Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder kiện Hạ viện

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder kiện Hạ viện

Cựu thủ tướng Schröder kiện Hạ viện Đức vì bị tước quyền sử dụng văn phòng do nhà nước tài trợ.

1 Cuu Thu Tuong Duc Gerhard Schroder Kien Ha Vien

Michael Nagel, luật sư của ông Gerhard Schröder, thông báo cựu thủ tướng ngày 12/8 đệ đơn kiện Hạ viện Đức lên tòa án hành chính Berlin. Hạ viện Đức sau đó cho biết tòa án chưa thông báo về vụ kiện và không thể bình luận thêm về thông tin.

Đơn kiện cáo buộc quyết định đóng cửa văn phòng của ông Schröder và tái bố trí nhân viên "gợi nhớ đến chính quyền chuyên chế" và "không được phép tồn tại trong một quốc gia dân chủ".

Theo thông lệ, tất cả cựu lãnh đạo Đức đều có một văn phòng do nhà nước tài trợ khi họ rời nhiệm sở, với mức hàng năm khoảng 421.000 USD. Tuy nhiên, cựu thủ tướng Schröder, 78 tuổi, hồi tháng 5 bị tước quyền sử dụng văn phòng này vì mối quan hệ với các công ty năng lượng Nga.

Trong đơn yêu cầu tước đặc quyền của ông Schröder công bố ngày 18/5, liên minh ba đảng cầm quyền Đức tuyên bố cựu thủ tướng "không còn duy trì các nghĩa vụ tại văn phòng của mình, do đó văn phòng của ông sẽ bị đóng". Cựu thủ tướng Schröder vẫn được lực lượng cảnh sát bảo vệ và hưởng lương hưu 7.000 USD một tháng.

Khi đảm nhận chức vụ thủ tướng Đức năm 1998-2005, ông Schröder xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cựu thủ tướng Đức gọi ông Putin là bạn thân và họ đã dành nhiều giờ để thảo luận về đồ uống.

Ông Schröder từng đứng đầu ủy ban cổ đông tại Nord Stream AG, công ty vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 1 từ Nga tới Đức dưới biển Baltic và là chủ tịch hội đồng quản trị Nord Stream 2 AG.

Ngày 20/5, ông Schröder rút khỏi tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và sau đó từ chối đề cử vào vị trí tại hội đồng quản trị của Gazprom. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi nghị viện châu Âu cảnh báo sẽ đưa ông vào danh sách trừng phạt nếu không từ chức thành viên hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Nga.

Cuối tháng 7, cựu thủ tướng Đức tới Nga gặp Tổng thống Putin, sau đó cho biết Moskva muốn có giải pháp thương lượng cho chiến sự tại Ukraine. Ông Schröder cũng gợi ý Ukraine nên tìm giải pháp thay thế cho nguyện vọng gia nhập NATO, có thể bằng cách áp dụng mô hình quốc gia trung lập như Áo.

Nguyễn Tiến (VNE Theo Reuters)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000