Ngày 26-2, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định hiện tại đang là “giai đoạn đầu của dịch COVID-19 ở Đức”, hãng tin RT cho biết.
Ông cũng cho biết thêm rằng không thể truy tìm được nguồn lây nhiễm cho các bệnh nhân ở quốc gia này và kêu gọi tất cả các bệnh viện và chủ sử dụng lao động xem xét tất cả các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh này.
Ngày 25-2, Đức đã ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm COVID-19 tại bang Nordrhein-Westfalen, nâng tổng số ca nhiễm lên 18 người.
Ban đầu, ông Spahn tuyên bố các nỗ lực “phát hiện và ngăn chặn” dịch bệnh ở châu Âu đang hiệu quả trong việc phòng ngừa một đại dịch ở châu lục này.
Nhưng sự xuất hiện các ca bệnh ở miền bắc nước Ý và ở ít nhất 13 nước châu Âu khác đã buộc ông phải đánh giá lại tình hình. Trong cuộc họp báo hôm 25-2, ông thừa nhận dịch bệnh “có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Việc theo dõi “chuỗi lây nhiễm”, tức là việc xác định lịch sử đi lại và lịch sử tiếp xúc xã hội với các ca bệnh trước đó, được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc hiểu sự lây lan của bệnh.
Cho đến nay, phần lớn các ca bệnh ở Đức đều từng đến các vùng dịch ở Trung Quốc hoặc Ý, hoặc từng tiếp xúc với khách du lịch.
Tuy nhiên, Đức đã không thể theo dõi một phần chuỗi lây nhiễm được nữa, ông Spahn nói hôm 25-2.
Mặc dù dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng trên toàn châu Âu, các Bộ trưởng Y tế các nước thành viên Liên minh châu Âu đều thống nhất không đóng cửa biên giới trong thời gian này.
“Đóng cửa biên giới là một biện pháp không thích đáng và không hiệu quả lúc này”, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói với phóng viên ở Rome hôm 25-2.
Tính đến trưa 27-2, châu Âu ghi nhận 448 ca nhiễm COVID-19 tại 15 quốc gia khác nhau và có hai nước có bệnh nhân tử vong là Ý và Pháp, theo báo South China Morning Post.
Dù vậy, số trường nhiễm bệnh ở châu Âu chỉ chiếm khoảng 12,7% tổng số ca nhiễm được phát hiện bên ngoài Trung Quốc đại lục nhưng đang có xu hướng tăng nhanh.
Ý là ổ dịch lớn nhất với 12 ca tử vong trong tổng số 374 ca nhiễm bệnh và số ca nhiễm mới liên tục tăng nhanh trong tuần qua.
Nguồn: plo.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000