Tuần trước, ông Felix Germann rất bất ngờ khi thấy một bác sĩ và một cảnh sát đến nhà mà không có cuộc hẹn nào. Hai vị khách đã đề nghị ông cho giới chức y tế xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể virus SARS-CoV-2 mỗi tháng một lần, trong vòng một năm.
“Tất nhiên là tôi đã đồng ý. Tôi muốn giúp đỡ mọi người. Đây là một cuộc khủng hoảng tập thể. Chính phủ đang cố gắng làm những gì họ có thể. Tất cả mọi người nên góp một chút sức lực của mình”, ông Germann, một người quản lý dự án 41 tuổi tại một công ty truyền thông, cho biết.
Với hành động này, ông Germann sẽ có thể giúp đỡ các nhà khoa học tìm ra biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, dỡ bỏ lệnh phong toả và cứu sống nhiều mạng người.
Ông Germann, bạn gái cùng 3.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên ở München, đã tham gia vào một nghiên cứu đầy tham vọng với mục đích chính là tìm hiểu có bao nhiêu người – thậm chí cả những người không có triệu chứng - đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là một thông tin quan trọng để chính quyền đưa ra biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Foto: Giới chức y tế lấy mẫu máu trong một gia đình ở München, Đức. Ảnh: New York Times
Theo tờ New York Times, nghiên cứu này là một phần của cách tiếp cận mạnh mẽ, toàn diện trong công cuộc ứng phó với đại dịch COVID-19 của Chính phủ Đức. Nếu phương pháp xét nghiệm này mang lại hiệu quả, Đức sẽ trở thành quốc gia tiên phong để các quốc gia phương Tây khác học hỏi nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong khi nhiều quốc gia khác, bao gồm Mỹ, vẫn đang chật vật trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Đức đã làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của Đức là lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên toàn bộ dân số để tìm kháng thể virus trong những tháng tới. Chính phủ quốc gia châu Âu này hy vọng sẽ có được cái nhìn sâu sắc về mức độ xâm nhập của virus vào xã hội, mức độ nguy hiểm thực sự của nó và liệu người dân có thể phát triển khả năng miễn dịch hay không.
Chính phủ hy vọng sẽ sử dụng những phát hiện này để làm sáng tỏ một câu hỏi giúp Đức có những bước đi an toàn trong giai đoạn tiếp theo dịch bệnh. Đó là những hạn chế nào đã làm chậm sự lây lan của virus một cách hiệu quả nhất, những biện pháp phòng dịch nào có thể được dỡ bỏ một cách an toàn.
Những câu hỏi tương tự đang được đặt ra ở trên khắp thế giới. Các quốc gia khác như Iceland và Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp xét nghiệm với theo dõi bằng công cụ kỹ thuật số để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tại điểm nóng Italy, các xét nghiệm kháng thể và việc cấp “giấy phép chứng nhận miễn dịch” đã tạo nên những cuộc tranh luận về cách thức và thời điểm mở cửa lại đất nước. Nhưng ngay cả những kế hoạch được chuẩn bị tốt nhất cũng có thể trở nên tồi tệ. Singapore đã cố gắng mở cửa trở lại và chứng kiến số ca nhiễm virus tăng vọt.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang nóng lòng khởi động lại nền kinh tế trong bối cảnh chỉ còn nửa năm nữa là đến cuộc bầu cử. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng cần phải xét nghiệm trên quy mô rộng hơn nhiều mới có thể dỡ bỏ lệnh phong toả một cách an toàn.
Cả Anh và Mỹ đều chưa xét nghiệm đủ nhiều trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh. Từ đó, họ phải xét nghiệm dựa trên địa điểm để bắt kịp sự lây lan của virus. Ở Italy, chính quyền trung ương và các nhà lãnh đạo khu vực đã tranh cãi về quy mô của việc thực hiện xét nghiệm.
Đức – quốc gia tự sản xuất hầu hết các bộ dụng cụ xét nghiệm chất lượng cao – đã xét nghiệm quy mô lớn hơn hầu hết các quốc gia khác. Quốc gia 83 triệu dân đã xét nghiệm 120.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày và số lượng ngày càng tăng lên.
Nghiên cứu về kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong các hộ gia đình ở München do Khoa Truyền nhiễm và Y học Nhiệt đới của bệnh viện Đại học München thực hiện dưới sự tài trợ một phần của chính quyền bang Bayern. Đây là nghiên cứu lớn nhất trong số các chương trình đang được triển khai tại nhiều khu vực trên đất nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy việc phát hiện kháng thể bảo đảm khả năng miễn dịch hiệu quả, và ngay cả khi có miễn dịch thì vẫn chưa biết có thể kéo dài bao lâu.
Người dân thực hiện giãn cách xã hội tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Trên toàn quốc, Viện Dịch tễ Robert Koch đang xét nghiệm 5.000 mẫu từ các ngân hàng máu trên cả nước 2 tuần một lần, và xét nghiệm cho 2.000 người ở 4 điểm nóng dịch bệnh để tìm kháng thể.
Dự án tham vọng nhất của Robert Koch là xét nghiệm ngẫu nhiên cho 15.000 người trên cả nước, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới.
“Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới hướng tới tương lai. Chúng tôi đang dẫn đầu trong suy nghĩ nên làm gì tiếp theo”, Giáo sư Michael Hoelscher, người đứng đầu nghiên cứu ở München nói và cho biết rằng một số quốc gia đã đề nghị ông cung cấp giao thức để có thể sao chép mô hình này.
Các nhà khoa học cho biết việc khảo sát số ca nhiễm bệnh tiềm ẩn và hiểu được quy mô thực sự của căn bệnh là chìa khoá để điều chỉnh việc nởi lỏng dần các hạn chế xã hội và giảm thiểu khủng hoảng kinh tế.
“Chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về số ca nhiễm chưa được phát hiện sau khi hoàn thành các nghiên cứu đại diện”, ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, nơi đang tiến hành một số xét nghiệm kháng thể, cho biết.
Ở Gangelt, một thị trấn nhỏ khoảng 12.000 dân ở phía Tây Bắc nước Đức, các xét nghiệm của một nhóm 500 cư dân đầu tiên cho thấy 14% có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. 2% số người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, làm tăng hy vọng rằng khoảng 15% dân số địa phương có thể đã có khả năng miễn dịch.
“Chúng ta đang đứng giữa ngã ba đường. Liệu chúng ta sẽ đi theo con đường nới lỏng phong toả, tăng cường miễn dịch trong mùa Hè để làm chậm sự lây lan trong mùa Đông? Hay chúng ta sẽ cố gắng giảm thiểu việc lây lan cho đến khi chúng ta tìm ra vaccine?”, Giáo sư Hoelscher nói.
Hải Vân/Báo Tin tức
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000