Ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin được dỡ bỏ, đánh dấu khởi đầu mới dẫn đến việc hai miền Đông Đức và Tây Đức tái hợp.
Sáu tuần sau đó, vào đúng lễ Giáng sinh, tại Cung hòa nhạc Berlin, nhạc trưởng huyền thoại người Mỹ Leonard Bernstein đã đem đến cho công chúng một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử trình diễn âm nhạc cổ điển. Hơn cả một lễ kỷ niệm, đó là buổi hòa nhạc Hướng tới tự do.
Giao hưởng số 9 - "Hợp xướng", Opus.125 viết bởi Ludwig van Beethoven
Lời thơ (Beethoven chuyển soạn cho chương cuối): Friedrich von Schiller
Ca sĩ: Jan-Hendrik Rootering (nam trung trầm, Hà Lan), Sarah Walker (nữ trung,Anh), Klaus König (nam cao, Đức), June Anderson (nữ cao, Mỹ)
Nhạc trưởng: Leonard Bernstein
Dàn nhạc gồm các thành viên đến từ: Bavarian Radio Symphony Orchestra, Bavarian Radio Chorus, London Symphony Orchestra...
Biểu diễn ngày: 25/12198
Địa điểm: Cung hòa nhạc Berlin (Schauspielhaus Berlin, tên hiện giờ là Konzerthaus Berlin)
-----
Lịch sử thế giới sang trang khi Bức tường Berlin sụp đổ, từ đây công dân Đức hai miền Đông Tây được tái hợp. Khi đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy buổi hòa nhạc kỷ niệm cho sự kiện lịch sử này, Bernstein được toàn quyền lựa chọn tác phẩm, và ông đã chọn Giao hưởng số 9 của Beethoven. Với chương bốn là chương hợp xướng phổ những lời thơ ca ngợi tình bác ái nhân loại của đại thi hào Schiller, không bản nhạc nào hợp với hoàn cảnh bấy giờ hơn bản Giao hưởng số 9 bất hủ này, và quyết định của Bernstein quả thực không thể chê vào đâu được.
Với mục đích có một buổi hòa nhạc lớn nêu bật được tình đoàn kết hai miền đúng vào dịp Giáng sinh, nhà tổ chức đã chọn lọc các nghệ sĩ xuất sắc nhất thuộc các dàn nhạc có uy tín từ mọi miền như Berlin, Dresden, New York, London, Paris và cả Leningrad. Mong muốn đó đã trở thành thách thức vô cùng lớn đối với Bernstein.
Bởi dẫu nhiều thành viên đến từ nhiều dàn nhạc khác nhau có thể đem đến những nét tươi mới và thăng hoa khi biểu diễn, nhưng các nghệ sĩ khi được tập hợp hoàn toàn không biết gì về nhau, trong một khoảng thời gian khá gấp rút, thực là một kỳ tích mới có thể kết nối họ lại để tạo nên một buổi hòa nhạc thành công vang dội. Vậy mà Bernstein đã làm được, và cả thế giới âm nhạc đã phải ngả mũ trước vị nhạc trưởng tài ba gốc Do Thái này.
Hướng tới tự do. |
Trong suốt buổi trình diễn, vẻ mặt Bernstein thể hiện sự tập trung cao độ, nhưng rõ ràng ông đã rất mệt mỏi, sức khỏe ông suy giảm trông thấy, nhất là vào chương cuối. Nhưng không vì thế mà chất lượng buổi biểu diễn giảm đi, thậm chí càng về sau lại càng thêm phần mạnh mẽ, quyết liệt. Đây cũng là lần cuối Bernstein chỉ huy bản Giao hưởng số 9 của Beethoven. Chỉ 10 tháng sau, ông qua đời vì căn bệnh viêm phổi.
Dưới đây xin giới thiệu qua từng chương của buổi hòa nhạc huyền thoại này:
Chương một:
Hùng vĩ và trang nghiêm, chương một bắt đầu mạnh mẽ như bao tác phẩm khác của Beethoven. Giai điệu hơi u ám như báo hiệu cơn bão nào đó sắp ùa tới. Có vẻ như Bernstein cố ý điều khiển chương một chậm hơn so với lần chính ông từng chỉ huy trước đây với dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic. Người nghe có cảm tưởng như nhạc trưởng vĩ đại Furtwangler của dàn Berlin Philharmonic đang điều khiển.
Tuy nhiên cảm giác đó chỉ là thoáng qua, bởi phong cách của Bernstein đầy ngẫu hứng, khác hẳn với kiểu cổ điển lịch lãm của Furtwangler. Chương một được biểu diễn ở tốc độ vừa phải, chủ đề kịch tính xuất hiện, tan biến, rồi lại quay trở lại mạnh mẽ hơn ban đầu. Âm sắc đoạn cuối chương không đươc mô tả đầy bi thương như thường lệ, mà có gì đó ấm áp và hùng tráng hơn.
Chương hai:
Với bản Giao hưởng số 9, Beethoven xếp khúc Scherzo ngay sau chương đầu. Dẫu rằng Beethoven cũng từng làm vậy với một số tác phẩm khác của ông, nhưng đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông sắp xếp một bản giao hưởng theo hướng phá cách đó.
Chương hai - Scherzo - đầy khí thế nghe vừa như một bản anh hùng ca vừa đầy chất thơ. Giai điệu kịch tính vẫn hiện diện không mất đi. Bernstein đã rất khéo léo khi cân bằng được sự xáo động với cảm giác hòa bình trong chương nhạc vội vã này.
Nhạc trưởng huyền thoại Leonard Bernstein. |
Chương ba:
Đáng chú ý nhất ở chương này là sự dịu dàng, tuy chậm rãi nhưng đầy sâu lắng và trăn trở. Cũng như tại nhiều buổi hòa nhạc khác về cuối đời Bernstein, chương ba của Giao hưởng số 9 lần này được chỉ huy chậm rãi hơn hẳn so với hồi ông còn trẻ, thậm chí là chậm hơn rất nhiều những nhạc trưởng khác. Tuy nhiên đó không phải vì sức khỏe suy giảm, có lẽ Bernstein muốn dàn nhạc chơi chậm lại nhằm nổi bật rõ hơn tư tưởng của buổi hòa nhạc.
Chương ba chậm đến mức tưởng chừng như có thể kéo dài vô tận, giai điệu nhờ đó càng như tuôn thêm chất thơ và đầy vẻ lãng mạn. Bè violin nghe rin rít như những lát cắt sâu tạo ra hiệu quả ấn tượng. Ở chương ba, nghệ sĩ chơi clarinet chính đã được khen là chơi hay như một thiên thần.
Chương bốn:
Điều đáng chú ý nhất ở buổi biểu diễn, là việc Bernstein yêu cầu dàn hợp xướng và các nghệ sĩ opera solo hát lên từ "tự do" thay vì từ "niềm vui" như trong bản gốc. Thế là chương thứ tư trở thành Bản tụng ca tự do (Ode to freedom). Về sau, cụm Ode to freedom được dùng chính thức khi nhắc đến buổi hòa nhạc lịch sử này.
Có ý kiến cho rằng Bernstein không tôn trọng chủ tâm sáng tác của Beethoven, nhưng ông hoàn toàn có lý khi làm vậy. Chuyện kể rằng, ban đầu khi sáng tác bài thơ Bản tụng ca niềm vui (Ode to joy), Schiller vốn định để tên là Bản tụng ca tự do, nhưng ông sợ rằng từ "freiheit"(tự do trong tiếng Đức) dễ gây hiểu là có ý ủng hộ Napoleon, nên đã chuyển sang dùng một từ an toàn hơn là "freude" (niềm vui trong tiếng Đức).
Bernstein còn nói: "Tôi chắc rằng Beethoven sẽ hoàn toàn ủng hộ chúng tôi". Những đoạn cao trào đã khiến không ít người có mặt hôm đó đổ lệ vì cảm thấy hân hạnh vui sướng. Vào giây phút những nốt nhạc cuối cùng kết thúc, dường như tự do và hòa bình đã trở thành thực thể hoàn toàn có thể cầm nắm được.
Một số hình ảnh của buổi biểu diễn lịch sử này. |
Dẫu loại bỏ hết những yếu tố chính trị hay lịch sử như sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và hai miền Đông,Tây Đức chuẩn bị tái hợp, buổi hòa nhạc Ode to freedom dưới sự chỉ huy của Leonard Bernstein vẫn luôn xứng đáng được nhắc đến như một trong những sự kiện thành công nhất trong giới nhạc cổ điển.
Buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp tới hơn 20 nước trên thế giới và ước tính đã có 100 triệu người xem cùng lúc. Chương trình còn chiếu trực tiếp cảnh từng đoàn người tụ tập chia vui bên ngoài Cung hòa nhạc Berlin. Cả hai miền nước Đức hôm đó cùng nhau hân hoan cho sự tự do mới, tự do khỏi quá khứ, khỏi thù địch và chia cắt.
Theo Nhaccodien.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000