Công cụ hữu hiệu giúp chính phủ Đức giải cứu người lao động

Gần nửa triệu công ty Đức áp dụng chương trình giảm giờ làm nhân viên – được gọi là Kurzarbeit – để cắt giảm chi phí lao động.

1 1 Cong Cu Huu Hieu Giup Chinh Phu Duc Giai Cuu Nguoi Lao DongFoto: Florian Schuh/dpa​

Theo CNBC, chưa bao giờ chương trình Kurzarbeit được áp dụng nhiều đến vậy tại Đức, ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chương trình làm việc trong thời gian ngắn là một công cụ giúp ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt. Theo đó, người lao động sẽ ở nhà hoặc bị cắt giảm đáng kể giờ làm việc, tuy nhiên họ vẫn được coi là nhân viên chính thức và nhận 2/3 tiền lương từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, người lao động được nhận tới 2/3 tiền lương ngay cả khi không làm việc. Trong khi đó, công ty cũng không chịu gánh nặng quá lớn về chi phí lao động trong thời kỳ kinh tế căng thẳng.

“Kurzarbeit là công cụ hữu hiệu cho cả doanh nghiệp và người lao động, bởi nó mang lại sự đảm bảo về thu nhập và các kế hoạch trong những tháng tiếp theo khi nền kinh tế bị co hẹp”, CNBC dẫn lời ông Stefan Schneider, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, nhận định.

Công cụ này đã chứng minh tác dụng trong cuộc khủng hoảng gần nhất vào năm 2009. Khi đó, sản lượng kinh tế của Đức sụt giảm 5% với 1,1 triệu lao động bị ảnh hưởng, Berlin mất khoảng 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD). Nhưng đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 7,6%, thấp hơn so với năm 2008.

1 2 Cong Cu Huu Hieu Giup Chinh Phu Duc Giai Cuu Nguoi Lao Dong

Cổng Brandenburg ở Berlin vắng vẻ do người dân ngại ra đường trong dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Lần này, chính phủ Đức ước tính khoảng 2,35 triệu người sẽ sử dụng khoản trợ cấp ngắn hạn Kurzarbeitergeld, tiêu tốn khoảng 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) của Văn phòng Lao động Liên bang.

Tuy nhiên, với truyền thống tiết kiệm tiền mặt trong những năm kinh tế ổn định, Đức được trang bị tốt để triển khai các quỹ này. Riêng Văn phòng Lao động đã dự trữ 26 tỷ euro (28,36 tỷ USD), đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vào thời điểm hiện tại.

“Trong những cuộc khủng hoảng vừa qua, chương trình này chủ yếu được áp dụng bởi các công ty công nghiệp. Nhưng giờ, những doanh nghiệp dịch vụ nhỏ như nhà hàng và công ty tư vấn cũng sử dụng Kurzarbeit”, ông Schneider giải thích.

Các công ty lớn áp dụng chương trình Kurzarbeit – bao gồm Lufthansa, BMW, Volkswagen và Daimler – đã sử dụng công cụ này để giữ chân các nhân viên lành nghề trong bối cảnh đại dịch.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng muốn áp dụng chương trình này cho các quốc gia khác. Nếu vậy, Ủy ban châu Âu sẽ phải huy động 100 tỷ euro (109,06 tỷ USD).

Quỹ sẽ được hỗ trợ bởi các quốc gia thành viên EU, Đức có thể phải gánh chịu 25% chi phí. Giới quan sát nhận định chương trình giảm giờ làm có thể ngăn chặn tình trạng mất việc hàng loạt tại các quốc gia như Tây Ban Nha và Italy.

Nguồn: newszing.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000