Foto: Tháng 7/2005, bà Merkel trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Ðức.
Những câu chuyện cổ tích có thể được tìm thấy trong những bìa rừng của nước Đức. Bởi đó là nơi người vừa khép lại hành trình 16 năm trên cương vị Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel từng trải qua thời thơ ấu của mình và đem chúng ra ngoài thế giới hiện đại, bằng lòng nhân ái và chính sự nghiệp chính trị đầy kỳ diệu của mình. Đó cũng chính là lý do để Nhà báo & Công luận, lại một lần nữa nhắc về bà, trong số báo đặc biệt đầu năm mới này.
Angela Merkel có nhũ danh là Angela Dorothea Kasner. Bà lớn lên ở một vùng quê cách Berlin 80km về phía Bắc, thuộc lãnh thổ CHDC Đức trước kia. Khi lớn lên, bà thích đi tàu điện trên cao chạy bên cạnh Bức tường Berlin lịch sử được xây dựng vào năm 1961.
Sau này, bà nhớ lại rằng đó là kỷ niệm chính trị đầu tiên trong đời. Và cho đến khi Bức tường sụp đổ vào năm 1989, bà đã mang trong mình đầy đủ tố chất của người Đông Đức - sự kiên nhẫn, lạnh lùng, nghiêm khắc và khát vọng đến mức hung dữ. Đó là những điều đã thay đổi không chỉ cuộc đời bà, mà còn cả tiến trình lịch sử nước Đức, thậm chí cả châu Âu.
Khi còn ở tuổi vị thành niên, Merkel đã phải sống trong sự hạn chế tại Đông Đức. Bà có thể đến Bulgaria, Hungary hay bất cứ quốc gia nào trong khối Liên Xô cũ. Nhưng với thế giới bên ngoài, bà chỉ là một cô bé áp mặt vào vách kính của một cửa hàng ấm áp để nhìn những con gấu bông trong đó.angela merkel thu tuong cua long nhan ai va the gioi tu do hinh 1
Bà Merkel (người ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Malgorzata Jeziorska và người chồng tương lai Joachim Sauer mùa hè năm 1989.
Bà từng mơ được đến thăm California, nhưng bà hiểu rằng mình không được đến đó cho đến khi 60 tuổi - độ tuổi được phép đi du lịch đến các quốc gia phương Tây tại Đông Đức trước kia. Tuy nhiên, bà đã bắt đầu lên kế hoạch cho nó. Sự kiên nhẫn là đức tính nổi bật của người Đông Đức.
Merkel quyết tâm bước vào một cuộc chiến dài hơi. Bà bắt đầu bằng một con đường khôn ngoan: khoa học. Bà theo học vật lý tại Đại học Leipzig và kết hôn với một nhà khoa học khác, Ulrich Merkel. Cuộc hôn nhân này của bà kết thúc sau 5 năm, nhưng bà vẫn giữ tên của người chồng cũ, ngay cả sau khi đã kết hôn với người chồng hiện tại Joachim Sauer - một nhà hóa học lượng tử.
Rồi ngày “cô bé áp mặt vào cửa kính” đó cũng đã được bước vào cửa hàng mà cô khao khát. Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 09/11/1989. Nhưng lúc đó, “cô bé” đã… 35 tuổi!
Điều này có thể giải thích tại sao kể từ đó cho đến khi trở thành Thủ tướng Đức và chuẩn bị nghỉ hưu tới đây, bà Merkel luôn đấu tranh cho sự tự do, muốn đem nó đến với tất cả mọi người, không chỉ tại nước Đức, không chỉ ở châu Âu, mà cả trên thế giới. Như hồi những năm 2015 và 2016, chính phủ của bà đã mở rộng cánh cửa nước Đức để đón tới hơn một triệu người tị nạn từ Syria và các nước Trung Đông khác. Đó là một hành động táo bạo, không chỉ gây nguy hiểm cho nước Đức, mà có thể cho cả châu Âu.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn hồi năm 2015 bắt đầu vào một ngày của tháng 9. Một bức ảnh về thi thể của cậu bé 3 tuổi Alan Kurdi trôi dạt vào một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nó ngay lập tức khiến người tị nạn Syria trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Tất nhiên, bà Merkel cũng theo dõi cùng với tất cả những người khác trên hành tinh. Thủ tướng Áo đã gọi điện cho bà với giọng gấp gáp. Để rồi sau đó, một sự sắp xếp đã diễn ra để đưa dòng người tị nạn qua thủ đô Vienna, nơi họ lên tàu đến Đức. Khi những người tị nạn tiến vào nhà ga trung tâm Munich, hàng trăm người Đức đã chào đón họ.angela merkel thu tuong cua long nhan ai va the gioi tu do hinh 2
Trong nhiều tháng sau, người Đức vẫn gây xôn xao dư luận. Những người tị nạn tiếp tục đến - lên tới con số một triệu người và có thể còn hơn thế. Người viết tiểu sử của bà Merkel nói: “Kể từ cuộc khủng hoảng này, thế giới đã có cái nhìn khác về bà Merkel”.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ca ngợi lập trường của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng người tị nạn là “can đảm”. Cố vấn an ninh Susan Rice của Obama thì cho biết: “Bà ấy đã thể hiện khả năng lãnh đạo và đạo đức táo bạo, khi chào đón những người di cư bất chấp những cái giá đắt về kinh tế và chính trị". Tổng thống Obama đánh giá bà là “một người bạn tốt và một trong những đối tác quốc tế đáng tin cậy nhất”.
