Người Đức quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu và bớt mặn mà với xe hơi khi chưa tìm được tiếng nói chung về cắt giảm khí thải.
Một cuộc thăm dò của đài truyền hình quốc gia Đức (ARD) gần đây cho thấy 48% số người được hỏi nói biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất của họ.
Trong đó, phương tiện vận tải được cho là một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây phát thải carbon, chỉ sau sản xuất năng lượng, khiến người Đức dần từ bỏ chiếc xe hơi yêu thích, cũng như dẫn tới các cuộc tranh luận về chính trị, văn hóa ở nước này trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử Liên minh châu Âu (EU).
Người dân Đức tỏ ra mâu thuẫn khi được hỏi về những hành động cần thiết để cứu môi trường. 81% số người được hỏi yêu cầu hành động ngay lập tức để cắt giảm khí thải, nhưng chưa đầy 34% ủng hộ các đề xuất chính trị, như áp thuế với phát thải carbon.
Công nghiệp ôtô Đức những năm trở lại đây bị ảnh hưởng nặng nề, một phần do khí hậu nóng lên cũng như hậu quả của “Dieselgate”, vụ bê bối khí thải năm 2015 của Volkswagen khiến cựu CEO của hãng này, Martin Winterkorn có thể đối diện án tù lên tới 10 năm.
Doanh số bán xe hơi Đức giảm mạnh bị coi là nguyên nhân khiến GDP của nền kinh tế số một châu Âu sụt giảm hồi năm ngoái và khiến đất nước rơi vào suy thoái.
Giới quan sát cũng cho rằng vấn đề không đơn giản ở Đức, khi một bên là những cử tri thành thị trẻ tuổi, đòi hỏi những bước đi cấp thiết để đưa Đức trở thành quốc gia trung hòa khí carbon, và một bên là những thế hệ lớn tuổi ở nông thôn, những người từng chứng kiến sự phát triển của nền kinh tế số một châu Âu dưới thời ôtô chạy bằng than.
“”, Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ôtô tại Duisburg-Essen nói.
Ông Dudenhoeffer cho biết thêm trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để cắt giảm khí thải trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các “ông lớn” trong ngành xe hơi Đức như Volkswagen, Mercedes, BMW đều tuyên bố trung lập về khí hậu và không có lựa chọn nào khác ngoài việc hướng tới một tương lai điện hóa hoàn toàn cho xe hơi.
Công nhân Đức bên loạt logo gắn mui xe tại nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. Ảnh: CNN
Đức đã cam kết giảm lượng khí thải carbon theo lộ trình, từ mức 40% năm 1990, 55% năm 2030 và 95% năm 2050, dù chưa biết có thể đạt mức này hay không.
Ngành công nghiệp ôtô sử dụng hơn 820.000 lao động và tạo ra khoảng 20% sản lượng công nghiệp của Đức.
Sự phát triển của nước này trong ngành công nghiệp ôtô cũng như niềm đam mê xe hơi đã không còn phải bàn cãi. Đức cho xây dựng một hệ thống đường cao tốc hiện đại Autobahn dành cho những người yêu xe hơi, được mệnh danh là “thiên đường tốc độ”. Autobahn không có điểm dừng, không trạm thu phí và cũng không dành cho những người yếu tim, cho phép chạy với tốc độ 241km/h, 322 km/h hoặc hơn.
“Kế hoạch hành động khí hậu đến năm 2050” mà chính phủ Đức công bố hồi đầu năm bị các nhà hoạt động khí hậu đánh giá quá chậm trễ. Kế hoạch không nêu thời hạn cụ thể về cắt giảm khí thải xe hơi, cũng như chưa thể hiện được trách nhiệm trong việc giới hạn phát thải một cách nghiêm ngặt đối với công nghiệp ôtô.
Trong một cuộc đối thoại hồi tháng 4 với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, ông Peter Altmeier, trưởng nhóm “Thứ sáu vì tương lai”(một chương trình hành động vì môi trường), Luisa Neubauer, 23 tuổi nói:
“Chúng tôi thấy tương lai của mình bị đặt xuống thấp hơn trong danh sách ưu tiên của ông, so với những gì dành cho Volkswagen”.
ARD nhận định rất ít đảng phái chính trị Đức hiện quan tâm tới biến đổi khí hậu, một trong số ít ỏi đó là đảng Xanh với tỷ lệ khoảng 20%. Nhưng con số này vẫn vượt xa so với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) lâu đời và đảng cực hữu non trẻ Con đường khác cho nước Đức (AfD).
“Mọi người đang nhận ra rằng biến đổi khí hậu hay một cuộc khủng hoảng khí hậu là có thật”, Oliver Krischner, thành viên hàng đầu của đảng Xanh nói, đồng thời cho biết đảng này sẽ ưu tiên cho vấn đề trên. AfD đã vận động bầu cử trong Liên minh châu Âu (EU) bằng cách tuyên bố đảng này chủ trương “tiết kiệm dầu diesel” chứ không tập trung vào vấn đề khí hậu.
Mai Lâm (Theo CNN)
vnexpress.net
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000