Hạ viện Đức chuẩn bị tranh luận về đề xuất yêu cầu tiêm chủng bắt buộc

Hiện 75% dân số Đức đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, thấp hơn so với các nước Tây Âu khác, như Pháp, Italy hay Tây Ban Nha (với tỷ lệ lần lượt là 80%, 83% và 86%), trong khi tốc độ tiêm chủng ở nước này đang chững lại.

Ngày 26/1, Đức ghi nhận 164.000 ca mắc COVID-19 mới, mức tăng theo ngày cao kỷ lục, trong bối cảnh Hạ viện liên bang chuẩn bị tranh luận về những đề xuất liệu có nên yêu cầu bắt buộc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hay chỉ tích cực khuyến cáo người dân nước này.

1 Ha Vien Duc Chuan Bi Tranh Luan Ve De Xuat Yeu Cau Tiem Chung Bat BuocFoto: Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 30/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Những đề xuất được tranh luận bao gồm yêu cầu mọi người trong độ tuổi trưởng thành phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, hoặc chỉ những người trên 65 tuổi, hay đơn giản là yêu cầu tất cả những người chưa tiêm chủng phải nhận tư vấn.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Đức thành công hơn nhiều quốc gia khác trong việc hạn chế số ca lây nhiễm thông qua biện pháp truy xuất và cách ly. Tuy nhiên, từ mùa Hè vừa qua, tâm lí nghi ngờ vaccine và sự thất bại trong nỗ lực điều phối giữa các vùng đã khiến người dân chỉ trích. Đặc biệt, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Hiện đã có nhiều lời kêu gọi biểu tình trước khuôn viên tòa nhà Quốc hội Đức trước và trong khi cuộc tranh luận diễn ra.   

Nga cùng ngày ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan mạnh. Theo đó, số ca mắc mới là 74.692 ca, tăng so với mức 67.809 ca một ngày trước đó. Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Nga cũng ghi nhận 657 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Hungary cùng ngày ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 20.174 ca trong 24 giờ qua, tuy nhiên, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện vẫn ở mức thấp. Kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia 10 triệu dân đã ghi nhận 41.087 ca tử vong do COVID-19. Hiện vẫn còn 3.145 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện , trong đó có 164 bệnh nhân cần hỗ trợ thở.

Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska cùng ngày khẳng định làn sóng dịch bệnh thứ 5 đang tăng tốc. Theo đó, dự kiến Ba Lan sẽ ghi nhận con số kỷ lục hơn 50.000 ca mắc mới trong ngày. Đáng chú ý, khoảng 40% trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Biến thể Omicron cũng đang lây lan mạnh tại Nhật Bản, khi quốc gia Đông Bắc Á này ghi nhận 14.086 ca mắc mới trong ngày 26/1. Đây là con số mắc mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Đáng chú ý, tỉnh Osaka ở miền Tây Nhật Bản thông báo đã ghi nhận hơn 9.800 ca mắc. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến Chính phủ Nhật Bản phải mở rộng tình trạng gần như là khẩn cấp về dịch COVID-19 ở 34/47 tỉnh, với 18 khu vực mới được bổ sung, trong đó có Osaka, với hiệu lực từ ngày 27/1 đến 20/2.

Còn tại Philippnes, Bộ Y tế (DOH) nước này thông báo đã ghi nhận 15.789 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 26/1, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 3.475.293 ca. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Philippines đã giảm xuống mức 35,8% so với con số 37,2% của một ngày trước đó. Hiện  Philippines đang tăng tốc chương trình tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh trong cộng đồng. Kể từ tháng 3/2021 đến nay, đã có hơn 57,5 triệu người dân Philippines được tiêm chủng đầy đủ.

Lan Phương (TTXVN)


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000