Những năm gần đây, thuận theo xu thế phát triển, có nhiều người càng coi trọng sự nghiệp học hành. Càng ngày càng nhiều người muốn di cư du học, hy vọng con cái mình có thể tiếp cận được nền giáo dục tiến bộ. Trong số đó, đa phần sẽ tuyển chọn các nước như Anh, Mỹ, bởi vì mọi người hầu như đều không rõ lắm tình hình giáo dục của các quốc gia này, mà chỉ mù quáng chạy theo trào lưu thời thượng.
Tuy nhiên có một đất nước, nền giáo dục của họ so với Anh, Mỹ… có điểm còn vượt trội hơn hẳn, nhưng họ chưa bao giờ tham gia cái gọi là “bảng xếp hạng các trường đại học nổi tiếng thế giới”. Đức chính là một quốc gia như thế: nền giáo dục của họ tuy “không tranh xếp đầu bảng nhưng lại xứng xếp đầu bảng”.
1. Giáo dục mầm non
“Không tranh xếp đầu bảng nhưng lại xứng xếp đầu bảng!”
Điều này thể hiện ngay tại cấp mầm non của nước Đức. Người dân ở đây có lý giải rất độc đáo đối với cấp học “giáo dục mầm non”, độc đáo không chỉ ở nội dung giảng dạy, mà thể hiện ở phương pháp giảng dạy.
Ở quốc gia này, trẻ em đi học mầm non mỗi ngày tối đa chỉ học nửa ngày vào buổi sáng, trong thời gian ở trường thì nhiệm vụ chủ yếu của trẻ chính là vui chơi. Nhưng “vui chơi” ở đây không có nghĩa là các bé có thể tự do đùa nghịch, hay ồn ào gây gổ, mà quá trình vui chơi được thiết lập theo kế hoạch của giáo viên đưa ra. Mỗi trường mầm non ở Đức có chương trình giáo dục khác nhau, do các giáo viên ở trường đó tự quyết định.
Họ rất coi trọng bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ nhỏ, dạy cho trẻ học cách tôn trọng người khác, biết tuân thủ các quy tắc, biết lễ phép với người lớn, v.v.
Ngoài ra, các trường mầm non còn tổ chức các khóa học thực tiễn về xã hội cho các bé. Giáo viên các trường mầm non sẽ đưa các bé đến các điểm như siêu thị, trạm tàu điện ngầm, đồn cảnh sát…, vừa quan sát vừa hướng dẫn các bé thực hiện các hoạt động thường ngày nhưng trọng yếu như: đi mua hàng hóa thì như thế nào, làm thế nào để đi tàu điện, gặp trường hợp nào thì báo cảnh sát… nhằm nâng cao khả năng nhận thức toàn diện cho trẻ.
Cho nên trẻ nhỏ ở Đức từ lúc nhỏ đã biết khi gặp nguy hiểm thì báo cảnh sát, biết đi siêu thị mua hàng… đồng thời tự mình thực hiện hoàn thành một số việc. Việc giáo dục mầm non là một khâu rất quan trọng đối với sự phát triển trưởng thành của người Đức.
Trẻ em nhỏ tuổi cái đầu tiên cần giáo dục chính là kỹ năng sống chứ không phải là kiến thức toán học, đây chính là thế mạnh của nền giáo dục tại Đức. (Ảnh: Spielwelt German Parents Association)
2. Giáo dục cơ bản
Sau khi kết thúc chương trình mẫu giáo, trẻ em ở Đức sẽ học tiếp theo chương trình 13 năm giáo dục bắt buộc.
Vấn đề giáo dục tiểu học ở Đức rất công bằng: không hề có sự phân chia trường trọng điểm hay trường không trọng điểm, mà là hoàn toàn chia theo khu vực cộng đồng, hơn nữa cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy của mỗi trường tiểu học đều đạt tiêu chuẩn rất cao.
Chương trình giảng dạy cho một trường tiểu học ở Đức là: Bắt đầu vào lớp học lúc 8h sáng và kết thúc vào lúc 1h trưa, tổng cộng mỗi ngày có khoảng 5-6 tiết học. Phương pháp dạy cũng rất đặc biệt: mỗi lớp có khoảng 25 học sinh, được sắp xếp ngồi theo hình chữ U vây quanh giáo viên, điều này rất có lợi cho việc trao đổi và tương tác giữa học sinh và giáo viên, tạo không khí gần gũi, lớp học cũng sẽ thú vị hơn.
