Giữa "cơn bão" thông tin về Covid-19, với sự tin tưởng từ người dân, Thủ tướng Merkel được ví như nhà khoa học trưởng của nước Đức.
Angela Merkel sinh ra tại Tây Đức năm 1954 và trưởng thành trong một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, phía bắc Berlin. Cha bà là mục sư giáo hội Luther, cũng là mục tiêu giám sát của cơ quan an ninh Đông Đức Stasi. Theo Stefan Kornelius, người viết tiểu sử cho Thủ tướng Đức, bà sớm nhận thức về việc "không đặt mình vào trung tâm" để bản thân và gia đình không bị chú ý.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà Merkel là một nhà nghiên cứu khoa học với bằng tiến sĩ hóa học lượng tử. Tuy nhiên, không lâu sau, bà rời bỏ công việc để gia nhập một nhóm chính trị mới được thành lập trong khu dân cư, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.
Với sự thông minh và một loạt kế hoạch chiến thuật đúng thời điểm, bà Merkel nhanh chóng thăng tiến trên chính trường Đức và trở thành Thủ tướng vào năm 2005. Con đường của bà đầy ấn tượng và khác thường, bởi bà là một phụ nữ, đến từ Đông Đức, được đào tạo về khoa học mà không có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực pháp luật hay chính trị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel Ảnh: DPA.
Thủ tướng Đức chưa bao giờ tiết lộ lý do bà rời bỏ sự nghiệp khoa học đầy hứa hẹn để đi theo con đường chính trị chông gai. Kornelius lưu ý thêm rằng một nhà khoa học từ Đông Đức, nơi nguồn lực hạn chế hơn, có thể bị các đồng nghiệp phía Tây dễ dàng vượt mặt.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Saskia Miller của Atlantic, dù tham gia chính trường, khoa học có lẽ vẫn là một phần "máu thịt" của bà Merkel. Quá trình đưa ra quyết định hàng ngày và phong cách chính trị của Thủ tướng Đức luôn thể hiện tư duy khoa học. Bà xem xét kỹ lưỡng từng thông tin mới và cẩn thận tham vấn các chuyên gia.
Sự khiêm tốn, chừng mực khi xử lý các vấn đề của Đức được cho là lý do giúp bà nhận được ủng hộ suốt 15 năm qua tại một đất nước đề cao thành tựu khoa học, đồng thời dè chừng những chính trị gia thích "đao to búa lớn".
Trước khi Covid-19 bùng phát, quyền lực chính trị của bà Merkel đang trên đà suy yếu.
Bà đã giúp châu Âu tránh sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008, đoàn kết khu vực đồng euro khi khủng hoảng nợ công nổ ra, "dang rộng vòng tay" với hơn một triệu người di cư hồi năm 2015.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng di cư cũng đẩy châu Âu và nước Đức vào tình thế chia rẽ, khiến Merkel gần như bị gạt ra bên lề trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, cực hữu và cực tả và những lãnh đạo theo đường lối cứng rắn khắp thế giới.
Đại dịch đặt ra thử thách tiếp theo trong sự nghiệp của bà Merkel. Đức ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 28/1, nhưng mối đe dọa khi đó không thực sự khiến cuộc sống tại nước này phải thay đổi. Ít người bận tâm đến lệnh cấm tụ tập đông người. Tuy nhiên, đến hôm 10/3, khi các nhà hát và phòng hòa nhạc bị đóng cửa, nhu cầu mà người dân cho là thiết yếu không còn.
Vài ngày sau, khung cảnh đầy màu sắc ban đêm ở Berlin cũng trở nên tối tăm. Người đi bộ bị phân tán. Hàng quán đóng cửa. Kết cấu đời sống văn hóa và xã hội của thủ đô bị lung lay. Cư dân tại thành phố từng bị chia cắt này một lần nữa nhớ về quá khứ.
Bà Merkel dường như thấu hiểu tất cả tâm trạng của người dân với lệnh phong tỏa. Hôm 18/3, sau khi Đức đóng cửa trường học, cũng như thay đổi cách sinh hoạt của xã hội, bà đưa ra bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình, ngồi sau một chiếc bàn với quốc kỳ Đức và cờ Liên minh châu Âu (EU) bên cạnh.
Bắt đầu bài phát biểu, bà Merkel thừa nhận "quan điểm của chúng ta về sự bình thường, về cuộc sống công cộng và tính gắn kết xã hội đều đang bị đặt vào một phép thử chưa từng có". Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ và việc đưa ra những quyết định chính trị minh bạch, khẳng định mọi thông tin bà chia sẻ về đại dịch đều dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng.
Sau đó, bà Merkel có động thái đáng kinh ngạc đối với một lãnh đạo Đức. Đó là đề cập đến Thế chiến II, giai đoạn đen tối nhất của đất nước.
"Kể từ Thế chiến II, chưa từng có thử thách nào mà việc người dân đất nước chúng ta hành động trên tinh thần đoàn kết lại quan trọng đến thế", bà nói. Kornelius cho biết để đưa ra phát ngôn này, Thủ tướng Đức "phải cân nhắc không ngừng".
