Ông Habeck cảnh báo việc này đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu khí đốt ở Đức bởi “không thiết lập được một khối ứng phó khủng hoảng khí đốt vững bền tại Liên minh châu Âu (EU)”.
Thỏa thuận chia sẻ khí đốt giữa các thành viên EU nằm trong một cơ chế sẽ được kích hoạt khi tình trạng khẩn cấp khí đốt diễn ra. Thỏa thuận đảm bảo một quốc gia sẽ chuyển khí đốt cho quốc gia còn lại trong trường hợp bên nhận không còn hoặc không đủ nguồn cung cho hộ gia đình, dịch vụ xã hội cần được bảo vệ đặc biệt theo luật EU.
Theo ông Habeck, lý do chính khiến Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan ngần ngại chia sẻ với Đức là họ không muốn phải bồi thường cho bên cung ứng trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức.
Đức đang đàm phán với Italy và Cộng hòa Czech. Quá trình đàm phán với Italy bị tạm hoãn cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 9. Thỏa thuận với Italy sẽ có bên thứ ba là Thụy Sĩ bởi khí đốt từ Italy cần đi qua lãnh thổ Thụy Sĩ để sang Đức.
Ông Habeck còn nhắc đến cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Phía Pháp cam kết sớm hoàn tất đường ống để cung cấp khí đốt cho Đức nếu cần. Đổi lại, Berlin cam kết cung cấp điện cho Paris.
Cộng hòa Czech sẵn sàng ký thỏa thuận nếu có mức trần bồi thường cho các nhà cung ứng.
Do những rắc rối đó, “hiện không có kỳ vọng về tiến triển đàm phán các thỏa thuận chia sẻ song phương”, ông Habeck kết luận.
Bộ Kinh tế Đức chưa bình luận về thông tin này.
Lưu lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm đáng kể từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2. Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, đang dừng hoạt động vô thời hạn vì tuabin chính tại trạm nén khí Portovaya, gần St. Petersburg, bị rò rỉ dầu, chỉ khởi động lại khi vấn đề được khắc phục.
Nord Stream 1, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chỉ hoạt động với 20% công suất từ tháng 7.
Đức đang có thỏa thuận chia sẻ với Đan Mạch và Áo, nhằm tránh hoảng loạn nếu khủng hoảng năng lượng xảy ra và giảm nguy cơ các quốc gia này tích trữ nhiên liệu.
Để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, Berlin hồi tháng 7 đặt ra một loạt mục tiêu nhằm giúp các kho dự trữ khí đốt đạt 95% công suất vào tháng 11. Chính phủ cũng đề xuất biện pháp cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và mua khí hóa lỏng từ Mỹ, Qatar.
Nguồn: VnExpress
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000