Khi nói về sự đặc sắc trong nền giáo dục tiểu học và trung học của Đức, không thể không nhắc đến “khóa học tổng hợp”
Đây là một khóa học toàn diện về chính trị, lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo và các kiến thức chung về các phương diện. Mỗi lần lên lớp, giáo viên sẽ đưa ra một chủ đề cho học sinh, để cho học sinh tự mình độc lập nghiên cứu tìm hiểu hay phân nhóm ra cùng nhau thảo luận, sau đó sẽ viết một báo cáo tổng kết những gì bản thân hoặc trong nhóm tìm hiểu được chia sẻ với mọi người trong lớp. Phương pháp giảng dạy này có thể phát huy khả năng tự học và khả năng khám phá ở trẻ, đồng thời hình thức học này cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến một thói quen tốt của người Đức: thói quen hay đọc sách.
Hơn nữa, trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học của Đức cũng có những quy định rõ ràng về độ dài của bài tập về nhà cho học sinh, ví như: bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 là 15 phút, lớp 2 là 30 phút, lớp 3-4 không quá 45 phút, đặc biệt giáo viên sẽ không cho bài tập về nhà vào cuối tuần.
Đồng thời các trường tiểu học và trung học ở Đức có xu hướng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải là mù quáng ganh đua, theo đuổi thành tích học tập và giảng dạy như một số quốc gia khác. Đây thực sự là một quốc gia có nền giáo dục đáng để các bậc phụ huynh và học sinh mơ ước và theo đuổi.
Không cần bài tập quá nhiều, thay vào đó là sự trải nghiệm văn hóa và cuộc sống. (Ảnh: seafoodnet.info)
3. Giáo dục đại học
Cấp học tiểu học ở Đức chỉ đến lớp 4, bắt đầu từ lớp 5 trở đi sẽ được phân trường ra để học: trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học nghệ thuật. Trong đó học sinh học ở trung học nghệ thuật chỉ chiếm 20%.
Học sinh theo học các trường trung học phổ thông thường là theo chương trình giáo dục để vào đại học, còn học sinh theo học các trường trung học cơ sở là theo chương trình giáo dục dạy nghề. Sự phân chia tuyến như vậy không những tránh được áp lực “ngàn quân vạn mã qua cầu độc mộc” khi phải đối mặt với các kỳ thi vào đại học, mà còn có thể tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao, tay nghề cao khi áp dụng chương trình vừa học vừa thực hành thực tế tại các nhà máy, công ty… Đây cũng là nguyên nhân chính yếu để nước Đức có một lượng lớn những nhân lực tài năng, trẻ tuổi, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp và khoa học kỹ thuật, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới.
Trong quan niệm của người Đức, trường đại học không có sự phân chia cao thấp, quan trọng là tính chuyên nghiệp
Khi một công ty tuyển dụng người, họ sẽ không vì người xin việc tốt nghiệp đại học danh tiếng mà có ấn tượng, thay vào đó họ sẽ quan tâm người xin việc có chuyên nghiệp hay không, năng lực có đáp ứng được nhu cầu công việc của họ hay không.
Trường đại học không có sự phân chia cao thấp, quan trọng là tính chuyên nghiệp. (Ảnh: Webster University)
Ngay cả bản thân các trường đại học ở Đức cũng thờ ơ, không quan tâm đến cái gọi là “bảng xếp hạng” đánh giá cao thấp các trường đại học. Đúng vậy, các trường đại học ở Đức sẽ không được đánh giá cao cũng như xếp hạng cao như các trường đại học ở Hoa Kỳ, nhưng mô hình giáo dục độc đáo của Đức không thể không công nhận là một loại đóng góp giá trị cho sự phát triển của xã hội.
Nền giáo dục “không tranh đứng đầu, lại xứng đứng đầu” của Đức thật xứng đáng để tuyên dương rộng rãi cho mọi người cùng biết, để khi mọi người có ý định du học sẽ có một lựa chọn đúng đắn.
Theo Cmoney.tw Minh Phúc biên dịch
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000