Lãnh đạo với tư duy khoa học, bà Merkel giúp Đức chống dịch thành công

Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo bằng sự trung thực, điềm tĩnh, chắc chắn cùng lối tư duy của một nhà khoa học đã góp phần giúp nước Đức kiềm chế hiệu quả dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn cầu, thông tin sai lệch tràn lan thật giả lẫn lộn, hơn lúc nào hết, các lãnh đạo cần làm tốt nhiệm vụ soi đường, dẫn dắt quốc gia vượt qua khủng hoảng, đưa ra chính sách sáng suốt dựa trên cơ sở khoa học và thực chứng.

Nhiều lãnh đạo đang làm tốt vai trò đó như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Atlantic nhận định.

Đại dịch do virus corona có thể xem là thử thách lớn dành cho vị thủ tướng vốn nổi tiếng là chính trị gia có khả năng phân tích nhạy bén, phong thái lãnh đạo lạnh lùng và đầy thận trọng.

1 1 Lanh Dao Voi Tu Duy Khoa Hoc Ba Merkel Giup Duc Chong Dich Thanh Cong

Bà Angel Merkel từng là nhà nghiên cứu khoa học trước khi chuyển sang hoạt động chính trị. Ảnh: DPA.

Trong nhiều tuần qua, Merkel đã triển khai những tính toán hợp lý, giúp nước Đức kiềm chế tương đối thành công dịch bệnh. Nỗ lực ổn định xã hội và kinh tế của Merkel đạt kết quả là nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống các cơ quan, chuyên gia khoa học và y tế khắp cả nước, sự tin tưởng của người dân và một thực tế không thể phủ nhận – là sự lãnh đạo sáng suốt và chắc chắn của bản thân bà.

Lối tư duy của nhà khoa học

Với hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động chính trị, đối mặt với một thách thức lớn như đại dịch Covid-19, Merkel đã bình tĩnh giải quyết vấn đề với phong thái làm việc toát lên sự khiêm nhường mà đáng tin cậy của một nhà khoa học.

Merkel sinh năm 1954 ở Tây Đức nhưng sau đó theo gia đình chuyển đến sống trong một thị trấn nhỏ ở Đông Đức phía bắc Berlin. Cha của bà là một mục sư tin lành. Merkel là học sinh xuất sắc từ nhỏ.

Thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Merkel khi ấy đã có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử và đang là nhà nghiên cứu khoa học. Không lâu sau, bà rời bỏ công việc để tham gia một nhóm chính trị mới ở nơi mình sinh sống, từ đó lặng lẽ bắt đầu sự nghiệp chính trị.

Merkel dần dần vươn lên và gây dựng được chỗ đứng trong chính trường Đức, bà trở thành thủ tướng Đức vào tháng 11/2005. Từ một nhà nghiên cứu khoa học chưa hề có nền tảng về luật pháp và dân sự trở thành nữ chính trị gia đứng đầu đất nước – câu chuyện của Merkel đầy kỳ lạ và kịch tính.

Tuy nhiên, Merkel chưa bao giờ nói lý do bà rời bỏ công việc nghiên cứu khoa học, có lẽ đó là bởi vì, khoa học chưa bao giờ thực sự rời bỏ bà.

Lối tư duy của một nhà khoa học thể hiện rõ trong tính cách chính trị và quá trình ra quyết định hàng ngày của Merkel, bà luôn xem xét thận trọng từng thông tin tiếp nhận, tham khảo kỹ lưỡng với các chuyên gia.

Bản thân Merkel cũng nhận thức được rằng chính cách xử lý bình tĩnh và thận trọng của bà trong mọi vấn đề quốc gia đã góp phần giúp bà giữ cương vị thủ tướng 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Truyền cảm mạnh mẽ nhờ sự chân thành và tâm huyết

Trước đại dịch, vị thế chính trị của Merkel bị suy giảm bởi sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, cực hữu, cực tả… Từng là người đã tránh cho châu Âu khỏi bị sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính, dẫn dắt lục địa già trong cuộc khủng hoảng nhập cư, nhưng sau đó vai trò của Merkel trở nên mờ nhạt.

Rồi ở Đức xuất hiện dịch bệnh – với ca nhiễm virus corona đầu tiên được xác nhận vào ngày 28/1, sau đó lây lan và bùng phát nghiêm trọng vào giữa tháng 3.

Ở Berlin, các biện pháp hạn chế bắt buộc của chính phủ ngày càng gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Mới đầu, không mấy ai phàn nàn việc phải hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người như hội nghị, họp hành, cho đến khi các không gian văn hóa của thành phố – bao gồm tất cả các nhà hát, phòng hòa nhạc cũng buộc phải đóng cửa hôm 10/3.

Khung cảnh náo nhiệt của cuộc sống về đêm ở Berlin dần thay bằng bóng tối u ám. Người đi bộ trên đường lác đác. Các chủ tiệm nhà hàng đóng cửa hoặc dựng rào chắn bên ngoài. Đời sống văn hóa xã hội của thành phố trở nên ảm đạm.

Hơn ai hết, Merkel thấu hiểu sự tự do quan trọng như thế nào đối với người dân Đức. Vào ngày 18/3, sau khi các trường học và cở sở kinh doanh đóng cửa, Merkel đã có một bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình giúp bà củng cố vai trò lãnh đạo.

