Hai bang ở Đức bắt buộc đeo khẩu trang khi đi giao thông công cộng

Bang Sachsen và Mecklenburg-Vorpommern là 2 bang đầu tiên của Đức quy định phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

1 1 Hai Bang O Duc Bat Buoc Deo Khau Trang Khi Di Giao Thong Cong Cong

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Nguồn: dpa/Roland Schlager)

Việc đeo khẩu trang giúp bảo vệ bản thân và người khác tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc.

Tại Đức, bang Sachsen và Mecklenburg-Vorpommern là 2 bang đầu tiên quy định phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Theo phóng viên đưa tin tại Berlin, quy định trên sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 20/4 ở bang Sachsen, trong khi bang Mecklenburg-Vorpommern yêu cầu đeo khẩu trang từ ngày 27/4.

Ngoài ra, bang Sachsen còn quy định phải đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang thường, khi vào các cửa hàng.

Ngoài hai bang trên, một số thành phố ở các bang khác của Đức cũng đã yêu cầu tương tự.

Thành phố Jena thuộc bang Thüringen yêu cầu đeo khẩu trang khi đi siêu thị, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và trong các tòa nhà công.

Mới đây nhất, thành phố Wolfsburg thuộc bang Niedersachsen cũng quy định bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 20/4 khi vào các cửa hàng, các tòa nhà công, phòng khám, cơ sở y tế và khi đi xe buýt, trừ trẻ em dưới 6 tuổi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó cũng khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay khi vào các cửa hàng.

Tuy nhiên, đây chưa phải là quy định bắt buộc do hiện Đức vẫn đang thiếu khẩu trang, không đủ cung cấp cho mọi người dân.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, Đức cần có hàng tỷ khẩu trang trong vòng vài tháng, từ loại thường đến các khẩu trang đặc biệt cho nhân viên y tế.

Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina của Đức đã công bố nghiên cứu về tính hiệu quả khi đeo khẩu trang, trong đó nêu rõ do có rất nhiều trường hợp vẫn đi lại nơi công cộng khi họ đang ở giai đoạn ủ bệnh và chưa có triệu chứng nên việc đeo khẩu trang chính là cách bảo vệ người khác.

Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), số trường hợp mắc COVID-19 ở Đức trong ngày 18/4 đã tăng gần 3.000 người so với một ngày trước, lên thành 140.450 người, trong khi số người tử vong trong ngày nằm dưới ngưỡng 200 người. Số ca đã được chữa khỏi hiện là 84.500 người.

Tuy tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại sau 2 ngày qua, song vẫn ở mức thấp. Theo RKI, tỷ lệ lây nhiễm cho người khác ở Đức hiện chỉ là 0,8%.

Trong khi đó, ngày 19/4, Thị trưởng thành phố Paris (Pháp), bà Anne Hidalgo cho biết chính quyền thành phố sẽ cho lắp đặt các bình chứa dung dịch rửa tay ở nhiều địa điểm công cộng và có thể sẽ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, bà Hidalgo nêu rõ dung dịch rửa tay sẽ được bố trí ở nhiều nơi công cộng như trạm dừng xe buýt, ga tàu điện ngầm, bể bơi, sân vận động, trường mẫu giáo và trên đường phố… nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Khi được hỏi liệu nhà chức trách vùng Paris có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đối với hành khách đi tàu điện ngầm và tàu điện hay không, bà Hidalgo cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành.

Cũng theo Thị trưởng Paris, một số tuyến đường ở thành phố có thể sẽ cấm ôtô ra vào sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Thay vào đó, xe đạp được khuyến khích nhằm góp phần giảm ô nhiễm không khí và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Chính phủ Pháp áp đặt biện pháp phong tỏa do COVID-19 kể từ ngày 17/3 vừa qua. Một số biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã được siết chặt ở thủ đô Paris, trong đó có việc cấm các hoạt động thể thao ngoài trời như chạy bộ.

Nguồn: Vietnamplus

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000