Thế nhưng giờ đây, bất kỳ ai đang tìm kiếm một căn hộ giá cả phải chăng lập tức sẽ thấy phần “nghèo” trong khẩu hiệu trên đang thay đổi vô cùng nhanh chóng.
Dòng người mới từ các nơi đổ về, như sinh viên muốn tìm nơi học hành với mức chi phí rẻ, hay thanh niên trí thức bị hấp dẫn bởi thị trường công ăn việc làm rất tốt, đã góp phần khiến Berlin trở thành một trong những thị trường bất động sản phát triển nhanh nhất trên thế giới, và khiến giá thuê nhà ở đây tăng lên nhanh chóng.
Theo một nghiên cứu gần đây do cổng thông tin bất động sản Immowelt thực hiện, tiền thuê nhà hàng tháng tại Berlin đã tăng hơn gấp đôi trong vòng chỉ 10 năm qua: từ 5,6 euro (6,4 đô la Mỹ) một mét vuông vào năm 2008 lên 11,4 euro trong năm 2018.
Tiền thuê nhà tại Berlin nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thành phố lớn khác của Đức như Munich hay Frankfurt, nhưng mức này đã là tăng 103%, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên toàn quốc.
Giá tiền thuê dao động tuỳ theo vị trí thuê, nhưng số liệu của 2007 cho thấy căn hộ một phòng ngủ ở một số khu vực được ưa chuộng trong thành phố có mức trung bình từ 1.000 euro trở lên mỗi tháng.
Tất nhiên, mối lo lắng về việc giá cả sinh hoạt phí tăng không phải là chuyện chỉ xảy ra ở Berlin; các thành phố lớn trên thế giới đều đang gặp khó khăn trong cùng vấn đề.
Nhưng một nhóm các chính trị gia địa phương tại Berlin đã đưa ra một ý tưởng cực đoan để giải quyết vấn đề này: họ muốn áp dụng mức tiền thuê tối đa đối với các hợp đồng thuê, theo đó giữ nguyên giá thuê trong vòng 5 năm tới.
“Cho tới sáu hay bảy năm trước thì Berlin vẫn có mức giá thuê nhà thấp hơn nhiều,” Julian Zado, phó chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Berlin và là một trong những người đề xuất ý tưởng này, nói với BBC Capital.
“Nhiều người trẻ, như tôi đây, tới Berlin vì giá các căn hộ ở đây chỉ bằng phân nửa so với những nơi như Frankfurt hay Munich chẳng hạn. Điều đặc biệt ở Berlin là điều đó đã thay đổi vô cùng nhanh chóng.”
Cơn sốt bùng nổ xây dựng đang diễn ra tại thủ đô của Đức, nơi mà các hãng phát triển địa ốc muốn kiếm lời từ việc dân số thành phố và sự ưa thích đối với Berlin đang tăng lên nhanh chóng
Đức có chính sách nhà đất ở quy mô liên bang. Tuy nhiên, sau khi một luật sư địa phương lập luận rằng các tiểu bang về mặt pháp lý cần phải được quyền triển khai các quy định nhà ở riêng của mình, thì các chính trị gia trong đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối trung tả ở Berlin đã chớp lấy cơ hội để đề xuất kế hoạch Mietendeckel, tức là áp giá trần trong lĩnh vực thuê nhà.
Trò chơi đuổi bắt
Ý tưởng đằng sau đề xuất này là trong lúc nhà ở đang được xây dựng thêm để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của thành phố, nhưng sẽ vẫn phải mất hàng năm các căn hộ, căn nhà đó mới đưa vào sử dụng được.
Với việc đóng băng giá tiền thuê nhà hiện nay trong thời gian năm năm, Zado nói, thành phố có thể giúp ngăn chặn tình trạng tăng giá khủng khiếp cho tới khi hàng loạt các căn hộ mới được tung ra, ổn định thị trường.
Ông và các đồng nghiệp muốn rằng biện pháp này khi kết hợp với một số biện pháp khác sẽ giúp kéo giá thuê trung bình xuống mức khoảng 6-7 euro một mét vuông thay vì ở mức 11,40 euro như hiện nay.
