"Nếu miêu tả một quốc gia châu Âu, một cường quốc kinh tế phương Tây, nơi Covid-19 đổ bộ muộn hơn các nước khác nhưng chính phủ lại ngay lập tức phản ứng hiệu quả, đó có thể là quốc gia nào?", Washington Post đặt vấn đề.
Sớm khoanh vùng và phong tỏa đúng khu vực có dịch, Đức đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6%. Nước này cũng sẵn sàng xét nghiệm và truy vết bệnh nhân cũng như người nghi nhiễm.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel bị chỉ trích vì tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng và liên minh. Nhiều người gọi bà chính trị gia "vịt què" và lo ngại bà sẽ phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ.
Bà Merkel được đánh giá đã phản ứng kịp thời để ngăn chặn Covid-19 ở Đức. Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, phản ứng hiệu quả trước đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel lên đến 86%. Với quyền lực và sự tự tin, thủ tướng Đức đang cố gắng thúc giục châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.
Những thế mạnh Đức đang thể hiện có thể khiến quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn có bước phát triển bứt phá sau đại dịch, Ruchir Sharma, nhà đầu tư quốc tế, viết trên New York Times.
Hoài bão hồi sinh EU
Đức trở thành chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay, và thủ tướng nước này đang nắm vai trò lãnh đạo khối 27 nước ở thời điểm nhạy cảm nhất.
"Hiện bà Merkel là lãnh đạo của EU, vì vậy có thể nói bà Merkel đang muốn kể câu chuyện thành công của mình bắt đầu từ việc làm hồi sinh EU", Hajo Funke, nhà khoa học chính trị kỳ cựu người Đức, nói với Washington Post.
Vẫn còn rất nhiều thách thức lớn trước mắt do nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại và kinh tế tiếp tục suy thoái. Trong khi đó, EU đang bị kẹt giữa cuộc đàm phán Brexit chưa đến hồi kết và cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Thủ tướng Merkel tạo nên tên tuổi và có di sản để đời.
Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ đàm phán về kế hoạch phục hồi sau đại dịch trị giá 855 tỷ USD, cùng với ngân sách 1,2 nghìn tỷ USD trong 7 năm tới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chính thức được giao nhiệm vụ thuyết phục các quốc gia thành viên đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo của bà Merkel và sức mạnh kinh tế của Đức.
Nói về nỗ lực để khiến các bên ký kết thỏa thuận tài chính, Thomas Heilmann, nghị sĩ thuộc đảng của bà Merkel, cho biết: "Mức độ kỳ vọng đang rất cao. Và nếu Đức không làm được điều này, mọi người sẽ đặt câu hỏi: 'Nếu bà Merkel không làm được thì còn ai làm được?'".
Thủ tướng Merkel được kỳ vọng sẽ dẫn dắt EU vượt qua khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Đức được biết đến như một lãnh đạo khắc khổ ở châu Âu và từ lâu bà đã không muốn để các nền kinh tế yếu hơn trong khối phụ thuộc vào Đức. Nhưng giờ đây, bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng thúc đẩy kế hoạch biến nợ của các nước EU thành nợ chung và tài trợ cũng như viện trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số quốc gia - Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo. Những nước này ủng hộ cung cấp các khoản vay có ràng buộc hơn.
Stefan Kornelius, người được ủy quyền viết tiểu sử cho bà Merkel, cho rằng hình tượng thủ tướng khắc khổ đã đặc biệt khiến bà Merkel bị phiền toái. Trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu một thập kỷ trước, nhà lãnh đạo Đức đã bị nhiều quốc gia Nam Âu chỉ trích vì bà buộc họ phải thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, ông Kornelius cho rằng nếu tình hình của EU không trở nên tồi tệ, thủ tướng Đức đã không thể tạo ra màn lội ngược dòng "lịch sử" như vậy.
Phản ứng tức thời trước đại dịch
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu bị Covid-19 tấn công dữ dội thời kỳ đầu dịch mới bùng phát, kinh tế Đức vẫn tiếp tục phát triển, theo cuộc thăm dò gần đây của kênh ZDF.
Các thành viên trong đảng của thủ tướng Đức cho biết từ đầu năm nay, bà đã nhanh chóng nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Dorothee Bär, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kỹ thuật số, cho biết bà Merkel từng yêu cầu Bộ trưởng Y tế Jens Spahn tóm tắt tình hình ở Trung Quốc hồi đầu tháng 1 và nguy cơ của dịch bệnh đối với Đức trong tương lai cho các bộ trưởng khác trong nội các.
Đến cuối tháng 2, bà đã hoàn toàn chuyển sang tâm thế đối mặt với khủng hoảng, nghị sĩ Heilmann nói. Vào giữa tháng 3 trên kênh truyền hình, thủ tướng Đức cảnh báo người dân: "Hãy coi đây là vấn đề nghiêm trọng".
Do người dân Đức vốn biết bà Merkel không phải người thích nói quá, họ đã lắng nghe lời cảnh báo của bà.
"Bà ấy đã thay đổi cách nói chuyện. Bà ấy đang chạm tới người dân, và họ thích điều đó", Robin Alexander, nhà báo của tờ Die Welt, người từng viết sách về bà Merkel, nói với Washington Post.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Berlin, Đức, ngày 14/5. Ảnh: Reuters.
Đức áp lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc lãnh đạo 16 bang của Đức cũng không thể di chuyển. "Nếu bà Merkel không làm việc cật lực để khiến các quan chức giữ được quy củ, Đức đã không thể vượt qua được giai đoạn khó khăn", Constanze Stelzenmüller, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings, cho biết.
Dù trước đó đứng bên bờ vực sụp đổ, chính phủ xây dựng dựa trên liên minh đảng của bà Merkel nay đã đoàn kết lại.
Karl Lauterbach, nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội, cho biết: "Chúng tôi đã bị đại dịch tấn công ở thời điểm mà chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khủng khiếp ở miền Bắc Italy. Các nhà khoa học và chính trị gia đã hợp tác chặt chẽ với nhau, đây là điều tôi chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu sự nghiệp".
Đại dịch Covid-19 cũng giúp đảng của bà Merkel tăng 11 điểm trong các cuộc thăm dò mức độ ủng hộ. Tuy nhiên, di sản của bà vẫn có thể bị phá bỏ do ứng cử viên yêu thích của bà là Annegret Kramp-Karrenbauer đã rút khỏi cuộc đua hồi đầu năm nay. Có nhiều đồn đoán về việc thủ tướng Merkel sẽ ủng hộ ai trở thành người kế nhiệm, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng.
Giới quan sát nhận định dù con đường phía trước còn rất nhiều chông gai, gần như không điều gì có thể hạ bệ được vị thế của bà Merkel ở thời điểm này và chắc chắn bà có thể đi đến cuối nhiệm kỳ vào năm nay.
"Đây có lẽ là lần đầu tiên sau 16 hoặc 15 năm, một thủ tướng Đức có cơ hội cưỡi ngựa trong ánh hoàng hôn huy hoàng mà không phải là đi vào giông bão", tác giả viết tiểu sử Kornelius nói.
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000