“Con đường Thứ 3” là tổ chức chính trị tân phát-xít cực đoan nhất tại Đức. Ảnh: DW
Các khóa huấn luyện thực chất - có cả người Đức tham gia, được tổ tại một cơ sở quân sự nằm ở ngoại ô thành phố St. Petersburg, mang danh câu lạc bộ có tên gọi "Partizan". Từ năm 2018 trở về trước, "Partizan" và các thành viên trực thuộc có tên trong danh sách website của văn phòng thành phố St. Petersburg, với tư cách là một nhóm giữ gìn trật tự của quận Vyborg.
Một nhà tổ chức tại trại huấn luyện bán vũ trang này cho biết, trung tâm cũng cung cấp các khóa học cho người nước ngoài, trong đó có cả người Đức. Ngày nay, trung tâm tiến hành quảng bá về các khóa huấn luyện thực hành ở trên mạng và trên thực địa, với các lớp học về sử dụng vũ khí và về địa hình quân sự. Riêng trong tháng 6 này, trung tâm đã mở 6 lớp học, các học viên có thể đăng ký qua mạng xã hội Vkontakte của Nga.
Những người dân túy cánh hữu ở Nga
Trong quá khứ, nước Nga từng đóng vai trò là địa điểm gặp gỡ đối với giới chức dân túy cánh hữu và cấp tiến ở khắp châu Âu. Năm 2015, St. Petersburg đứng ra đăng cai tổ chức “Diễn đàn Bảo thủ Quốc tế Nga”. Thành viên tham dự gồm có cựu Chủ tịch đảng cực hữu Dân chủ Quốc gia (NPD) Udo Voigt, cùng với đại diện đến từ đảng Forza cực hữu ở Italy, đảng phát-xít mới Bình minh Vàng của Hy Lạp và đảng cánh hữu Lega tại Italy.
Năm 2017, ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp, bà Marine Le Pen - thủ lĩnh đảng Mặt trận quốc gia theo được lối cánh hữu tại Pháp, có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin ở Moskva. Bà Le Pen cổ vũ mối quan hệ thân thiết với Nga, đồng thời chỉ trích lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống Nga. Đảng của bà Le Pen cũng đã nhận được khoản vay trị giá 10,2 triệu USD từ một ngân hàng Nga.
Bà Marine Le Pen (trái) tại cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin năm 2017. Ảnh: AFP
Phái đoàn đảng cánh hữu “Sự lựa chọn của nước Đức” (AfD) do Chủ tịch đảng Frauke Petry dẫn đầu cũng có chuyến thăm Moskva vào năm 2017. Đoàn có cuộc gặp với giới nghị sĩ đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền và nhóm đại diện từ đảng Dân chủ tự do Liên bang Nga, đứng đầu là thủ lĩnh cánh hữu dân túy Vladimir Zhirinovsky.
Ai là người huấn luyện vũ trang?
Trung tâm huấn luyện và các nhà tổ chức câu lạc bộ này có mối quan hệ rất thân thiết với số cực đoan theo Chính thống giáo Nga. Chủ tịch câu lạc bộ và cũng là người sáng lập trung tâm huấn luyện này là Denis Gariev, cũng là nhân vật chủ chốt đứng sau Phong trào Đế chế Nga (RIM) - vốn bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế hồi tháng 4/2020.
Theo những gì mà tổ chức này quảng bá, RIM là một tổ chức theo chủ nghĩa quân chủ, “yêu nước chính thống”, “bảo thủ cực hữu” đấu tranh cho sự “thống trị của người da trắng”. Tại Nga, RIM không bị liệt là tổ chức khủng bố, nhưng Bộ Tư pháp nước này coi RIM là thế lực cực đoan.
Website của RIM hiện đã tạm thời bị khóa, nhưng độc giả vẫn có thể truy cập các kênh truyền thông mạng xã hội của tổ chức này thông qua ứng dụng Telegram và Vkontakte. Những tuyên bố được đăng tải trên mạng cho thấy RIM rõ ràng ủng hộ quan điểm phân biệt chủng tộc.
Biểu tình toàn cầu sau cái chết của George Floyd với khẩu hiệu “Mạng sống của người da đen cũng đáng quý” thường bị thành viên ủng hộ RIM bình luận là “chết tiệt”. Các phần tử cực đoan này còn chế giễu người biểu tình đang “thờ phụng một thần tượng da đen”. Họ cũng coi đại dịch COVID-19 là một “âm mưu quốc tế”, khẳng định tương lai của Nga sẽ là “tái sinh” nền quân chủ Cơ đốc Chính thống mà nếu cần thiết có thể sẽ phải dùng đến cả vũ lực, bởi “một tín đồ Cơ đốc chính thống luôn luôn là một chiến binh”.
Những người tham gia cực hữu là ai và phản ứng của chính quyền Đức
Theo tạp chí Focus, một số phần tử tham gia huấn luyện là thành viên của phong trào Quốc gia Thanh niên, một nhánh của đảng NPD – đảng cực hữu lâu đời nhất tại Đức. Chỉ có 280 thành viên, phong trào này chưa tạo được dấu ấn chính trị lớn. Nhưng số này hoạt động tích cực để thu hút công chúng. Đơn cử, nhóm này đã từng phát động nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường để thu hút thanh niên tham gia.
Tham gia huấn luyện ở Nga còn có các phần tử đến từ đảng “Con đường Thứ 3” – một trong những đảng cấp tiến chính trị nhất ở Đức. Theo Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), đảng “Con đường Thứ 3” theo đuổi hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, phân biệt chủng tộc do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa phát-xít. Đảng này cũng không chấp nhận các giá trị dân chủ.
Đảng “Con đường thứ 3” được thành lập bởi các thành viên đến từ liên minh cực hữu ở miền Nam nước Đức, ngay ở thời điểm liên minh này chuẩn bị đối diện với nguy cơ giải tán, rốt ráo tìm cách chuyển đổi thành một đảng chính trị. Lý do nằm ở chỗ, tại Đức, rào cản để cấm đoán một đảng chính trị cao hơn nhiều so với cấm đoán một liên minh, hội đoàn hay câu lạc bộ.
Hiện chính phủ Đức vẫn giữ thái độ im lặng trước thông tin về các phần tử cực hữu tham gia các khóa huấn luyện ở Nga. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho biết, cơ quan này đã nắm được tình hình, nhưng hiện chưa có thông tin chi tiết về số cá nhân bị tình nghi có tham gia huấn luyện bán vũ trang ở trung tâm nêu trên.
Hoài Thanh/Báo Tin tức
Deutsche Welle
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...