Theo BBC, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 22.11 đã cảnh báo hậu quả của việc không tiêm vắc xin trong một cuộc họp báo ở Berlin.
Bộ trưởng Y tế Đức cho biết ông phản đối việc bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19, nhưng nói thêm rằng tiêm vắc xin là “nghĩa vụ đạo đức” vì việc không tiêm ảnh hưởng đến những người khác.
Ông Spahn cũng nói biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới nhất và “những người không chủng ngừa sẽ bị nhiễm bệnh và không được vắc xin bảo vệ trong vài tháng tới”.
Trong cuộc họp báo ngày 22.11, ông Spahn cũng ca ngợi vắc xin Moderna do Mỹ sản xuất. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu vắc xin Pfizer/BioNTech do Đức sản xuất đang tăng cao và dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ. Ông Spahn cho biết khoảng 16 triệu liều vắc xin Moderna có thể hết hạn trong vài tháng tới nếu không được sử dụng.
Bộ trưởng Y tế Đức đưa ra các tuyên bố trên trong khi nước này đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ tư. Số ca mắc Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng và nhiều bệnh viện đã kín chỗ.
Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Tây Âu, với 68% dân số chủng ngừa đủ 2 mũi.
Tỷ lệ lây nhiễm của Đức đang ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và các chuyên gia y tế cảnh báo đây có thể là làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất tại Đức.
Ngày 23.11, Đức ghi nhận hơn 45.000 ca bệnh mới, một trong những con số cao nhất trên thế giới. Berlin đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn. Theo đó, những người chưa tiêm vắc xin sẽ không thể đến một số địa điểm nhất định.
Nước này cũng đang hy vọng Liên minh châu Âu sẽ phê duyệt vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào cuối tuần.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 99.000 người ở Đức đã tử vong do Covid-19 và nước này cũng ghi nhận hơn 5,4 triệu ca bệnh.
Nguồn: thanhnien.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000