Tại một bệnh viện ở Tây Bắc nước Đức, y tá Niels Högel đã tiêm cho một phụ nữ 61 tuổi vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê thuốc trợ tim quá liều. Người phụ nữ đang trên đà hồi phục. Đêm đó, y tá Niels Högel gọi cho con gái bệnh nhân báo rằng: “Tuần hoàn của mẹ cô không ổn định”. Cô con gái vội vã đến bệnh viện, nhưng mẹ cô đã chết. Đó chỉ là 1 trong số hơn 200 vụ việc mà Högel bị nghi là thủ phạm tại các bệnh viện nơi anh ta làm việc từ năm 1999 đến 2005.
Cựu y tá Niels Högel lần thứ tư bị đưa ra tòa xét xử vào tháng 12-2018
“Nhà vô địch hồi sinh” hay y tá tử thần?
Högel (42 tuổi), bị bắt khi anh ta bị phát hiện cầm kim tiêm truyền dịch bên cạnh bệnh nhân vào năm 2005. Kể từ đó, Högel thường xuyên nói dối về hành động của mình. Tuy nhiên, vào phiên tòa thứ 4 được mở từ tháng 12-2018 và vẫn đang diễn ra đến nay, Högel tỏ ra lịch sự và bình tĩnh hơn.
Christian Marbach – đại diện người thân của các nạn nhân cho biết, ông bắt đầu viết thư cho Högel khoảng 3 năm trước, để khuyến khích anh ta làm rõ sự việc. Năm 2015, Högel bị kết án tù chung thân vì đã giết ông nội của ông Marbach – người đã hồi phục sau ca phẫu thuật dạ dày. Năm đó, Högel thú nhận đã đầu độc thêm 30 bệnh nhân khác và một cuộc điều tra mới đã được đưa ra. Lần xét xử mới nhất này, nam y tá thậm chí đọc qua hồ sơ y tế của các nạn nhân và trả lời về từng trường hợp.
Theo lý giải, Högel cảm thấy thỏa mãn vì cứu sống những người mà anh ta suýt giết chết. Nam y tá này thích cảm giác hồi hộp khi lấy máy khử rung tim để làm cho trái tim bệnh nhân sắp chết đập lại. Nếu thành công khi mình cứu sống một mạng người, cảm giác như “đứng trên bục vinh quang”. Trong bệnh viện đầu tiên anh ta làm việc, các đồng nghiệp của Högel thậm chí còn phong anh ta là “nhà vô địch hồi sinh”. Nhưng chuyện đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thuốc trợ tim mà Högel sử dụng thường xuyên nhất khiến bệnh nhân của mình bị ngừng tim là ajmaline. Người dùng quá liều có thể cảm thấy chóng mặt, tim họ đập mạnh, khiến họ khó thở, mất ý thức dẫn đến tử vong.
Nhiều lần lọt lưới
Högel không phải là trường hợp y tá giết người hàng loạt đầu tiên ở Đức. Quốc gia này từng vài lần chấn động khi phát hiện Irene Becker, nữ y tá ở Berlin đã sát hại 7 bệnh nhân hay một y tá tên Stephen Letter đã giết hại 28 người ở miền Nam nước Đức. Tuy nhiên, với Högel thì rõ ràng một số nạn nhân đã tỉnh táo vậy mà y tá này vẫn ra tay. Tại bệnh viện thứ hai và cuối cùng nơi Högel làm việc, một người phụ nữ sống sót sau mũi kim tiêm của Högel đã nói với các bác sĩ rằng một người đàn ông có mái tóc sẫm màu và “tai súp lơ” (tai phải của Högel có tật bị sưng vĩnh viễn) đã đến tiêm cho bà trước khi tim ngừng đập nhưng không ai tin lời bà. Högel sau đó còn đến giường bệnh lần nữa để bảo bệnh nhân đừng sợ vì bà đang ở trong bệnh viện.
Đó không phải là lần duy nhất Högel thoát nạn, chưa bị phát hiện. Bệnh viện đầu tiên nơi Högel làm việc đã viết thư giới thiệu anh ta sang nơi khác, sau khi một bác sĩ cương quyết không nhận nam y tá làm việc tại khoa. Nhân viên bệnh viện đã xì xào về việc rất nhiều bệnh nhân đã chết trong ca trực của Högel nhưng họ sợ không dám báo cảnh sát vì lo mất uy tín.
Theo thống kê của Cảnh sát Đức, số nạn nhân của các vụ giết người và âm mưu giết người trong năm 2016 và 2017 đã có sự gia tăng đáng kể. Con số này có một phần “đóng góp” từ lời thú tội muộn màng của nam y tá Niels Högel và Andreas Lubitz (28 tuổi), cựu phi công của Hãng hàng không Germanwings, người đã cố tình đâm chiếc máy bay với 149 người trên khoang vào dãy Alps của Pháp năm 2015.
Theo Anninhthudo
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000