Đức tính toán sẽ tiêm vắc xin phòng đậu mùa khỉ nếu ca nhiễm tăng nhanh

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết biện pháp cách ly ít nhất 21 ngày với người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ là đủ trong hiện tại để ngăn chặn bùng phát.

1 Duc Tinh Toan Se Tiem Vac Xin Phong Dau Mua Khi Neu Ca Nhiem Tang Nhanh

Đức khuyến cáo cách ly 21 ngày người nhiễm đậu mùa khỉ - Ảnh: REUTERS

"Nếu ca nhiễm lây nhanh hơn, chúng ta sẽ cần chuẩn bị để triển khai tiêm vắc xin dù tiêm vắc xin chưa được khuyến cáo ở thời điểm này", Bộ trưởng Lauterbach nói.

Ông cho biết sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ có thể được kiểm soát. Nếu can thiệp sớm sẽ có thể ngăn chặn mầm bệnh phát tán mạnh trong cộng đồng.

Cho đến nay có 5 ca nhiễm đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở Đức, tất cả bệnh nhân đều là nam giới.

Ngày 24-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm này là chưa cần phải tiêm vắc xin hàng loạt, mà biện pháp vệ sinh và tình dục an toàn là đủ.

Các ca đậu mùa khỉ cũng đang lây lan tại nhiều nước. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Slovenia và Czech đều ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong ngày 24-5.

Tại các nước đã có ca nhiễm, số ca bệnh đang tăng nhanh. Tỉnh Quebec của Canada xác nhận thêm 15 ca nhiễm trong ngày 24-5 và dự kiến sẽ có thêm nhiều ca nữa.

Số ca nhiễm đậu mùa khỉ mới của Tây Ban Nha cũng tăng thêm 11, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 48 ca.

WHO đã ghi nhận 237 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ tại 19 nước, đa số ở các nước bên ngoài châu Phi, nơi căn bệnh này vốn không phải là bệnh phổ biến. 

Mặc dù số lượng ca nhiễm được dự đoán sẽ tăng lên, cho đến nay đa số đều không bị bệnh nặng. Các nhà khoa học cũng không cho rằng đậu mùa khỉ sẽ phát triển thành đại dịch như COVID-19, vì virus bệnh đậu mùa khỉ không lây dễ như virus SARS-COV-2.

Sylvie Briand - giám đốc của WHO về chuẩn bị sẵn sàng cho các nguy cơ truyền nhiễm toàn cầu - cho biết: "Chúng tôi khuyến khích tất cả các nước tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ để xem mức độ lây truyền và phát triển của bệnh ra sao".

Mặc dù xác nhận sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là "không bình thường", bà Briand nhấn mạnh bệnh "có thể kiểm soát được" vì đã có vắc xin và phương pháp điều trị.

Ngày 24-5, nhà chức trách Pháp khuyến cáo tất cả những người lớn thuộc dạng có nguy cơ - đã từng tiếp xúc với người nhiễm đậu mùa khỉ và các nhân viên y tế tiếp xúc với người nhiễm - nên tiêm vắc xin. Đan Mạch cũng đưa ra khuyến cáo tương tự sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm.

Hiện nay công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch là đơn vị duy nhất cung cấp vắc xin chống lại bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Công ty cho biết rất nhiều quốc gia đang tiếp cận công ty để mua vắc xin với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn liều.

Đức đã đặt hàng 40.000 liều vắc xin đậu mùa để có cơ số sẵn sàng tiêm cho người tiếp xúc gần với người nhiễm đậu mùa khỉ.

Công ty Bavarian Nordic cho biết họ muốn hỗ trợ tất cả các quốc gia đang cần vắc xin do có ca nhiễm đậu mùa khỉ hoặc muốn dự trữ vắc xin cho căn bệnh này. 

Bộ Y tế cộng đồng của Thái Lan đã phát cảnh báo đến tất cả sân bay quốc tế của nước này, yêu cầu đơn vị kiểm dịch phải tăng cường cảnh giác, chú trọng rà soát, nhất là với du khách đến từ các quốc gia đã công bố ca nhiễm đậu mùa khỉ.

Theo báo Bangkok Post, nhà chức trách cho biết du khách từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đã được giám sát cẩn thận để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ.

Những ai đến từ các quốc gia này, nếu có triệu chứng rõ ràng sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm.

Thái Lan không xem đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền nguy hiểm và chưa phát hiện ca nhiễm.

Bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện ở các khu vực rừng Trung và Tây Phi. Virus đậu mùa khỉ thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỉ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000