Bài báo viết rằng, kể từ khi Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/1, đến nay các số liệu chính thức cho thấy số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam chỉ có 270 trường hợp. Trong 12 ngày qua, chỉ có thêm 2 ca mới, trong khi 221 trường hợp đã khỏi bệnh và được xuất viện, đồng thời chưa ghi nhận có bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Việc Chính phủ Việt Nam tuần trước nới lỏng đáng kể các biện pháp giãn cách xã hội áp đặt từ ngày 1/4 cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tốt được tình hình.
Tờ báo cũng cho biết, ở Việt Nam việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi ra ngoài, trong khi các trường học vẫn đóng cửa. Việt Nam cũng đã cho phép tổ chức các sự kiện tập trung không quá 20 người, nối lại các chuyến bay nội địa và mở cửa các trung tâm mua sắm.
Bài báo dẫn lời Tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena ở Singapore, nói ông "vô cùng ngưỡng mộ về Việt Nam", đồng thời đánh giá Việt Nam là mô hình cho cuộc chiến chống dịch bệnh.
Foto: Hành khách được đo thân nhiệt trước khi vào ga Hà Nội (ảnh chụp tối 23/4/2020). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Báo Spiegel cũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 khẳng định "chống dịch như chống giặc", cho thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận thức cao và sớm đưa ra cảnh báo chống dịch. Ngay khi đó, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa các trường học cũng như khu vực biên giới với Trung Quốc. Việt Nam cũng cấm nhập cảnh khách du lịch, trong khi người Việt về nước được cách ly trong các doanh trại hoặc ký túc xá sinh viên. Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc thực hiện phong tỏa toàn bộ một cộng đồng dân cư khi nơi đây có người lao động trở về từ Vũ Hán cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cũng theo bài báo, Việt Nam đã thực hiện chính sách thông tin chặt chẽ, trong đó Bộ Y tế hằng ngày gửi thông tin về dịch bệnh qua tin nhắn SMS cho tất cả thuê bao di động. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sử dụng hệ thống loa công cộng để kêu gọi người dân phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe. Các trường hợp phát tán tin giả về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội đều bị xử phạt.
Liên quan hành động quyên góp mua khẩu trang gửi tặng nước Đức, bài báo ca ngợi nhóm cựu sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đức đã kêu gọi, quyên góp được 300 triệu đồng để mua khoảng 4.000 mặt nạ hô hấp FFP-3 và khẩu trang N-95 tặng các y, bác sỹ Đức để chống dịch. Hiện những người làm chương trình đang xin giấy phép xuất khẩu cũng như liên hệ với phía Đức để vận chuyển số vật tư y tế này. Bài báo đánh giá việc "hỗ trợ phát triển từ Hà Nội" này là nghĩa cử đặc biệt trong hỗ trợ nhân đạo và là một hành động nhỏ thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Mạnh Hùng (TTXVN)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000