối tượng người Việt ở Đức

Ở Đức có thể chia người Việt thành 3 thế hệ: + Thế hệ 1: là các bậc ông, bà, lão thành cách mạng được đưa sang đào tạo ở Cộng hoà Dân chủ Đức từ những năm 1950 tới 1975. Có thể nói nếu họ còn sống ở Đức thì chắc chắn có lẽ đã có thế hệ thứ 3 và đưa cả nhà sang đây từ rất lâu. Tôi nghĩ số lượng này không nhiều vì thời chiến tranh có lẽ họ sẽ chọn trở về Việt Nam sau khi được đào tạo vài năm dưới sự hợp tác hữu nghị của khối Cộng Sản (đứng sau là Liên Xô).

+ Thế hệ 2: là các bậc phụ huynh được đưa sang đào tạo ở Cộng hoà Dân chủ Đức sau khi Việt Nam thống nhất và trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, vất vả, họ được đưa sang làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp. Dĩ nhiên, gia đình nào có người đi Tây thời này chắc chắn có rất nhiều thứ quà cáp mà người ở nhà lúc đó có mơ cũng không thấy. Sau khi nước Đức thống nhất, phần lớn trong số họ trở về quê hương với khoản tiền bồi thường rất có giá trị những năm đầu 90. Tuy nhiên, một phần vì lo sợ trở về với đất nước sau thời kỳ bao cấp, quá nhiều bất cập, nên đã từ chối nhận tiền và ở lại tìm công việc.

1 1 Suy Nghi Ve Viec Ai Nen Toi Duc Cua Mot Nguoi Viet

Với thế hệ 2 này thì sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, Liên Xô sụp đổ, không còn ai ủng hộ như trước nữa, nên họ bắt buộc phải mưu sinh theo nhiều cách khác nhau.

Cô chú họ của tôi hiện sống ở Berlin là một trong những người như vậy và họ kể về thời điểm đó buôn bán cái gì cũng dễ có tiền vì phần phía Đông Đức rất nghèo và thiếu thốn nên chỉ cần nhập hàng từ Tây Đức về là tranh nhau mua. Bản lĩnh hơn và giầu nhanh, chết cũng nhanh là đi buôn lậu thuốc lá. Tôi nghĩ không ít người Việt giầu có ở Đức hiện tại có thời đã tích luỹ được số vốn không nhỏ nhờ những chuyến buôn lậu liều lĩnh này.

Đến khoảng những năm 2000 khi Liên minh Châu Âu thành lập thì cũng là lúc kinh tế bão hoà và các sản phẩm hàng hoá như quần áo không còn khan hiếm nữa. Vì vậy, lúc này thế hệ thứ 2 cũng có tuổi, không thể đứng bán hàng dưới trời lạnh buốt giá (dù trước đó họ có bán quần áo thì cũng chỉ là các rạp căng ngoài trời, không có tiền thuê cửa hàng) và chuyển sang đi làm thêm cho các quán ăn châu Á của người Việt, vì dù sao ẩm thực Việt Nam cũng khá nổi tiếng và lạ miệng với thực khách phương Tây.

+ Thế hệ 3: con cháu của thế hệ thứ 1 và 2, các sinh viên, học sinh từ những năm 2005 trở về hiện tại, sang Đức du học, lao động với niềm tin rằng có thể giống như các thế hệ trước, mau chóng giầu có, kiếm nhiều tiền, mua xe xịn, một vợ hai con 3 tầng, bốn bánh. Ngoài ra cũng phải kể đến nhiều người Việt ở Việt Nam cũng vì nghèo khổ hoặc không chịu được nghèo khổ mà tìm cách vượt biên vào Đức và trở thành người tị nạn, cố gắng bám trụ vào chính sách nhân đạo ở Đức. Thế hệ thứ 2 đã có nhiều người tiên phong để mang cả gia đình, họ hàng sang Đức, sống không giấy tờ hợp pháp để mong ngày nhận được sự ưu đãi của nước Đức để có giấy tờ.

- Điều kiện về cư trú ở Đức + Tất cả các thế hệ thứ 1 và thứ 2 không cần nói thì ai nếu ở lại Đức hoặc đã nhập quốc tịch (sau 8 năm đi làm, đóng thuế và trình độ tiếng Đức B1) hoặc có giấy phép cư trú vĩnh viễn (sau 5 năm đi làm, đóng thuế và trình độ tiếng Đức B1). Tuy nhiên, đó là luật hiện nay, còn từ những năm 1990 - 2000, người Việt mấy ai tiếng Đức đến trình độ B1 khi họ đi làm vất vả cả ngày trong cửa hàng, quán ăn, đâu có thời gian học tiếng, nên tôi nghĩ phần lớn họ có giấy phép cư trú cũng do chính sách ưu đãi của nước Đức với thế hệ này.

