Đức đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái?

Đức đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái?

Theo bài viết trên báo Die Welt (Thế giới), các chuyên gia kinh tế nước này cảnh báo những thách thức hiện tại có thể khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay.

Die Welt cho biết, những lo ngại về nguy cơ thiếu khí đốt và giá năng lượng tăng mạnh đang đè nặng lên các doanh nghiệp Đức. Sự thiếu hụt lao động, các vấn đề về nguồn cung nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian, cùng với lạm phát ở mức cao kỷ lục, càng khiến tình hình trở nên ảm đạm.

1 Duc Dang Dung Truoc Nguong Cua Suy Thoai

Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo), Chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo – chỉ số quan trọng nhất của kinh tế Đức – đã giảm từ 92,2 điểm trong tháng 6 xuống còn 88,6 điểm trong tháng 7/2022. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Chủ tịch Viện Ifo Clemens Fuest nhận xét rằng “nước Đức đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái”.

Tại Đức, môi trường kinh doanh đã xấu đi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch và nhà hàng, khách sạn, mọi hoạt động đã trầm lắng trở lại sau những lạc quan ban đầu. Ngành du lịch và nhà hàng, khách sạn khởi đầu mùa Hè với nhiều kỳ vọng sau khi hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ.

Ngành dịch vụ hy vọng trong mùa Hè, người Đức sẽ tăng mạnh chi tiêu các khoản tiền đã tiết kiệm được trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, sự hỗn loạn trong giao thông hàng không và đường sắt một lần nữa lại ảnh hưởng nặng nề đến ngành này. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục cũng làm giảm đáng kể mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân. Điều này ngày càng gây lo lắng cho các ngành bán lẻ và du lịch, khách sạn. Chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo cho thấy kỳ vọng đã giảm mạnh trong toàn bộ lĩnh vực dịch vụ.

2 Duc Dang Dung Truoc Nguong Cua Suy Thoai

Trong khi đó, lĩnh vực thương mại cũng ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại. Báo cáo của Ifo cho thấy không có lĩnh vực bán lẻ nào có triển vọng lạc quan về tương lai. Thay vào đó, sự lo lắng về những tháng tới đây ngày càng rõ rệt hơn.

Theo khảo sát của Ifo, tâm trạng tồi tệ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Điều này khiến hy vọng về sự bứt phá của kinh tế Đức sau đại dịch trở nên mờ mịt. Căng thẳng Nga-Ukraine với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đã góp phần chấm dứt quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

“Nhà vô địch thế giới” về xuất khẩu thậm chí đã ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Thay vì hy vọng đi lên, nước Đức đang phải đối mặt với nguy cơ đình trệ kinh tế, với kịch bản xấu nhất là suy thoái. Số liệu thống kê cho thấy đã có sự sụt giảm số lượng đơn đặt hàng đầu tiên trong vòng hai năm qua.

Nhiều lĩnh vực quan trọng của kinh tế Đức như những ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm công nghiệp hóa chất, kim loại, điện tử…, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự tăng giá nhiên liệu. Ngoài ra, những khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu vẫn đang tác động lớn đến những ngành công nghiệp này. Hầu hết các doanh nghiệp đều không hy vọng tình hình sẽ được cải thiện cho tới năm sau. Tâm lý tương tự cũng tồn tại trong lĩnh vực xây dựng.

Theo ông Felix Pakleppa, lãnh đạo Hiệp hội xây dựng Đức, lạm phát ngày càng gia tăng ở Đức khiến giá năng lượng và vật liệu xây dựng tăng mạnh, trong khi lãi suất cũng tăng lên. Số lượng đơn đặt hàng xây dựng trong tháng 5/2022 đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Pakleppa nhận định: “Triển vọng thật ảm đạm”.

Các kế hoạch của Chính phủ Đức nhằm tăng tốc mở rộng hạ tầng năng lượng tái tạo và bảo vệ khí hậu cũng như mục tiêu xây dựng nhà ở mới đầy tham vọng, sẽ đặt ra những nhiệm vụ lớn lao cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng thiếu hụt lao động chuyên môn, các chuyên gia cảnh báo rằng không nên đặt kỳ vọng quá cao trong việc thực hiện các mục tiêu đó. Thực tế, đội ngũ lao động để xây dựng các nhà máy điện mới, lắp đặt các tuabin gió, các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái nhà… vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Tiến độ xây dựng mới các khu dân cư cho đến nay cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ Đức đã đặt ra.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tình trạng thiếu lao động cũng là một vấn đề lớn tại các sân bay. Nhiều chuyến bay bị hủy và thời gian mở cửa bị rút ngắn vì không đủ nhân viên làm việc, trong khi việc tuyển dụng lao động mới tiến triển chậm chạp. Sự thiếu hụt lao động ngày càng trở thành lực cản đối với đà tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế. Với sự phát triển nhân khẩu học như hiện tại ở nước Đức, vấn đề này sẽ còn trở nên trầm trọng hơn trong dài hạn.

Trong thời điểm hiện tại, mối lo ngại lớn nhất của Đức là trò chơi quyền lực Nga đối với khí đốt. Theo nhận định của chuyên gia Jörg Krämer – nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank, sự sụt giảm nghiêm trọng của chỉ số môi trường kinh doanh Ifo trên hết phản ánh nỗi lo sợ của các doanh nghiệp Đức về một cuộc khủng hoảng khí đốt tiềm tàng.

Các nước thành viên EU “đã đồng ý giảm 15% nhu cầu khí đốt so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua trong giai đoạn từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023, với các biện pháp do họ lựa chọn”. Và nếu làm được như vậy, châu Âu kỳ vọng sẽ giảm được 45 tỷ mét khối cho nhu cầu tiêu thụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thỏa hiệp đạt được vào ngày 26/7 này không phải là sự đảm bảo cho một mùa Đông yên bình đối với các công ty và công dân châu Âu. Trên hết, thỏa thuận chỉ giúp trì hoãn các cuộc thảo luận khó khăn và những quyết định đau đớn sau này.

Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo giảm mạnh là dấu hiện cho thấy nguy cơ suy thoái của kinh tế Đức. Chuyên gia Jörg Krämer nhận định rằng thật không may, tình hình kinh tế Đức trở nên tồi tệ đến mức độ nào chủ yếu phụ thuộc vào nước Nga./.

Theo Bnews


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000