“Mỗi năm có hàng chục ngàn người chuyển tới Berlin, bởi đây là một thành phố rất hấp dẫn, và kết quả là chúng ta thấy vấn đề nhà ở sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn,” Zado nói tiếp. “Số người đổ vào thành phố tăng nhanh hơn so với số căn hộ mới được xây cất thêm.”
Trong vòng một thập niên vừa qua, dân số Berlin đã tăng thêm hàng trăm ngàn người: hiện thành phố có hơn 3,7 triệu dân, theo thống kê của chính quyền, so với chỉ chưa tới 3,4 triệu người vào cuối năm 2018.
Chính quyền Berlin ước tính rằng mức tăng này sẽ chỉ có đi lên nhanh chóng, và dự đoán thành phố sẽ vượt ngưỡng 4 triệu dân vào năm 2025.
Kết hợp yếu tố trên với thực tế là phần lớn người dân Berlin – khoảng 85% – ở nhà thuê hoặc căn hộ thuê thay vì có nhà riêng, thì đây quả là một cơn bão hoàn hảo tấn công vào phân khúc thị trường nhà trung bình, có giá phải chăng.
Một số các căn hộ như thế là thuộc quỹ nhà ở xã hội do nhà nước sở hữu; phần còn lại thuộc sở hữu của các công ty cho thuê tư nhân lớn và các chủ cho thuê nhỏ lẻ.
Khách thuê nhà phản đối việc bán các căn hộ tại con phố nổi tiếng nhất của Đông Đức Cộng sản cho công ty nhà đất lớn nhất Berlin
Nếu như hỏi bất kỳ ai mới chuyển tới Berlin, có lẽ ta sẽ đều được nghe kể về câu chuyện săn tìm căn hộ đầy màu sắc của riêng họ.
Gabriella Linardi, 26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, từ Mỹ chuyển tới Berlin từ hai năm trước và ký hợp đồng thuê chung căn hộ với người khác. Cô trả tiền thuê theo mức giá hiện nay vào khoảng 300 euro một tháng.
Hôn phu của cô, Max, 29 tuổi, người Đức, cũng làm việc trong lĩnh vực công nghệ, đã sống tại thành phố này từ lâu và hiện cũng đang trả tiền thuê nhà với mức tương tự.
Hai người muốn dọn về chung sống với nhau, nhưng ngay cả khi đã sẵn sàng trả gấp đôi số tiền thuê hiện thời để tìm một căn hộ mới thì họ vẫn chưa tìm được căn nào.
Thất vọng về giá cả và về các lựa chọn khả dĩ khi bắt đầu công cuộc tìm kiếm, Linardi nói: “Thứ mà chúng tôi tìm kiếm, thậm chí đã trả gấp đôi so với ngân quỹ của mình, về cơ bản không phải là một sự nâng cấp gì so với nơi chúng tôi hiện đang sống, thậm chí là chúng tôi còn phải tìm vị trí ra xa trung tâm hơn.”
Đức đã có hành động trên toàn liên bang trong những năm gần đây nhằm xử lý vấn đề này: hồi 2015, quốc hội thông qua luật theo đó hạn chế mức trần tăng tiền thuê nhà mà chủ nhà có thể đưa ra. Theo luật, giá thuê trên hợp đồng mới không được cao hơn 10% so với giá thuê trung bình ở khu vực dân cư đó.
Tuy nhiên, các chính trị gia và các chuyên gia về chính sách nhà ở nói rằng luật đã không chặt chẽ đủ mức để bảo vệ người thuê nhà.
Reiner Wild, chủ tịch Hiệp hội Khách thuê nhà Berlin, nói với BBC Capital rằng vẫn còn có quá nhiều ngoại lệ – và rằng chủ nhà đôi khi phớt lờ quy định. Hơn nữa, người thuê thường không muốn theo đuổi hành động pháp lý đối với chủ nhà, khi mà việc tìm được một căn hộ phù hợp là một điều khó khăn.
“Luật giúp ích cho nhiều người đi thuê nhà, nhưng vẫn không có hiệu quả lâu bền,” Wild nói.
Vấn đề cần giải quyết là gì?
