Angela Merkel (trái) tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào tháng 11/2005, trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của nước Đức.
Bà tiếp quản nước Đức trong bối cảnh quốc gia này đang gặp nhiều vấn đề, với tỷ lệ thất nghiệp 11,6%. Nền kinh tế Đức thời điểm đó bị đánh giá trì trệ nhất trong 25 thành viên của Liên minh châu Âu và giới chuyên gia dự đoán tỷ lệ tăng trưởng cho năm sau đó không khả quan, chỉ dưới 1%.
Kinh tế Đức đã khởi sắc dưới sự cầm quyền của Merkel. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), GDP Đức năm 2006 tăng trưởng 2,3%, mức cao nhất sau 4 năm giảm liên tiếp. Giới quan sát nhận định nền kinh tế Đức khi đó đã khôi phục lại vai trò động lực tăng trưởng kinh tế chủ chốt cho châu Âu.
Năm 2007, Đức chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8 với tư cách nước chủ nhà. Thủ tướng Angela Merkel luôn thể hiện phong thái tự tin với các lãnh đạo nước ngoài.
Merkel nêu các vấn đề về thay đổi khí hậu, thuyết phục các nước cam kết cắt giảm 50% khí thải công nghiệp tới trước năm 2050. Các vấn đề khác cũng được đưa ra bàn bạc như tình hình Trung Đông và trợ cấp cho châu Phi.
Đầu năm 2015, Merkel đã góp phần hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine và sau đó là giải quyết khủng hoảng tài chính Hy Lạp đe dọa toàn khu vực đồng euro.
Trong ảnh, Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande ôm nhau tại buổi họp báo sau cuộc đàm phán về kế hoạch hòa bình cho Ukraine tại Minsk tháng 2/2015.
Merkel chụp ảnh selfie với người xin tị nạn ở Đức tại Berlin tháng 9/2015.
Vào 6 tháng cuối năm 2015, bà đóng vai trò tiên phong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư khi mở biên giới Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn, trong khi các quốc gia khác từ chối làm điều này.
Merkel được tạp chí Time bầu chọn là "Nhân vật của năm" 2015, trở thành người phụ nữ đầu tiên được vinh danh từ khi Time thay đổi danh hiệu "Người đàn ông của năm" vào năm 1999.
Thủ tướng Đức thăm đài tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công đâm xe tải trong khu chợ Giáng sinh Breitscheidplatz năm 2016, khiến 12 người chết và 48 người bị thương. Thủ phạm là Anis Amri, người Tunisia, xin tị nạn tại Đức nhưng bị từ chối. Y đã thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các chính trị gia và nhà bình luận cánh hữu đổ lỗi vụ tấn công một phần do chính sách tiếp nhận di dân của Merkel. Chính quyền Đức sau đó thực hiện một số cải cách để củng cố an ninh, trong đó có tăng cường giám sát người xin tị nạn sắp bị trục xuất, người bị coi là có nguy cơ khủng bố và hạn chế di chuyển của một số người xin tị nạn.
Tháng 3/2018, Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng. Merkel khi đó mang gánh nặng dẫn dắt châu Âu hậu Brexit để khôi phục một trật tự phương Tây tự do, đã bị sứt mẻ và ảnh hưởng từ các vấn đề như Anh rời châu Âu hay Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ với quan điểm "nước Mỹ trên hết".
Là Thủ tướng Đức qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, Merkel luôn giữ cam kết với liên minh xuyên Đại Tây Dương, ngay cả khi mối quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời Donald Trump.
Tháng 6/2018, Đức công bố bức ảnh bà Angela Merkel chống tay vào bàn nhìn thẳng vào mặt cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, đằng sau bà là các lãnh đạo khác thuộc khối G7.
Đối với nhiều nhà quan sát, bức ảnh là một cái nhìn hiếm hoi về hoạt động ngoại giao không có những nụ cười hay cái bắt tay, có vẻ là kết quả của chính sách ngoại giao "nước Mỹ trước tiên" của Trump và minh chứng cho những ngày căng thẳng của hội nghị G7 tại Canada.
Merkel nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng bức ảnh cho thấy "chúng tôi thực sự đang vật lộn với các vấn đề". "Tổng thống Trump có ý kiến của ông ấy, tôi có ý kiến của tôi, nhưng chúng tôi cũng thường tìm thấy điểm chung. Còn nếu không, chúng tôi phải tiếp tục đàm phán và thương lượng".
Năm 2019, sức khoẻ của Merkel trở thành mối quan tâm lớn khi truyền thông hồi tháng 6 ghi lại ba lần bà run lẩy bẩy. Một tháng sau đó, Merkel gây chú ý vì ngồi ghế trong lễ đón lãnh đạo Đan Mạch Mette Frederiksen, hành động bị cho là không đúng nghi thức ngoại giao.
Một quan chức cho biết nguyên nhân tình trạng này lặp lại chủ yếu là do tâm lý. Thủ tướng Đức khi đó cũng nhiều lần khẳng định "sức khỏe vẫn rất tốt".
Năm 2020, thành công của Đức trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 đã đưa hình ảnh Thủ tướng Merkel vụt sáng, giúp bà nâng cao tín nhiệm trên toàn cầu. Trong ảnh, Merkel phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia về Covid-19 hồi tháng 3/2020.
Merkel vừa trình bày những sự thật nghiệt ngã về đại dịch, vừa thể hiện tâm trạng đau buồn, đồng cảm. Bà đề cập tới xuất thân từ Đông Đức và những khó khăn đã gặp phải khi bị mất quyền tự do di chuyển trong quá khứ. Nhưng bà giải thích vì sao phong tỏa, hạn chế đi lại là điều cần thiết và người dân Đức đã đứng về phía bà.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 22/10 tổ chức một sự kiện không mở cửa cho truyền thông để tạm biệt Thủ tướng Angela Merkel sau hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels. Đây là hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong sự nghiệp của Merkel.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngợi ca Merkel là tượng đài, nói rằng "hội nghị thượng đỉnh EU không có Angela cũng giống như Rome không có Vatican hay Paris thiếu vắng tháp Eiffel".
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel gọi Merkel là "cỗ máy thỏa hiệp" và là người "thường tìm ra điều gì đó để đoàn kết chúng tôi". Tổng thống Litva Gitanas Nauseda gọi bà là "chính trị gia vĩ đại".
Ngày 26/10, Merkel được Tổng thống Frank-Walter Steinmeier (phải) trao quyết định chính thức miễn nhiệm chức vụ. Merkel làm Thủ tướng tạm quyền tới khi người kế nhiệm Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức.
Merkel chia sẻ không muốn can thiệp hay ứng phó các vấn đề đất nước khi về hưu, mà dành thời gian để ngủ và đọc sách.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters/DW)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000