Bà Merkel tất nhiên còn nắm giữ niềm tin của người dân Đức. Đảng của bà từng đạt gần 50% số ghế trong hạ viện vào năm 2013, khi bà trúng cử nhiệm kỳ thứ ba. “Thời gian đầu, bà bị coi là yếu đuối và thậm chí bị chỉ trích chậm chạp. Song đó là cách bà ấy làm việc”, Tạp chí Berlin Policy Journal từng nhận xét.
Khi nghỉ hưu tới đây, bà Merkel có thể sẽ tiếp tục sống trong căn hộ tại trung tâm Berlin với người chồng của mình. Suốt 16 năm giữ vị trí như người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel vẫn tự đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ cho gia đình. Wissmann - cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đức, từng cho biết: “Nếu may mắn, bạn sẽ gặp bà ấy vào một buổi chiều thứ Sáu tại siêu thị, mua một chai rượu vang trắng và một con cá cho bữa tối”.
Điều nghịch lý là khi mở cửa cho người Syria, bà Merkel lại gây ra sự chia rẽ lớn tại châu Âu lúc đó. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ Liên minh châu Âu (EU) cho phép người dân các nước được phép tự do đi lại. Để rồi, biên giới từng gần như không tồn tại giữa Áo và Đức đã xuất hiện trở lại. Thụy Điển thậm chí đóng cửa nhiều đường biên giới. Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp sau các cuộc tấn công ở Paris, vì lo ngại sự xâm nhập của những kẻ khủng bố trong dòng người nhập cư.
“Trái tim và linh hồn của châu Âu là sự khoan dung”, bà Merkel từng nói một năm trước cuộc khủng hoảng tị nạn. “Chúng ta đã mất hàng thế kỷ để hiểu được điều này. Người châu Âu chúng ta từng đàn áp và tiêu diệt lẫn nhau. Chúng ta đã khiến đất nước của mình trở nên uổng phí. Thời kỳ tồi tệ nhất của sự hận thù, tàn phá và hủy diệt đó thực ra chỉ mới xảy ra cách đây chưa đến một thế hệ”.
Di sản của Merkel - khả năng lãnh đạo táo bạo, mạnh mẽ song lại vô cùng đồng cảm đã thách thức cuộc sống giàu sang và thoải mái của châu Âu. Và di sản đó được bắt đầu từ những trải nghiệm thời thơ ấu của bà, khi còn là một cô gái bị mắc kẹt phía sau các “bức tường”.
“Nỗi sợ hãi chưa bao giờ là một cố vấn tốt, kể cả trong cuộc sống cá nhân cũng như trong xã hội của chúng ta”, bà Merkel từng trả lời một phụ nữ trung niên đứng lên hỏi Thủ tướng định làm gì để ngăn chặn “Hồi giáo hóa”, khi đang có rất nhiều người Hồi giáo có mặt trên nước Đức.
Khi các nền văn hóa và xã hội được định hình bởi nỗi sợ hãi chắc chắn sẽ không nắm bắt được tương lai, Thủ tướng Đức từng chia sẻ. Đó là lý do Mutti - người dân gọi bà là mẹ của nước Đức rũ bỏ trở ngại đó để thay đổi định kiến về tôn giáo và dân tộc.
Hoàng Huy, CONGLUAN
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000