Nước Đức thừa giường bệnh
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đức có 28.000 giường chăm sóc đặc biệt, nhiều hơn hầu hết các nước láng giềng. Trong những ngày gần đây, con số này đã tăng lên 40.000 vì các bệnh viện đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận làn sóng bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Tiến sĩ Uwe Janssens, Chủ tịch Hiệp hội liên ngành Đức về chăm sóc tích cực và y tế khẩn cấp (DIVI), cho biết: "So với Tây Ban Nha, Pháp và Ý, mật độ các bệnh viện và giường bệnh [ở Đức] cao hơn hẳn, điều này đã trở thành một lợi thế lớn trong đợt khủng hoảng này".
"Trớ trêu thay, đây là điều mà chúng tôi đã luôn bị chỉ trích trong quá khứ", Tiến sĩ Janssens chia sẻ với Financial Times (FT - Anh).
Trên thực tế, một nghiên cứu có ảnh hưởng được thực hiện bởi Quỹ Bertelsmann năm ngoái kiến nghị, số lượng bệnh viện ở Đức nên giảm hơn một nửa, từ mức gần 1.400 bệnh viện hiện nay xuống còn dưới 600 bệnh viện. Nhóm tác giả cho rằng, chỉ có sự tích hợp triệt để như vậy mới có thể "cải thiện chăm sóc bệnh nhân và giảm bớt tình trạng thiếu bác sĩ và nhân viên điều dưỡng".
"Tôi rất chắc chắn rằng, cuộc tranh luận này và các lập luận khác nhau được nêu ra trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra đã chuyển hướng", ông Gerard Gaß, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG) nói. "Đây là một trong những bài học về đại dịch lần này".
FT cho biết, số lượng giường chăm sóc đặc biệt trống trong toàn bộ hệ thống y tế của Đức nhiều hơn gấp đôi so với Anh. Đức tiến hành tới hơn 100.000 xét nghiệm SARS-CoV-2 mỗi ngày, vượt xa các nước láng giềng. Đức cũng đã tăng đáng kể nguồn cung máy trợ thở. Trên cơ sở 20.000 máy hiện có, 10.000 máy khác đã được đặt hàng vào giữa tháng Ba.
Đồng thời, việc tiến hành xét nghiệm đại trà với tất cả những người có triệu chứng nhẹ trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát cho phép nước này có thể cách ly người nhiễm bệnh cũng như cách ly và theo dõi tất cả những người tiếp xúc với họ. Đây cũng được coi là một trong những lý do khiến số người tử vong do Covid-19 ở Đức chỉ ở mức thấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận tổng cộng 134.753 ca nhiễm nhưng chỉ có 3.804 ca tử vong do Covid-19. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở Đức chỉ khoảng 2,8%, trong khi đó ở Ý và Tây Ban Nha lần lượt là 13% và 10%.
Các chuyên gia y tế cũng cho hay, một yếu tố quan trọng khác là số lượng bệnh viện ở Đức. Đức có tổng cộng 497.000 giường bệnh thông thường và cấp cứu; trong khi Anh có 101.255 giường, giảm 44% so với năm 1988.
Đức tự hào có tổng cộng 497.000 giường bệnh trong khi Anh có 101.255. Ảnh: Reuters
Tất cả các bệnh viện ba cấp ở Đức - bệnh viện "chăm sóc cao nhất" quy mô lớn, bệnh viện đa khoa và các cơ sở y tế quy mô nhỏ - đều đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vì ngay cả các cơ sở quy mô nhỏ cũng có phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) .
Tiến sĩ Gerard Gaß cho biết: "Năng lực y tế của chúng tôi trải rộng trên khu vực rộng lớn như vậy là vô cùng hữu ích và là một trong những lý do giúp nước Đức tương đối thoải mái trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh".
Tranh cãi về vấn đề thiếu nhân sự
Một khảo sát gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, trước cuộc khủng hoảng, cứ 100.000 người Đức sẽ có 33,9 giường chăm sóc đặc biệt, trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Ý tương ứng là 9,7 và 8,6 giường.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Ý (ISPI), Ý đã nỗ lực để tăng số lượng giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện, từ 5.223 trước khi dịch bệnh bùng phát lên 6.634 vào ngày 8/4. Madrid và Catalonia là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Tây Ban Nha. Kể từ ngày 8/4, số giường chăm sóc đặc biệt ở cả hai khu vực này đã tăng gấp ba lần - Madrid đã tăng lên 1.893 giường và Catalonia đã tăng lên đến 2.010 giường.
Nhưng quy mô gia tăng các giường chăm sóc đặc biệt của Đức lớn hơn nhiều. Từ tháng trước, chính phủ Đức đã yêu cầu các bệnh viện hoãn tất cả các cuộc phẫu thuật mang tính thường lệ và theo yêu cầu, đồng thời cam kết sẽ bồi thường hào phóng khoản thu nhập bệnh viện tổn thất. Trái lại, bệnh viện sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng ngày là 560 euro cho mỗi giường trống để dành cho bệnh nhân Covid-19 và 50.000 euro cho một chiếc giường chăm sóc đặc biệt. Kể từ đó, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt của Đức từ 75% đến 80% giảm xuống còn 50% và số lượng giường có sẵn đã tăng lên nhanh chóng.
Số lượng giường lớn ở Đức có liên quan đến cách bệnh viện được bồi hoàn từ quỹ bảo hiểm y tế của bệnh nhân. "Toàn bộ hệ thống chủ yếu hướng đến điều trị nội trú, chẳng hạn như phẫu thuật", Ricarda Milstein thuộc Trung tâm Kinh tế Y tế Hamburg cho biết. "Các bệnh viện nhận được ưu đãi tài chính là để giữ chân lượng lớn đội ngũ nhân viên y tế ở lại bệnh viện".
Điều này khiến cho thời gian chờ đợi tương đối ngắn. "Nhưng nhược điểm là chúng tôi thực sự tồn tại tình trạng cung vượt quá cầu nghiêm trọng"," Milstein nói. "Chúng tôi có nhiều bệnh viện quy mô nhỏ với trình độ không đồng đều, một số trong đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Một số cơ sở y tế không có đủ nhân viên và trang thiết bị. Vấn đề chất lượng có thể dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong".
Thật vậy, dữ liệu của OECD cho thấy, về phương diện nhân sự ở các bệnh viện Đức không được đánh giá cao. Đức có 2,4 bác sĩ trên 1.000 dân, so với 2,6 ở Pháp và 3,2 ở Thụy Sĩ; đồng thời Đức chỉ có 5,6 y tá có trình độ trên 1.000 dân, thua xa 9,1 y tá ở Na Uy.
Nhân sự không đủ cũng là một trong những vấn đề được đề cập trong nghiên cứu của Bertelsmann Foundation. Báo cáo cho biết, nhiều bệnh viện ở Đức thiếu các thiết bị và kinh nghiệm cần thiết để điều trị các bệnh hiểm nghèo như đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng chỉ có các hệ thống y tế tích hợp mới có thể tránh được các biến chứng và tử vong.
Một số chuyên gia cho rằng Đức nên mô phỏng theo Đan Mạch. Trong những năm gần đây, Đan Mạch đã sáp nhập các cơ sở y tế chuyên khoa vào các bệnh viện nhỏ hoặc lớn. "Nhưng điều đó có nghĩa là số lượng giường bệnh sẽ giảm", ông Uwe Janssens nói. "Vậy chúng ta phải làm gì khi gặp phải chủng virus corona số 3 hoặc số 4? Vào thời điểm đó, chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề như của các nước láng giềng".
Theo ICT Việt Nam
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000