+ Như vậy, thế hệ thứ 3 chỉ có thể sống và làm việc ở Đức khi có thi đỗ một trường Đại học ở Đức, sang học tiếng nhưng thời gian rất ngắn, hoặc có được Công ty Đức bảo lãnh sang làm việc. Không phải công việc nào cũng có thể bảo lãnh, chỉ có những công việc mà người Đức không đủ để làm như bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhà khoa học, chuyên gia,... thì mới có thể sang Đức do các hợp đồng lao động như vậy. Do đó, nếu sinh viên tốt nghiệp Đại học ở Đức mà không làm việc đúng chuyên môn hoặc dưới khả năng như lao động chân tay thì cũng sẽ không được gia hạn sau thời gian tốt nghiệp để tìm việc làm.

+ Kết hôn (thật, giả) với các nam thanh, nữ tú, ông, bà, cha chú,...miễn sao họ có quốc tịch, giấy tờ, sinh con cho họ để con có quốc tịch và bố, mẹ ăn theo con để được ở lại Đức. Dĩ nhiên, phái yếu lên ngôi ở đây khi không mấy khoai lang lấy được dâu tây. Những người theo diện này thì thường họ phải trả nhiều tiền (với phụ nữ thì ít hơn nhiều) cho các đối tượng môi giới để tìm người đến nhận con trong khi mẹ thì ở trong trại tị nạn. Có vẻ hiện nay luật Đức đã siết chặt việc này khi không phải ai cũng có thể đến nhận con nuôi vì sẽ bị thanh tra, thẩm vấn về quan hệ giữa 2 người và nếu nghi ngờ sẽ từ chối chấp nhận hôn nhân và cả mẹ lẫn con có thể bị trục xuất.

+ Vẫn có rất nhiều người Việt sống chui lủi ở Đức theo diện sang du lịch và trốn ở lại. Họ không có giấy tờ, không bảo hiểm, không thể sống như người bình thường và tôi nghĩ rất khó để họ có thể đạt được mong muốn của họ về một tương lai giầu có như các thế hệ trước. Nhất là đã có hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức hơn một năm trước và như vậy thì dẫn đến những người như họ không có một chút quyền lợi gì để trông cậy nếu ốm đau hoặc bị cảnh sát kiểm tra. Đã không còn những ưu đãi như trước nữa và nước Đức đã không còn là thiên đường cho những người Việt cần lao hoặc cần tiền.

Vì sao nên tới Đức

Nước Đức vẫn là thiên đường với thế hệ thứ 3 (thế hệ thứ 2 nếu vẫn có cửa hàng thì vẫn coi là ông, bà chủ kiếm được tiền, còn lại thì ăn xã hội - không đủ sức khoẻ hoặc cố tình không đủ sức khoẻ để xin trợ cấp từ chính sách của Đức), theo tôi thì:

+ Mức lương cao (nếu bạn giỏi tiếng Đức và giỏi chuyên môn), tốt nghiệp Đại học ở Đức hoặc Đại học Việt Nam nhưng có khả năng làm việc trong các ngành, nghề thiếu lao động trình độ cao ở Đức. Lương cao là trên 3000 Euro/tháng với người Việt. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản thuế thì bạn sẽ nhận lại 60%.

+ Bảo hiểm tốt (vì bạn đóng tiền bảo hiểm nhiều), đi khám bác sĩ không tốn tiền, mua thuốc có bảo hiểm thì chỉ phải trả 5 - 10 Euro thay vì giá thật sự. Nếu ốm đau có đi bệnh viện thì cũng vậy, không như ở Việt Nam đâu đó có nhiều điều không hay.

+ Giáo dục tốt (con cái không những không mất tiền đi học mà hàng tháng có tiền để trợ cấp đi học). Vì bạn đóng thuế cao và xã hội cần người giỏi nên đầu tư vào giáo dục qua chính sách trợ cấp, điều Việt Nam rất hạn chế do ... (e hèm, thiên tai, ví dụ như vậy).

+ Thất nghiệp tốt (đúng vậy, nếu có không đủ khả năng làm việc thật sự và ăn xã hội) thì vẫn yên tâm có nhà ở, ăn uống, bảo hiểm, có tiền tiêu hàng tháng không phải nhờ cậy con cháu. Tuy nhiên, chỉ dành cho các đối tượng có cư trú dài hạn, quốc tịch Đức. Và thực tế là có rất nhiều người vẫn có khả năng lao động nhưng lại ỷ lại vào xã hội, đủ mọi quốc tịch.

