Để được làm việc tại một công ty công nghệ, anh Kira, công dân Iraq, sẽ phải thuyết trình trước hội đồng công ty này. Nếu được nhận, điều này sẽ rất có lợi cho anh Kira khi xin visa ở lại Đức.
Theo VTV, 3 năm trước, anh Kira đã từng đăng ký xin tị nạn nhưng bị từ chối. Hiện anh chỉ được cấp phép tạm thời ở lại Đức. Những kỹ năng công nghệ thông tin anh Kira sở hữu lại rất cần cho ngành này, vốn đang thiếu hụt khoảng 80.000 – 100.000 lao động.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 19/12 đã thông qua một dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU), để bổ sung cho lực lượng lao động đang già đi của mình.
Dự thảo cũng đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài, theo đó những người muốn làm các công việc như nấu ăn, luyện kim hoặc trong ngành công nghệ thông tin, sẽ được phép lưu lại nền kinh tế lớn nhất EU này trong 6 tháng để tìm việc và thử việc, với điều kiện họ có thể tự trang trải chi phí cho cuộc sống.
Một điều khoản gây tranh cãi là cho phép một chỗ ở cố định đối với những người đã bị từ chối đơn xin tị nạn, nếu họ tìm được một công việc toàn thời gian trong vòng 18 tháng, nói tiếng Đức ít nhất ở trình độ trung, hội nhập tốt với xã hội, không có tiền án tiền sự, và có thể chứng minh được nhân thân.
Để có hiệu lực, dự luật trên sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn vào năm tới, tuy nhiên, dự báo sẽ có một số sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, “nước Đức cần nhân lực từ các nước thứ ba để bảo đảm sự thịnh vượng của mình và có thể bổ sung vào những công việc chưa có người làm”.
Còn Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil nhấn mạnh “không thể trục xuất nhầm người”, đồng thời cho rằng nhiều người mới đến Đức gần đây “biết nói tiếng Đức, làm được việc, chăm chỉ và họ rất có ích cho nước Đức”.
Theo BT / baochinhphu.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000