Đạo luật mới vừa thông qua nghiêm cấm các cơ quan công quyền, bao gồm cảnh sát và các trường học công lập, không phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố như bối cảnh xuất thân, màu da, giới tính, tôn giáo, những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, tuổi tác và nhận dạng giới tính…
Bên cạnh đó, đạo luật cũng quy định không phân biệt đối xử với những người thiếu kỹ năng về ngôn ngữ tiếng Đức, mắc bệnh mãn tính cũng như không kỳ thị vấn đề thu nhập, trình độ học vấn hay nghề nghiệp của mỗi người.
Cũng theo văn kiện này, những nạn nhân của các hành vi phân biệt đối xử sẽ được nhận các khoản đền bù và bồi thường thiệt hại.
(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)
Theo Cơ quan Chống phân biệt đối xử Liên bang Đức, đạo luật mới của Berlin thể hiện vai trò và quyền hạn sâu sắc hơn so với Bộ luật về đối xử bình đẳng chung (AGG) hiện hành được chính phủ liên bang phê chuẩn hồi năm 2006.
Tháng Ba vừa qua, Hội đồng châu Âu kêu gọi Đức tăng cường các nỗ lực chống phân biệt đối xử, trong đó bao gồm kêu gọi cảnh sát Đức tham gia vào một nghiên cứu liên quan đến các dữ liệu, hồ sơ về phân biệt chủng tộc.
Mặc dù đã có hiệu lực trong nhiều tuần, song đạo luật mới về chống phân biệt đối xử vừa được chính quyền Berlin thông qua đã mang tới một khía cạnh mới, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với sự bùng phát các cuộc biểu tình bạo lực chống cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc liên quan đến cái chết của công dân da màu George Floyd kéo dài trong nhiều ngày qua. Phong trào biểu tình này cũng đang lan rộng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có thủ đô Berlin.
Ngày 5/6, Cơ quan Các quyền cơ bản (FRA) của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước EU phải nỗ lực xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực nhằm vào người da màu.
Trong một tuyên bố, FRA cho biết nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực mang tính sắc tộc đang trở nên phổ biến ở châu Âu.
Giám đốc FRA, Michael O’Flaherty nhấn mạnh: “Không một ai sẽ trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì màu da của họ. Không ai phải sợ khi bị cảnh sát chặn lại chỉ vì họ là người da màu.” Ông cũng kêu gọi các nước EU hợp tác với nhau để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.
Theo cuộc khảo sát được FRA thực hiện năm 2018 đối với gần 6.000 người Âu gốc Phi, 30% số người được hỏi cho biết họ bị quấy rối mang tính sắc tộc và gần 25% cho biết đã bị cảnh sát chặn lại trong năm năm trước./.
Anh Đức-Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000