Một mùa thi nữa lại về. Đây cũng là lúc bao cảm xúc trái ngược ùa đến với những sinh viên xa nhà như chúng tôi. Thế là cuối cùng, Tết cũng đến với những du học sinh Việt Nam ở Gelsenkirchen, Đức...
Giờ này ở nhà, nhắm mắt lại, tôi cũng hình dung được cảnh những chuyến xe tấp nập chở hàng đang vội vã chạy đua với những ngày cuối năm. Mọi người háo hức dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón tết...
Với nhiều người, Tết là niềm vui đoàn tụ bên gia đình, người thân, là gam màu rực rỡ của những cành mai vàng, những phong lì xì đỏ thắm... Nhưng bức tranh Tết của không ít du học sinh tại Đức, chỉ có màu xám của bầu trời mùa đông và những cành cây trơ trụi lá.
"Mới 25 thôi mà, sao mình đón Tết sớm thế!", câu hỏi của đứa em mới sang được vài tuần khiến lòng tôi bỗng lâng lâng khôn tả. Hình như tôi cũng đã từng hỏi thế vào những ngày đầu mới đến nước Đức xa xôi.
Ở Đức, thông thường mùa thi cuối kỳ diễn ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi - những du học sinh lại quây quần với nhau ăn Tết sớm.
Tết với chúng tôi không có những món ngon mẹ dày công chuẩn bị cho đêm giao thừa, mà đó chỉ là một buổi tụ tập nho nhỏ. Những món ăn đậm chất sinh viên, những khuôn mặt rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt sau bao ngày không gặp..., chỉ thế thôi cũng đủ tạo ra một không khí vui vẻ và đầm ấm.
Một bàn tiệc "dã chiến" được ghép lại với những chiếc bàn học nhỏ. Có lẽ những chiếc bàn này cũng không biết rằng, chúng được sử dụng với nhiều mục đích như vậy. Một cậu bạn tôi nói đùa:"Như thế này là may lắm đấy! Vì cả năm chữ sẽ vào được đầu...".
Chúng tôi chia nhau làm 4 tổ để công việc... làm cỗ được triển khai nhanh chóng hơn. Và như thế, ai cũng được góp chút công lao vào bữa tiệc chung đón chào năm mới. Tổ đi chợ, tổ chuẩn bị bàn ghế, tổ dọn dẹp và quan trọng nhất vẫn là tổ nấu nướng.
Có lẽ thực đơn hôm nay sẽ lạ lẫm với những người lần đầu tiên ăn Tết xa quê. Trên bàn tiệc, những nồi cơm điện đã được sắp sẵn bên cạnh những đĩa giấy bạc to tướng: Một bữa ăn với "nội dung" quen thuộc nhưng lại được trình bày hết sức lạ lùng.
Nào là lẩu thập cẩm được hâm nóng bằng nồi cơm điện, nào là những chiếc bánh chưng được gói trong giấy bạc. Với phương châm:"có gì làm nấy, tận dụng hết những thứ có sẵn xung quanh", có lẽ chỉ với cuộc sống sinh viên xa nhà, chúng tôi mới "được" thưởng thức những món ăn ngày Tết có một không hai như vậy.
Quây quần bên nồi lẩu bốc khói, có người ước giá có thêm... đĩa củ kiệu dưa hành, một chút thịt đông ăn kèm với xôi nóng thì hay biết mấy. Dù vậy nhưng tất cả đều nhất trí rằng, đây xứng đáng là "bữa tiệc thịnh soạn nhất trong năm".
Từ giàn loa vang lên bài hát quen thuộc mỗi dịp xuân về " Tết, tết, tết, tết, đến rồi, tết đến trong tim mọi người ...". Ừ nhỉ, nếu mỗi trái tim đều hướng về quê hương xứ sở, thì dù có ở phương trời xa xôi nào, ta vẫn có thể cảm nhận được trọn vẹn niềm vui của một năm mới, với tất cả an lành và yêu thương...
Theo Tienphong
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...