1 2 Lanh Dao Voi Tu Duy Khoa Hoc Ba Merkel Giup Duc Chong Dich Thanh Cong

Thủ tướng Merkel có bài phát biểu trên truyền hình hôm 18/3 để kêu gọi người dân Đức đoàn kết chống dịch. Ảnh: Hellas Journal.

Ngồi tại bàn làm việc – bên cạnh có cả cờ Đức và cờ Liên minh châu Âu, bà hướng mặt về ống kính và mở đầu bài phát biểu đầy cảm xúc: “Lý tưởng của chúng ta về thế nào là một cuộc sống bình thường, về đời sống cộng đồng, về sự gắn kết xã hội – Tất cả đang đứng trước những thách thức chưa từng có”.

Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ và việc đưa ra những quyết định chính trị minh bạch, khẳng định rằng mọi thông tin bà chia sẻ về dịch bệnh đều dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Kể từ sau Thế chiến II, đất nước ta chưa từng phải đối mặt với thách thức nào mà tinh thần đoàn kết toàn dân lại quan trọng như thế”.

Bài phát biểu của Merkel truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi sự chân thành và tâm huyết khi kêu gọi toàn dân đồng lòng chống dịch. “Tôi thật sự tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ phía trước, miễn là tất cả người dân của đất nước này hiểu được rằng đó cũng là nhiệm vụ của họ”, thủ tướng Đức nói.

Sự vững vàng đầy lý trí và cả sự truyền cảm của Merkel có ý nghĩa rất lớn ở thời điểm đó, khi người dân hết sức hoảng loạn bởi số ca nhiễm liên tục tăng cao.

Trung thực và cẩn trọng trong xử lý thông tin

Đức có vẻ như đã kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn so với nhiều nước châu Âu khác, người dân Đức vẫn đang tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các biện pháp do Thủ tướng Merkel đề ra.

Tính đến ngày 3/5, Đức có 6.794 ca tử vong, thấp hơn so với các nước láng giềng như Italy (28.710 ca tử vong), Tây Ban Nha (24.543 ca tử vong) hay Pháp (24.597 ca tử vong).

Mặc dù dữ liệu so sánh ở cấp quốc gia có thể phần nào không đáng tin cậy, và các số liệu của Đức cũng có thể chuyển hướng tiêu cực như bất kỳ nơi nào khác, các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố giúp giữ cho tỷ lệ tử vong của Đức ở mức tương đối thấp: Tuổi trung bình của bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đức thấp hơn các nước khác nên nguy cơ tử vong giảm; số người được xét nghiệm cao hơn những nước khác và hầu hết người nhiễm bệnh được theo dõi sát sao; hệ thống y tế công cộng đủ để đáp ứng nhu cầu tăng số lượng phòng chăm sóc đặc biệt khi cần thiết.

1 3 Lanh Dao Voi Tu Duy Khoa Hoc Ba Merkel Giup Duc Chong Dich Thanh Cong

Người đi bộ ở Berlin thực hiện đeo khẩu trang theo khuyến cáo của chính phủ Đức nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, những thành quả mà Đức đạt được trong cuộc chiến chống dịch một phần là nhờ vào sự lãnh đạo của bà Merkel. Nữ thủ tướng luôn biết cách để “dung hòa những lợi ích khác biệt”, thẳng thắn thừa nhận những điều mình chưa biết và sẵn sàng ủy quyền cho người khác ra quyết định khi cần thiết, những điều này đặc biệt phù hợp với thể chế chính trị liên bang của Đức sau chiến tranh.

Merkel làm việc chặt chẽ với các chuyên gia từ các tổ chức nghiên cứu khoa học có nguồn hỗ trợ tài chính tốt, bao gồm các cơ quan y tế công cộng như Viện Robert Koch và mạng lưới các trường đại học công lập ở Đức.

Axel Radlach Pries, Giám đốc Viện Y tế Berlin chuyên nghiên cứu y sinh học, cho biết các viện nghiên cứu ở Đức đang phối hợp để thiết lập một hệ thống nghiên cứu trên toàn quốc. Chính phủ liên bang dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel đang nỗ lực kết nối các khoa Y của tất cả các trường đại học để thành lập một nhóm chuyên biệt làm nhiệm vụ đối phó với virus corona.

Trong quá trình xử lý khủng hoảng, Thủ tướng Merkel trao đổi chuyên môn kỹ lưỡng với các chuyên gia đầu ngành, trong số đó có Christian Drosten là người đứng đầu ngành virus học tại Bệnh viện Charité ở Berlin.

Theo nhìn nhận của công chúng, Thủ tướng Merkel và Drosten đều là những người đáng tin cậy, những gì họ nói là sự thật và đã được xem xét kỹ càng, họ cũng chia sẻ một cách chân thật những điều họ chưa biết.

Trong bối cảnh tin giả tràn lan, sự trung thực này đóng vai trò lớn trong việc thuyết phục người dân Đức tiếp tục làm theo các chỉ thị của chính phủ và giữ tâm thế bình tĩnh, không hoảng loạn.

Cuộc chiến chống virus corona vẫn còn dai dẳng, không ai biết phía trước sẽ còn những thách thức nào đang chờ đợi nước Đức.

Nhưng Thủ tướng Angela Merkel, một ngày nào đó, sẽ được nhớ đến như một nhà khoa học làm thủ tướng, người đã dẫn dắt đất nước bằng sự cẩn trọng, trung thực và điềm tĩnh, những tư chất cần có nhất ở một nhà lãnh đạo khi đối mặt với khủng hoảng.

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000