Theo bình luận viên Miller, điểm nổi bật trong bài phát biểu của bà Merkel không phải những lời khuyên y tế, mà là việc trực tiếp kêu gọi đoàn kết xã hội, điều khá khác thường với bà, cũng như thừa nhận hạn chế của chính bản thân với tư cách cá nhân cũng như lãnh đạo. "Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua phép thử này nếu tất cả người dân thực sự coi đây là nhiệm vụ của họ", bà nói.
Lời trấn an vừa dựa trên lý trí, vừa chứa đựng cảm xúc của bà Merkel được đánh giá vô cùng quan trọng tại thời điểm cơn hoảng loạn leo thang. Không khí ở Đức dường như không còn quá u ám, bộ máy xử lý đại dịch cũng được cho là hoạt động tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Phần lớn người dân tiếp tục tuân thủ những chỉ thị chi tiết của Thủ tướng.
Tương tự tình hình chung của thế giới, số ca nhiễm nCoV ở Đức gia tăng mỗi ngày và hiện ghi nhận khoảng 155.000 trường hợp, trong đó hơn 5.700 người chết. Nhưng khác với Italy, nơi đã báo cáo gần 26.000 người chết vì Covid-19, hoặc Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay với những con số tăng nhanh chóng, tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều. Tỷ lệ lây nhiễm nCoV tại nước này cũng giảm xuống còn 0,7%.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ tử vong vì nCoV ở Đức thấp do nhiều yếu tố, như độ tuổi trung bình của bệnh nhân thấp hơn những nơi khác, giúp hạn chế rủi ro. Số người được xét nghiệm cũng cao hơn các quốc gia khác. Người nhiễm virus được theo dõi cẩn thận. Hệ thống y tế cộng đồng hoạt động đủ hiệu quả để tăng cường số phòng chăm sóc tích cực, đáp ứng nhu cầu điều trị.
Bình luận viên Miller chỉ ra rằng do bà Merkel đã cầm quyền trong thời gian dài, những thành tựu hiện nay đều ghi dấu ấn lãnh đạo của bà ở mức độ nào đó. "Thủ tướng có cách sắp xếp và kết nối những lợi ích đa dạng", Kornelius cho hay.
"Bà sẵn sàng thừa nhận những gì mình không biết và trao quyền quyết định cho các chuyên gia, điều đặc biệt phù hợp với nền chính trị liên bang Đức hậu chiến tranh", Miller nhận định.
Trong quá trình ứng phó Covid-19, bà Merkel dựa vào chuyên gia từ các tổ chức nghiên cứu khoa học được tài trợ tốt, bao gồm những cơ quan y tế cộng đồng như Viện Robert Koch và mạng lưới đại học công lập. Viện Y tế Berlin, một tổ chức nghiên cứu sinh học, gần đây đã chuyển hướng sang nghiên cứu nCoV.
Axel Radlach Pries, chủ tịch Viện Y tế Berlin, cho biết các tổ chức tại Đức đang phối hợp chặt chẽ "nhằm thiết lập hệ thống nghiên cứu toàn quốc". Chính quyền liên bang, dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, đóng vai trò tập hợp. Gần đây họ đã tập hợp tất cả khoa y tế của các trường đại học trên cả nước thành một nhóm chuyên trách Covid-19.
Bà Merkel công khai dựa rất nhiều vào chuyên môn của một vài chuyên gia, bao gồm Christian Drosten, giám đốc viện nghiên cứu virus thuộc Bệnh viện Charite ở Berlin. Pries cho biết từ góc nhìn của công chúng, Thủ tướng Đức và nhà virus học nổi tiếng Drosten đều "vô cùng đáng tin cậy".
"Mọi người biết những điều họ được nghe từ Drosten và Angela Merkel đều là sự thật và được xem xét rất kỹ. Hai người cũng thừa nhận những điều họ không biết. Bởi họ trung thực và tôn trọng thông tin do họ đưa ra, những điều đó đều được coi là đáng tin cậy", Pries giải thích.
Chủ tịch Viện Y tế Berlin nói thêm rằng sự trung thực đó đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người Đức tiếp tục tuân thủ các quy định và giữ bình tĩnh giữa những luồng thông tin nhiễu loạn.
Dù chưa rõ những thử thách nào đang chờ đợi phía trước, cuộc chiến chống Covid-19 của Đức vẫn được đánh giá khá thành công dưới sự dẫn dắt của nữ thủ tướng 30 năm kinh nghiệm làm chính trị xuất thân từ giới khoa học.
Bình luận viên Miller cho rằng bà Merkel có thể không trở thành nhà khoa học vĩ đại của Đức, nhưng sẽ được nhớ đến như một "nhà khoa học trưởng", người lãnh đạo dựa trên khoa học và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Ánh Ngọc VNEXPRESS (Theo Atlantic)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000