Số liệu của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết tính đến 0h ngày 1/4 (theo giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 71.690 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 15.800 ca đã được điều trị khỏi và 774 ca tử vong.
Bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 15.505 ca và 191 ca tử vong, tiếp đến là Nordrhein-Westfalen với 15.241 ca nhiễm và 148 ca tử vong; cùng Baden-Württemberg với 13.313 ca nhiễm, 196 ca tử vong.
Hiện thủ đô Berlin đã ghi nhận 2.777 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Như vậy, chỉ trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận thêm trên 5.000 trường hợp nhiễm virus và khoảng 150 ca tử vong.
Trong khi đó, theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, nước này mới chỉ ở “giai đoạn đầu” của dịch bệnh và đỉnh dịch vẫn ở phía trước, dù không cho biết cụ thể thời điểm.
Liên quan việc nghiên cứu vắcxin ở Đức, ông Friedrich von Bohlen – nhà đồng sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Hợp danh Công nghệ sinh học Dievini Hopp (nắm 80% cổ phần của công ty dược CureVac) cho biết vắcxin chống virus SARS-CoV-2 có thể được bắt đầu thử nghiệm trên người vào đầu mùa Hè này và sau đó nếu mọi việc suôn sẻ, thuốc có thể được đưa ra thị trường vào cuối năm nay.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Dresden, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông von Bohlen cũng giải thích rằng vắcxin được phát triển dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) giúp cơ thể kích hoạt cơ chế tự sản xuất “vũ khí” để nhận biết và tiêu diệt virus. Tuy nhiên, việc phát triển thuốc không thể có ngay một sớm một chiều, bởi cần có thời gian và đủ nguyên liệu, đảm bảo an toàn, khả năng dung nạp và hiệu quả của thuốc.
Cũng theo ông, trên thế giới hiện có khoảng 120 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, trong đó 1/3 là vắcxin với nhiều khác biệt về phương thức hoạt động và 2/3 là thuốc chống virus khi đã nhiễm bệnh.
Về tình hình các doanh nghiệp ở Đức, hiện đã có gần nửa triệu doanh nghiệp đăng ký rút ngắn thời gian làm việc để được hỗ trợ từ nhà nước trước tình hình khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Lao động Liên bang Đức Hubertus Heil ngày 31/3 thông báo đã có tới 470.000 doanh nghiệp xin làm việc ít giờ, con số cao hơn 20 lần so với mức kỷ lục ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Tuy nhiên, không rõ con số cụ thể về số người lao động phải chuyển sang làm việc ở chế độ này.
Nguồn: TTXVN
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000