Bà Merkel có hai tuần để thống nhất chính sách nhập cư với các lãnh đạo châu Âu, nếu không nội bộ chính phủ Đức sẽ phản ứng và khả năng lớn bà sẽ phải ra đi.
Người đứng đầu phía bên kia sự chia rẽ với bà Merkel là Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thuộc đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) – đảng anh em của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel. Ông Seehofer từ lâu đã không hài lòng chính sách nhập cư của bà Merkel, đặc biệt với quyết định mở cửa biên giới nhận người tị nạn lúc cao điểm khủng hoảng tị nạn năm 2015.
Năm 2015, bà Merkel ra chính sách mở cửa tị nạn, đến nay đã nhận hơn 1,4 triệu người chạy trốn chiến tranh ở Syria, Iraq, Afghanistan. Thống kê của Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EU) cho thấy không nước nào ở châu Âu nhận nhiều đơn xin tị nạn như ở Đức. 53% người được giải quyết tị nạn ở EU năm 2017 là ở Đức. Đức đang có hơn 222.000 đơn xin tị nạn, gần gấp đôi Ý, vẫn nhận khoảng 10.000 người mỗi tháng. Tất cả người nhập cư đều được phép vào Đức dù đơn xin cấp quyền tị nạn chưa được thông qua.
Siết tị nạn hay mất chức?
Theo hãng tin DPA (Đức), ông Seehofer tuần rồi đề xuất một “Kế hoạch nhập cư bậc thầy” chủ trương cứng rắn, từ chối cho người xin tị nạn vào biên giới Đức. Theo kế hoạch của ông Seehofer mà bà Merkel từ chối thông qua, người nhập cư đến biên giới Đức sẽ không được vào Đức tị nạn nếu không có giấy tờ nhận dạng, từng bị Đức từ chối trao quyền tị nạn, đã từng đăng ký tị nạn ở một nước EU khác. Kế hoạch này bị các nhóm nhân quyền chỉ trích đi ngược lại tinh thần các thỏa thuận châu Âu và quốc tế. CSU cũng muốn trả người nhập cư về lại nước châu Âu mà họ đặt chân đến và đăng ký vào đầu tiên.
Ngày 18-6, ông Seehofer và CSU cho biết có thể sẽ đơn phương thực hiện chính sách này, bất chấp quy định của bà Merkel và châu Âu, nếu sau hai tuần bà Merkel không thuyết phục được các nước châu Âu chia sẻ gánh nặng tị nạn với Đức.
Bà Merkel có nguy cơ phải rời khỏi ghế thủ tướng, chấm dứt 13 năm cầm quyền Đức sau hai tuần nữa. Ảnh: AP
Bà Merkel xác nhận điều này ngày 18-6, nói đảng CDU của bà có cùng mục tiêu với đảng CSU của ông Seehofer: Kiểm soát nhập cư tốt hơn, nhưng vấn đề nhập cư mình Đức không thể giải quyết được mà phải ở tầm châu Âu. Trong hai tuần tới bà sẽ tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các lãnh đạo châu Âu cho phép Đức từ chối nhận người nhập cư vào biên giới mình xin tị nạn, trước kỳ thượng đỉnh EU cuối tháng này.
Bước đầu, gặp Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 18-6, bà Merkel nói muốn hợp tác với Ý giảm lượng người tị nạn vào EU, đồng ý tăng cường cảnh sát biên phòng EU, hợp tác các tổ chức quốc tế giải quyết nguyên nhân xuất hiện làn sóng tị nạn từ châu Phi, Trung Đông. Ngày 19-6, bà Merkel tiếp tục gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhiều thành viên CSU bi quan khả năng đàm phán với EU của bà Merkel, đặc biệt sau nhiều năm bà Merkel toàn phải nhượng bộ về chuyện này.
Mới tuần trước Ý còn thẳng thừng từ chối nhận hơn 600 người châu Phi lênh đênh trên một con tàu ở Địa Trung Hải. Sau hai ngày quan sát đùn đẩy giữa Ý và Malta, Tây Ban Nha đã lên tiếng nhận. Không chỉ Ý mà nhiều nước châu Âu khác trong đó có Áo cũng bất mãn với chính sách mở cửa tị nạn của bà Merkel, thậm chí ủng hộ chủ trương khép cửa biên giới của ông Seehofer.
Chưa ai đủ tầm thay thế bà Merkel
Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9-2017, cả liên minh CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hai hệ thống đảng lớn ở Đức, đều chịu thất bại lớn. Sau năm tháng vất vả thương lượng, tháng 3 vừa rồi bà Merkel mới có thể thành lập được chính phủ liên hiệp với sự tham gia của ba đảng trên. Chưa rõ tình hình sẽ thế nào nhưng rõ ràng vị trí thủ tướng của bà Merkel đang bị đe dọa. Xu thế chung hiện nay của truyền thông Đức là lo ngại CSU sẽ chấm dứt sát cánh CDU, khiến chính trị Đức hỗn loạn.
CNN đưa ra một số viễn cảnh tương lai chính trị Đức. Nếu chia rẽ sâu thêm và bà Merkel sa thải ông Seehofer, liên minh cầm quyền CDU/CSU sẽ tan rã, sẽ có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với khả năng lớn chấm dứt quyền lực bà Merkel. Nếu CSU chủ động tách khỏi CDU trở thành một đảng đối lập, liên minh cầm quyền chỉ còn 352 ghế, không đủ thế đa số, nguy cơ sụp đổ chính phủ cũng rất lớn.
Không quá bi quan, chuyên gia Nina Schick, Giám đốc Công ty tham vấn chính trị Rasmussen Global, cho rằng đe dọa của ông Seehofer có thể chỉ là một chiến lược mong ngăn CSU mất thêm phiếu trước đảng cánh hữu AfD trong cuộc bầu cử khu vực tháng 10 tới ở bang Bavaria. Bang này là căn cứ của CSU, theo chủ trương bảo thủ, đang mệt mỏi khi đón nhận làn sóng người tị nạn vì chính sách mở cửa của bà Merkel năm 2015.
Nhiều nhà phân tích châu Âu cho rằng một khi CSU rời liên minh, không phải bà Merkel thì cũng phải có một người thắng được đa số tín nhiệm của Quốc hội để điều hành đất nước. Và chuyên gia Schick lo ngại, vì thực tế hiện chưa ai có khả năng thay bà Merkel nên khả năng phải tổ chức lại bầu cử rất lớn – một cơ hội cho đảng cực hữu AfD kiếm thêm phiếu.
Các nguồn tin ở Berlin cho biết tình hình đang rất căng thẳng, nhiều người thậm chí còn dự đoán có tới 80% khả năng bà Merkel sẽ rời bỏ quyền lực trong hai tuần tới.
Chuyên gia NINA SCHICK, Giám đốc Công ty tham vấn chính trị Rasmussen Global
ĐĂNG KHOA
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000