Đức đang hối thúc nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh việc phê chuẩn một loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này gia tăng trong khi Anh và Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà.
Nhật báo Bild của Đức ngày 14/12 đưa tin Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel và Bộ Y tế Đức muốn Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn vắcxin do hãng Pfizer của Mỹ phối hợp với công ty BioNTech của Đức sản xuất vào ngày 23/12, sớm hơn dự kiến vào ngày 29/12.
Đức bất bình về việc EU chậm phê chuẩn vắcxin trong khi BioNTech là một công ty của Đức và nước này dự kiến phải tiến hành phong tỏa một phần từ ngày 16/12, theo đó phải đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và tất cả các trường học.
Singapore và Bahrain đã phê chuẩn vắcxin của Pfizer/BioNTech, trong khi Canada đã tiêm vắcxin này cho công dân đầu tiên vào ngày 14/12 sau khi Mỹ bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vắcxin của Pfizer/BioNTech vào ngày 13/12.
Tuần trước, EMA thông báo đã bị t ấn công mạng. Pfizer-BioNTech cho biết các tài liệu của hai công ty này trình EU xin phê chuẩn vắcxin đã bị xâm nhập trái phép trong vụ t ấn công mạng kéo dài 2 tuần.
Cùng ngày, báo Stuttgarter Zeitung của Đức dẫn lời người đứng đầu chi nhánh châu Âu của tập đoàn dược phẩm Moderna, ông Dan Staner cho biết vắcxin của hãng dự kiến được EU cấp phép vào giữa tháng 1/2021 và Moderna sẵn sàng phân phối vắcxin ngay sau đó.
Ông Dan Staner nêu rõ: "Chúng tôi trông đợi vắcxin được phê duyệt sử dụng trong EU và theo đó được phê duyệt sử dụng tại Đức vào ngày 12/1/2021. Ngay khi được cấp phép, chúng tôi có thể phân phối vắcxin."
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa ngày 14/12 cho biết nước này dự kiến sẽ được nhận lô vắcxin đầu tiên vào ngày 4/1/2021.
Theo quan chức này, "rất có khả năng" EMA sẽ bật đèn xanh cho tiêm phòng vắcxin của Pfizer/BioNTech vào ngày 29/12 tới. Bộ trưởng Illa cho biết thêm vắcxin sẽ được chuyển đến theo từng đợt, đợt đầu tiên vào ngày 4/1 hoặc 5/1 tới.
Đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm tới, khoảng 15 triệu người trong tổng số 47 triệu dân Tây Ban Nha có thể sẽ được tiêm phòng. Trong đợt đầu, nước này dự kiến ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và nhân viên y tế.
Theo Bộ trưởng Illa, Madrid đã đạt các thỏa thuận được cung cấp 140 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, đủ cho khoảng 80 triệu người và nếu thừa sẽ được chuyển sang các nước láng giềng cần sử dụng.
Tây Ban Nha nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu. Nước này đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 47.000 ca tử vong.
Bích Liên
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000