Khủng hoảng di cư châu Âu: Bài toán cũ và nỗi lo mới

 Vấn đề mới mà giới chức châu Âu không thể thờ ơ đó là số phận đáng thương của những người nhập cư bị giam giữ tại các trại tị nạn ở Libya.

Khủng hoảng di cư châu Âu: Bài toán cũ và nỗi lo mới - 0

Khủng hoảng người di cư vẫn là bài toán khó với châu Âu. Ảnh: CGTN.

Khủng hoảng người di cư không phải là vấn đề mới đối với các nhà lãnh đạo châu Âu lúc này. Tuy nhiên, có một vấn đề mới mà giới chức châu Âu không thể thờ ơ đó là số phận đáng thương của những người nhập cư bị giam giữ trong những điều kiện kinh hoàng tại các trại tị nạn ở Libya. Điều này buộc giới chức châu Âu phải tính đến việc chuyển họ tới châu Âu vào năm 2018 nhằm giảm bớt những áp lực mà họ đang phải gánh chịu tại các trại tị nạn. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti hôm qua (24/12) cho biết vào năm 2018 sẽ có 10.000 người tị nạn có thể tới châu Âu thông qua các hành lang nhân đạo mà không gặp nguy hiểm.

Đây là một phần trong nỗ lực của các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết điều kiện cực kỳ tồi tệ tại các trại tị nạn ở Libya -  nơi hàng nghìn người bị giam giữ trong những điều kiện cực kỳ tồi tệ.

Ông Minniti nói: “Theo tôi, đây là một điểm đáng tự hào đối với Italy bởi chúng tôi đã cố gắng để can thiệp vào một tình huống khó khăn như các trại tị nạn ở Libya. Chúng tôi đang cố gắng để mang lại an toàn cho phụ nữ, trẻ em, cũng như giải cứu những người tị nạn khỏi bàn tay của những kẻ buôn người”.

Trước đó, ngày 22/12 vừa qua, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, 160 người di cư từ Libya cũng đã được đưa tới thủ đô Rome của Italy bằng máy bay quân sự. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia châu Phi như: Somalia, Yemen, Ethiopia, gồm các gia đình, các bà mẹ đơn thân, trẻ em không người bảo trợ và người tàn tật.

Đây là lần đầu tiên người di cư và tị nạn được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) chuyển thẳng tới một nước ở châu Âu. Hoạt động nhân đạo này đã nhận được sự đánh giá tích cực của bản thân người di cư và cộng đồng thế giới bởi lẽ không ít người trong nhóm di cư này đã phải chịu đựng những mất mát lớn và từng mắc kẹt tại các trại tập trung của những nhóm buôn người trong điều kiện hết sức khổ cực.

Anh  Luca Salerno, một điều phối viên dự án Bác sĩ Không biên giới, một tổ chức nhân đạo chia sẻ: “Nói chung có rất nhiều người sức khỏe yếu, chóng mặt do họ bị suy dinh dưỡng nặng và những điều kiện giam giữ tồi tệ ở Libya. Nhiều người trong số họ bị ghẻ lở, bị thương, thậm chí cả sang chấn về mặt tinh thần khi bị giam giữ trong các trại tị nạn ở Libya".

Libya từ lâu đã là một điểm trung chuyển chủ yếu của hầu hết người di cư trên đường tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi Libya rơi vào tình trạng bất ổn năm 2011, lợi dụng những yếu kém về quản lý, các nhóm buôn người đã nhanh chóng hoành hành, khiến công tác quản lý dòng người di cư càng thêm khó khăn.

Đặc biệt, thời gian gần đây sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về thực trạng người di cư bị đưa ra đấu giá tại các “phiên chợ nô lệ” đã tạo ra một làn sóng sức ép lên giới chức Libya về vấn đề quản lý. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia tiếp nhận khẩn cấp khoảng 1.300 người di cư trong hoàn cảnh “cực kỳ tồi tệ” đang mắc kẹt tại Libya./.

Nguồn: Hồng Nhung/ VOV.VN


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000