1 2 Suy Nghi Ve Viec Ai Nen Toi Duc Cua Mot Nguoi Viet

Người Việt trên nước Đức vẫn giữ thói quen, văn hoá truyền thống Việt Nam

+ Sự nghiệp phát triển: vì nước Đức có nền kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, vì vậy nếu có cơ hội làm việc trong các công ty, tập đoàn ở Đức thì chắc chắn khả năng sẽ được nâng cao và được cọ xát trong môi trường khắc nghiệt và chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có cơ hội này và có thể bám trụ được.

+ Khoai tây, mắt xanh, mỏ đỏ,...bạn nào thích vì những thứ trên thì cũng là một động lực tốt để cố gắng. Dĩ nhiên khoai lang thì thật sự khó, tôi kém sẵn ở Việt Nam nên ở Đức vẫn FA không có gì lạ.

Vì sao không nên tới Đức

+ Không giỏi tiếng Đức, thật sự không biết tiếng Đức và sống trên nước Đức này giống như con dê đi vào bầy sói (dĩ nhiên cừu đội lốt sói thì nhiều hơn). Vì người Đức nhìn bề ngoài không thân thiện, cục xúc, tuy nhiên nếu quen được họ thì họ cởi mở hơn nhiều, nhưng làm sao quen nếu không có thể trò chuyện. Ngoài ra, không biết tiếng như tôi thì làm gì cũng khó, đến gặp bác sĩ dù bảo hiểm trả 100% tôi vẫn không tự tin khi bác sĩ cũng bập bẹ tiếng Anh, tôi thấy đang làm phiền họ. Đi mua các mặt hàng rất cơ bản cũng không biết gọi là gì, chỉ biết nhìn hình đoán nghĩa và trả tiền rồi cám ơn và tạm biệt.

+ Không có khả năng làm việc, các công việc chân tay đã quá thừa lao động từ các nước Đông Âu hoặc người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 có giấy tờ hợp lệ. Nếu thấy ở Việt Nam còn khó tìm việc thì đến nước Đức là điều quá huyễn hoặc, xa vời.

+ Nghe theo dụ dỗ (lương trăm triệu), kết hôn giả, mẹ đơn thân,...Điều đó có thể đúng với số ít những người may mắn gặp được người môi giới tử tế, người hôn phu (giả cầy cũng được) tử tế, sau đó có giấy tờ thì đi làm vất vả, chịu khó chưa biết tương lai sẽ thế nào khi nếu không có trình độ thì tiền lương chỉ đủ ăn, ở.

+ Đi du học cho oai (nếu biết ngoại ngữ và có khả năng học được thì không nói làm gì) nhưng theo tôi thì học ở Đại học ở Đức không hề dễ dàng, không kiểu chạy chọt thầy, cô được vì vậy có lẽ một phần các bạn sinh viên Việt Nam đành từ bỏ giấc mơ và đi làm việc chui lủi kiếm tiền.

- Kết luận

 + Tôi thấy nước Đức hay bất kỳ nước nào cũng đều mong muốn có được người giỏi và có khả năng phát triển. Thực tế, nếu người Việt giỏi di cư đi hết thì Việt Nam khó có thể tiếp tục phát triển. Vì vậy, khi mới tới Đức, tôi nghĩ tôi sẽ ở lại vì tôi thấy thích cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tôi cảm thấy chán sự cô quạnh vì tôi không có quen người nào từ tây đến ta ở đây (tôi không ở Berlin hay các vùng nhiều người Việt). Gia đình tôi vẫn ở Hà Nội và lúc nào mẹ tôi cũng kêu về lấy vợ rồi ở nhà hẳn.

+ Tôi không biết tiếng Đức, hợp đồng lao động cũng có thời hạn nhất định và cũng rất khó khăn để có thể tiếp tục công việc khi từ đầu bị chê thiếu trình độ, kỹ năng,...May là tôi vẫn trụ lại được và tôi có nghĩ nếu trụ lại được một năm, hai năm thì 5 năm có lẽ cũng được. Nhưng rồi sẽ ra sao (?) nếu tôi không học tiếng tử tế thì dù có bạn nào người Việt chịu theo có kết hôn, sinh con thì tôi cũng không biết làm giấy tờ kiểu gì. Ba mươi tuổi thì tự lập được thân (tam thập nhi lập) nhưng so với các bạn ở Việt Nam thì tôi thấy họ giỏi hơn tôi nhiều khi vẫn lập gia đình và công việc đã ổn định. Tôi nghĩ rằng sống ở Đức như tôi thì chịu nhiều thiệt thòi nhưng bù lại công việc có thu nhập tốt hơn hẳn so với công việc ở Việt Nam. Nhưng bố mẹ cũng đã cao tuổi và người Việt đâu có tự lập được tốt như người Đức.

Suy nghĩ của các bạn thì thế nào? 

Nguồn: tintucvietduc


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức