Các chuyên gia tại Viện Robert Koch, cơ quan chuyên trách nghiên cứu về virus corona tại Đức, đã điều chỉnh lập trường cố hữu bấy lâu của mình về vấn đề sử dụng khẩu trang trong công chúng. Quan điểm hiện nay của RKI là: ‘Nếu mọi người, kể cả những người không có triệu chứng ốm, đeo khẩu trang để đề phòng, thì theo chúng tôi, rủi ro virus truyền sang người khác sẽ giảm đi.’
Trước đó, RKI khuyến cáo chỉ những người có vấn đề về đường hô hấp mới cần đeo khẩu trang.
Song hiện nay các chuyên gia này cho rằng có những người nhiễm virus song không có triệu chứng phát bệnh vẫn có thể truyền virus sang người khác. Vì vậy, đeo khẩu trang trong trường hợp này nhằm không truyền mầm bệnh cho người khác chứ không có ý nghĩa bảo vệ người đeo tránh bị nhiễm virus.
Đưa ra quan điểm mới về vấn đề sử dụng khẩu trang trên trang web của mình, RKI còn lưu ý ‘không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ‘rủi ro bị lây virus sẽ giảm nhờ đeo khẩu trang.’
Thành phố nhỏ bé Jena không chờ đợi có ‘lời khuyên’ mới của RKI hoặc các biện pháp mạnh hơn tiếp theo của chính quyền bang Thüringen hay chính phủ Đức để hành động. Để giảm tối đa rủi ro virus lây lan trong thành phố, Jena đã tiên phong ban hành quy định bắt buộc người dân thành phố đeo khẩu trang.
Bức tượng đôi của nhà điêu khắc Ursula Schneider Schulz tại thành phố Jena tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Ảnh: Belga
Kể từ ngày 3/4, tất cả những ai vì công việc đặc thù của mình không thể thực hiện được việc giữ khoảng cách 1,5 m với khách hàng sẽ phải đeo khẩu trang. Đó là các chuyên gia trị liệu, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, bác sỹ nhãn khoa hay chuyên gia về thính giác… Đây là bước khởi đầu trong việc triển khai quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại Jena.
Kể từ thứ Hai (6/4), 108.000 người dân Jena khi đi đến siêu thị, tiệm bánh, đi xe buýt hay taxi phải đeo khẩu trang.
Việc triển khai thực hiện chậm hơn trong công chúng là vì chính quyền thành phố muốn cho người dân thời gian để tự làm khẩu trang. Bởi, biện pháp này không nhằm khuyến khích mọi người dân đổ xô đi tìm mua các khẩu trang chuyên dụng FFP2 (mặt nạ hô hấp) đang khan hiếm.
Hiện nay, hệ thống chăm sóc y tế tại Đức đang trong tình trạng thiếu hụt khẩu trang FFP, vì vậy những khẩu trang này phải ưu tiên cho những người ở ‘tuyến đầu’ là các nhân viên y tế.
“Chúng tôi đề nghị người dân tự làm khẩu trang. Nếu không làm được, người dân có thể dùng khăn quàng cổ che kín mồm và mũi’, Thị trưởng thành phố Jena Christian Gerlitz chia sẻ với tờ báo Der Spiegel (Đức).
Tại Jena, các quy định về cách ly ít chặt chẽ hơn. Các cửa hàng, nhà hàng, quán bar đóng cửa song hầu hết các doanh nghiệp vẫn hoạt động.
Và Jena không ‘lẻ loi’ trong đề xướng sử dụng khẩu trang này. Thành phố Norhausen nằm gần Jena cũng sẽ áp dụng quy định bắt buộc 42.000 người dân đeo khẩu trang từ mùng 6/4..
Nếu như đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 là điều bắt buộc hay một thực tiễn hiển nhiên ở châu Á cũng như là xu hướng hiện nay ở một số nước châu Âu (CH Séc, Slovenia, Slovakia, Bungari), thì đây vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi tại một vài nước khác ở châu Âu, như Hà Lan, Bỉ, Đức.
Các chuyên gia không ủng việc đeo khẩu trang tràn lan cho rằng đeo khẩu trang chỉ cho cảm giác bảo vệ ‘giả ‘ vì bạn vẫn có thể lây nhiễm khi sờ tay vào mặt và khi bạn tháo khẩu trang ra. Theo họ, các biện pháp quan trọng hơn để phòng tránh virus COVID-19 vẫn là thường xuyên rửa tay và giữ khoảng cách.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000