Đưa ra mức giá trần, kể cả chỉ là mức giá tạm thời, thì giúp ích cho những người đang phải vật vã đáp ứng sinh hoạt phí ở Berlin, nhưng cũng gây ra những điểm bất lợi to lớn.
Chính sách đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở tại thành phố: một số chuyên gia nói rằng nó có thể sẽ dẫn đến tình trạng các nhà phát triển địa ốc sẽ nhắm đến thị trường người mua chứ không phải người thuê khi xây cất các căn hộ mới.
“Hiện đang có tình trạng thiếu nhà ở tại Berlin,” Michael Voigtländer từ Viện Kinh tế Đức ở Cologne nói. “Tình trạng thiếu nhà này sẽ không thể được giải quyết nếu như giá thuê nhà bị đặt giới hạn tối đa.”
Alex Gedaschko, người đứng đầu hiệp hội Ngành Công nghiệp Nhà của Đức, nói với tờ báo Đức Die Zeit rằng chính sách này thậm chí có thể còn khiến cho các nhà phát triển địa ốc ngưng xây nhà mới trong những năm tới.
“Việc chặn giá thuê sẽ khiến các công ty thành viên trong hiệp hội chúng tôi giảm bớt việc xây dựng khoảng 50 ngàn căn hộ mới trong thời gian năm năm tới,” ông nói.
Thêm nữa, nếu chủ nhà biết rằng họ không thể tăng lợi nhuận trong vòng 5 năm tới, họ có thể sẽ tạm dừng việc nâng cấp, sửa chữa nhà cho thuê.
“Nếu chủ nhà không thấy có lợi ích gì trong việc tái đầu tư vào bất động sản do giá tiền thuê nhà bị đóng băng, thì quý vị sẽ chứng kiến việc chất lượng nhà ở đi xuống do nhà không được bảo dưỡng đúng mức,” Corianne Scally, chuyên gia nhà đất thuộc phân khúc bình dân tại Viện Đô thị, Hoa Kỳ, nói.
Hiện vẫn là giai đoạn đầu của đề xuất áp mức trần đối với tiền thuê nhà. Các chính trị gia địa phương đầu tiên đang cân nhắc xem liệu có thể trao quyền pháp lý cho Berlin để thành phố triển khai chính sách nhà ở riêng của thành phố hay không.
Nếu như các chuyên gia pháp lý chấp nhận, thì đề xuất này sẽ được các chính trị gia địa phương, các chuyên gia chính sách nhà ở, và những người khác thảo luận, nhằm đưa ra dự thảo luật và xác định xem luật đó sẽ được triển khai cụ thể như thế nào.
Vào lúc này, một số người dân Berlin đang tìm cách làm giảm giá tiền thuê nhà bằng một chiến lược khác:
họ ra thỉnh nguyện thư chính thức, kêu gọi thành phố chia tách các công ty cho thuê nhà sở hữu trên 3.000 căn hộ. (Công ty Deutsche Wohnen hiện đang ở hữu khoảng 115 ngàn căn hộ trên toàn thành phố.)
Thỉnh nguyện thư vẫn đang thu thập chữ ký cho tới đầu tháng Tư, với hy vọng sẽ buộc chính phủ phải xem xét tới vấn đề này.
Nếu như chính sách giới hạn mức trần tiền thuê nhà được triển khai, các chính trị gia địa phương nói nó sẽ là một dạng cách mạng – và một ví dụ hữu ích cho các thành phố đang phải đối diện với vấn đề chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Hamburg cũng đang bắt đầu cân nhắc tới việc áp dụng một số hình thức giới hạn mức trần tiền thuê nhà.
“Ý tưởng này trước đây chưa từng tồn tại ở Đức,” Katrin Schmidberger, đại diện của đảng Xanh trong cơ quan lập pháp của Berlin, đồng thời là phát ngôn viên của đảng trong vấn đề chính sách nhà ở, nói.
“Với câu hỏi liệu điều này có khả thi hay không, thì chúng ta đang bước vào một vùng lãnh thổ mới, cả về tính pháp lý lẫn tính chính trị.”
Nguồn: BBC tiếng Việt
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000