Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng năm 2017. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), động lực cho sự tăng tưởng mạnh mẽ của nền kinh tế hàng đầu châu Âu là nhu cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và rủi ro toàn cầu của các công ty trong các ngành chế tạo và chế biến giảm.
Mới đây nhất, ngày 15/12, Bundesbank đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng đối với nền hàng đầu châu Âu này lên 2,6% trong năm 2017 và 2,5% trong năm 2018. Tuy nhiên, Bundesbank cũng cảnh báo đà tăng trưởng này sẽ chậm lại trong những năm tiếp theo do tình trạng thiếu hụt lao động.
Trước đó, ngày 13/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Đức lên 2,2% trong hai năm 2017 và năm 2018. Cả Bundesbank và DIW đều cùng dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2019, ở mức 1,6-1,9%.
Theo báo cáo của DIW, ở trong nước, các ngành sản xuất đang chạy với công suất cao, giá hàng hóa và tiền lương người lao động tăng lên đáng kể nhưng không có dấu hiệu phát triển quá nóng. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của Đức là 5,7% và sẽ còn giảm xuống 5,2% vào năm 2019.
Thị trường lao động có nhiều điều kiện thuận lợi trong thời gian dài, nhưng mức lương mới chỉ tăng nhẹ trong thời gian gầy đây. Tỷ lệ lạm phát năm 2017 ở mức 1,7%, cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
Trong những năm tiếp theo, DIW dự báo xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Đức sẽ giảm, động lực của thị trường lao động cũng sẽ chậm lại, với số việc làm được tạo ra giảm từ 650.000 vào năm 2017 xuống dưới 300.000 vào năm 2019.
Do đó, thu nhập hộ gia đình sẽ không tăng mạnh như năm 2017 và hai năm trước đó, tiêu dùng cá nhân sẽ dần yếu đi.
Tuy nhiên, chính sách tài chính thích hợp có thể duy trì đà tăng trưởng tốt hơn dự báo. Thặng dư ngân sách của Đức sẽ đạt 47 tỷ euro trong năm 2017 và sẽ tăng lên 54 tỷ euro vào năm 2019.
Tuy nhiên, phần lớn thặng dư có được là nhờ tình hình kinh tế thuận lợi và khu vực công hiện đang hưởng lợi từ lãi suất thấp bất thường. Khi chính sách tiền tệ được bình thường hoá, các khoản tiết kiệm gắn với lãi suất thấp sẽ dần dần giảm xuống.
Theo DIW, xét về nhiều khía cạnh, chính sách kinh tế của Mỹ vẫn còn mơ hồ. Nếu Mỹ chấm dứt các hiệp định thương mại, các nhà xuất khẩu Đức cũng sẽ bị tác động tiêu cực, một kịch bản mà dự báo hiện tại không xem xét.
Việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) chưa làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Đức. DIW đưa ra giả định, Brexit sẽ bị huỷ bỏ hoặc một hiệp ước đạt được sẽ tạo ra một môi trường cho thương mại và đầu tư tương tự như trước, nhưng nếu một thỏa thuận như vậy không đạt được, Brexit có thể làm suy yếu các nền kinh tế châu Âu và Đức nhiều hơn dự báo.
Và rủi ro khác cũng có thể nảy sinh từ tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro. Việc tăng lãi suất nhanh hơn dự báo có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khối ngân hàng ở nhiều quốc gia. Điều này sẽ làm suy yếu đáng kể các nền kinh tế châu Âu và Đức.
Thanh Bình (P/v TTXVN tại Berlin)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000