Chính phủ Đức cân nhắc từng bước thận trọng dỡ bỏ phong tỏa
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trước những lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 3 ở Đức với sự xuất hiện mạnh của các biến thể mới, Thủ tướng Merkel dự định đưa ra một chiến lược thận trọng để dần mở cửa lại nền kinh tế - xã hội ở Đức. Việc mở cửa phải được thực hiện một cách linh hoạt và đồng bộ với việc mở rộng quy mô xét nghiệm.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của ban lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Merkel nhấn mạnh bà thấu hiểu mong mỏi của dân chúng về một chiến lược mở cửa sau giai đoạn phong tỏa kéo dài.
Theo đó, Đức sẽ dần thực hiện nới lỏng hạn chế ở 3 lĩnh vực, thứ nhất là các tiếp xúc cá nhân; thứ hai là ở các trường học, trường dạy nghề và thứ ba là lĩnh vực thể thao, nhà hàng và văn hóa. Việc điều chỉnh sẽ được theo dõi và tiến hành sau mỗi giai đoạn khoảng nửa tháng để biết được hiệu quả và tình hình dịch bệnh sau giai đoạn được nới lỏng trước đó.
Người dân thực hiện giãn cách xã hội tại một cửa hàng sách ở Frankfurt, Đức nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức Helge Braun, nhóm làm việc của chính quyền trung ương và các bang sẽ nhóm họp để đề ra một kế hoạch cụ thể và sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị giữa Thủ tướng Merkel với thủ hiến các bang dự kiến vào ngày 3/3 tới.
Ông Braun cũng nhấn mạnh sự bùng phát của các biến thể mới đang hủy hoại những thành tựu trong công tác chống dịch của Đức.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm có dấu hiệu gia tăng ở Đức những ngày qua, bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vẫn đang được áp dụng từ giữa tháng 12/2020.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở thời điểm hiện nay là "hoàn toàn vô trách nhiệm", bởi việc nới lỏng phong tỏa sẽ dẫn đến sự tăng nhanh đáng kể số ca lây nhiễm.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa và hậu cần (BGL) đã gửi thư hỏa tốc tới Thủ tướng Merkel để cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc đóng cửa biên giới.
Theo hiệp hội, tình hình tại các biên giới châu Âu vẫn rất căng thẳng, khi các tài xế xe tải phải đi đường vòng trên 200 km, dẫn tới các chuỗi cung ứng tại một số địa điểm và an ninh nguồn cung cho doanh nghiệp và xã hội không còn được đảm bảo.
Hiệp hội kêu gọi Chính phủ liên bang và chính quyền các bang miễn trừ lĩnh vực vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới khỏi các nghĩa vụ xét nghiệm và cách ly.
Thông báo sáng 22/2 của Viện dịch tễ (RKI) cho biết chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Đức/100.000 dân đã tăng từ 57,8 lên mức 61,0. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức từ đầu dịch đã lên tới 2,39 triệu ca, trong đó có trên 67.900 ca tử vong.
Nguồn: TTXVN
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000