Làng báo thế giới chấn động vụ nhà báo Đức thừa nhận bịa đặt tin tức

Làng báo thế giới chấn động vụ nhà báo Đức thừa nhận bịa đặt tin tức

Tạp chí tin tức nổi tiếng của Đức Der Spiegel đã sa thải một nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng sau khi anh này bị cáo buộc đã bịa ra các chi tiết và các trích dẫn trong nhiều bài viết từng được đăng tải.

1 1 Lang Bao The Gioi Chan Dong Vu Nha Bao Duc Thua Nhan Bia Dat Tin Tuc

Foto: Báo Der Spiegel là một trong những hãng tin nổi tiếng nhất của Đức (Ảnh: EPA)

Guardian đưa tin, tạp chí tin tức Der Spiegel đã rơi vào khủng hoảng sau khi thừa nhận rằng một trong các nhà báo hàng đầu của họ đã có bịa đặt thông tin trong vài năm qua. Thông tin này đã khiến làng báo thế giới chấn động.

Theo đó, nhà báo Claas Relotius bị cáo buộc “đã bịa ra các chi tiết trên quy mô lớn và thậm chí còn sáng tác ra các nhân vật” trong ít nhất 14 trong tổng số 60 bài viết của mình từng xuất hiện trên các bản in và điện tử của tạp chí. Der Spiegel cảnh báo rằng các hãng tin khác cũng có thể bị ảnh hưởng.

Sau khi ban đầu bác bỏ các cáo buộc, Relotius đã phải lên tiếng thừa nhận về việc sáng ra toàn bộ các đoạn trong một số bài viết. Relotius được cho là bịa ra các nhân vật mà anh này chưa từng gặp hoặc nói chuyện khi kể các câu chuyện về họ hoặc trích lời.

Der Spiegel cho hay, Relotius thú nhận hành vi bịa chuyện trong ít nhất 14 bài viết. Der Spiegel cho rằng hành động này là "cố ý" và "mang tính hệ thống".

1 2 Lang Bao The Gioi Chan Dong Vu Nha Bao Duc Thua Nhan Bia Dat Tin Tuc

Foto: Nhà báo Claas Relotius (Ảnh: SKA/HSS/AEDT/WENN.com)

Relotius, 33 tuổi, đã từ chức sau khi thừa nhận hành vi gian lận. Anh này đã viết bài cho Der Spiegel trong 7 năm qua và từng giành nhiều giải thưởng về báo chí điều tra, trong đó có giải thưởng Nhà báo của Năm của hãng tin CNN vào năm 2014.

Trong số những bài báo có liên quan có các bài viết quan trọng từng được đề cử hoặc giành các giải thưởng, Der Spiegel cho biết.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 19/12, tạp chí Đức cho biết hãng này đang xác định quy mô đầy đủ các vụ bịa chuyện của Relotius, sau khi một đồng nghiệp cùng hợp tác với nhà báo này trong một bài báo bày tỏ sự nghi ngờ về bài viết của Relotius,.

Một cuộc điều tra về một bài viết của Relotius về vấn đề di cư và biên giới Mỹ-Mexico cho thấy anh này đã bịa thông tin về việc nhìn thấy tấm biển sơn hình bàn tay tại một thị trấn ở Minnesota viết: “Người Mexico hãy ra khỏi đây”.

Các thông tin bịa đặt xuất hiện trên các bài viết khác bao gồm một bài báo về các tù nhân tại căn cứ quân sự Mỹ ở Vịnh Guantanamo và một bài viết về cầu thủ bóng bầu dục Mỹ Colin Kaepernick.

Der Spiegel là một trong những hãng tin nổi bật nhất của Đức, được thành lập vào năm 1947 và nổi tiếng với các bài báo điều tra chuyên sâu. Tạp chí này bán được khoảng 725.000 bản mỗi tháng và thu hút hơn 6,5 triệu độc giả trên trang web.

Relotius, người bắt đầu viết bài cho Der Spiegel với tư cách là một nhà báo tự do vào năm 2011, thú nhận với tạp chí rằng anh ta lấy làm tiếc về hành động của mình và vô cùng xấu hổ. Relotius đã viết tổng cộng khoảng 60 bài cho Der Spiegel, nhiều trong số đó anh ta khẳng định là chính xác.

Mới đầu tháng này, Relotius đã giành giải thưởng Nhà báo của Năm của Đức cho bài viết về một cậu bé Syria. Tuy nhiên, sau đó các thông tin trong bài viết bị tố là không mơ hồ và phần lớn là bịa đặt.

Vụ bịa đặt trên bị đưa ra ánh sáng sau khi Juan Moreno, một đồng nghiệp hợp tác với Relotius đối với một loạt bài về biên giới Mỹ-Mexico, nêu ra những ngờ vực về chi tiết trong bài viết của Relotius, sau một số các nghi ngờ trước đó.

Nhà báo Moreno cuối cùng đã tìm ra 2 nguồn tin mà Relotius trích dẫn trong bài viết được đăng tải vào tháng 11. Cả hai nguồn tin này đều khẳng định họ chưa từng gặp hay trò chuyện với nhà báo Relotius.

Tạp chí Der Spiegel, có trụ sở tại Hamburg, đã lên tiếng xin lỗi độc giả và cho biết hãng này bị sốc bởi những tiết lộ trên. Der Spiegel miêu tả đây là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử 70 năm của tạp chí này.

“Tất cả các đồng nghiệp của anh ta đều rất buồn về vụ việc”, Der Spiegel viết. “Các đồng nghiệp bị sốc và buồn, và vụ việc buồn giống như là có ai đó mất trong gia đình vậy”.

An Bình, Dantri Theo BBC, Guardian


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000