hủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil đạt được thỏa thuận về việc gỡ bỏ rào cản trên thị trường lao động đối với toàn bộ những người không phải công dân EU có kỹ năng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và biết tiếng Đức.
Ba đảng trong liên minh cầm quyền đã nhất trí rằng về mặt pháp lý, các công ty sẽ được phép tuyển dụng người nước ngoài trong mọi lĩnh vực, dù đã có danh sách chính thức về những khu vực thiếu lao động trầm trọng.
Dự luật mới cũng đề xuất rằng chính phủ không nên buộc các công ty thiên vị các công dân Đức để đáp ứng nhu cầu lao động, trước khi tìm kiếm công dân không thuộc khối EU.
Bên cạnh đó, các cử nhân và lao động nước ngoài được đào tạo nghề sẽ có cơ hội đến Đức trong 6 tháng để tìm việc, nếu đáp ứng các yêu cầu việc làm và ngôn ngữ. Họ cũng phải chứng minh có đủ nguồn lực tài chính để không bị phụ thuộc vào phúc lợi trong thời gian ở Đức.
Thỏa thuận trên không bao gồm đề xuất 'Spurwechsel' (thay đổi quy chế), trong đó cho phép những người tị nạn sống tại Đức được từ bỏ quy chế người tị nạn nếu như tìm được việc làm hoặc học tiếng Đức.
Bộ trưởng Seehofer, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) phản đối điều khoản trên, do lo ngại rằng điều này sẽ khuyến khích nhập cư thông qua việc xin tị nạn mà không có kỹ năng lao động phù hợp.
Đảng CSU vẫn duy trì lập trường tách riêng người tị nạn với người nhập cư lao động. Các đảng hiện đã nhất trí sẽ đặt ra quy chế cư trú cho những người tị nạn hòa nhập tốt vốn không thể bị trục xuất, cũng như tự mình kiếm đủ thu nhập, giúp các chủ thuê lẫn người nhập cư được đảm bảo tốt hơn.
Đã có hơn 1,6 triệu người tị nạn, phần lớn trong đó trốn chạy khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông, tới Đức kể từ giữa năm 2014.
Chính sách mở cửa với người di cư của chính phủ Thủ tướng Merkel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một bộ phận không nhỏ người dân Đức và các đảng đối lập tại nước này, trong đó có đảng Sự lựa chọn vì nước đức (AfD).
Bất đồng về chính sách tị nạn của bà Merkel đã tạo cơ hội cho AfD, một chính đảng theo chủ nghĩa dân túy, lần đầu tiên giành được một số ghế trong Quốc hội nước này trong cuộc bầu cử lập pháp hồi năm ngoái./.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000