Báo Đức đề cao mô hình chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Hãng tin DPA của Đức đã có bài viết đề cao mô hình phòng dịch COVID-19 của Việt Nam, trong đó chỉ ra rằng số ca nhiễm ở nước ta chỉ vài trăm, không có ca tử vong, thêm rằng phản ứng của nước ta trước đại dịch đã nhận được sự ca ngợi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

1 1 Bao Duc De Cao Mo Hinh Chong Dich Covid 19 Cua Viet Nam

Một trạm canh gác lối vào xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, Việt Nam, trong thời gian bị cách ly. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 Nhac NGUYEN / AFP

Dù có chung biên giới với Trung Quốc, Việt Nam cho đến nay đã tránh được những tàn phá khủng khiếp do COVID-19 gây ra như ở châu Âu và Mỹ, nhờ kết hợp các yếu tố gồm hành động quyết liệt sớm, xét nghiệm diện rộng, cách ly quyết liệt và đoàn kết xã hội.

DPA dẫn thống kê chính thức nói rằng hiện ở Việt Nam có hơn 75.000 người được cách ly, hơn 121.000 người được xét nghiệm, và chỉ có hơn 260 ca nhiễm, không có ca tử vong. Tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn rất nhiều so với một số nước như Hàn Quốc, Singapore và thậm chí là Đài Loan (Trung Quốc) – những quốc gia và vùng lãnh thổ có công tác phòng dịch rất hiệu quả hiện nay.

Ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, tin rằng việc Việt Nam phản ứng sớm trước đại dịch đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

“Việt Nam đã phản ứng trước dịch bệnh rất sớm và tích cực. Đánh giá rủi ro đầu tiên mà họ thực hiện là từ đầu tháng 1 – ngay sau khi các ca nhiễm được báo cáo ở Trung Quốc” – ông Park nói.

Ông Park cho hay, Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng và chống dịch COVID-19, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lập tức thực thi kế hoạch phản ứng.

Theo DPA, mặc dù chỉ ghi nhận số ca nhiễm rất thấp nhưng Việt Nam vẫn áp dụng các biện pháp cách ly trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 1/4, một phản ứng quyết liệt hơn nhiều so với Anh và Italy – những nước áp dụng các biện pháp tương tự chỉ khi số ca nhiễm đã lên tới hàng nghìn.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực thi lệnh phong tỏa để đối phó với đại dịch, và Việt Nam cũng làm vậy để tránh một cuộc khủng hoảng quốc gia.

Bài báo viết, sự thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch phần lớn là nhờ vào sự đoàn kết trong xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây mô tả nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch COVID-19 như “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” – nhắc tới cuộc tổng tấn công năm 1968.

Các trường học ở Việt Nam đã đóng cửa từ tháng 1, và việc cách ly tập trung bắt đầu từ ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người từ các nước có dịch đi vào Việt Nam được đưa vào các khu cách ly. Ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế đồng loạt tạm ngừng.

Cho tới nay, các biện pháp phòng dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Phần lớn các chuyến bay nội địa, tàu hỏa và xe buýt tạm ngừng hoạt động.

Theo DPA, Việt Nam trước đây là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc xác nhận ca nhiễm SARS (2013), nhưng cũng là nước đầu tiên được WHO công nhận là đã kiểm soát được dịch bệnh này. Quy trình truy vết tiếp xúc nhiều lớp của Việt Nam cũng chứng minh được tính hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan của virus.

“Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện những trường hợp được xác nhận là nhiễm virus, hoặc những trường hợp có triệu chứng và bị nghi là nhiễm virus” – ông Park nói.

Những ai từng tiếp xúc trực tiếp với người được xác nhận mắc bệnh sẽ phải cách ly bắt buộc, ông Park nói thêm, biện pháp này còn áp dụng với cả những người từng tiếp xúc với người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19.

Lớp cuối cùng là, những khu dân cư, khu phố hoặc tòa nhà nơi có trường hợp xác nhận mắc COVID-19 sẽ bị cách ly, theo ông Park.

Nguồn: viettimes.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000