Theo IW, nền kinh tế Đức thiệt hại 350 tỷ euro, chủ yếu do sụt giảm tiêu dùng cá nhân, cũng như vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng dịch.
IW cho biết ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2022 đạt được mức trước khủng hoảng, vẫn có một "khoảng cách đáng kể" trong hoạt động kinh tế so với trước khi đại dịch bùng phát.
IW nhận định chỉ khi tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ mạnh mẽ trong vài năm tới, khoảng cách giữa giá trị gia tăng và thu nhập do đại dịch gây ra mới có thể được từng bước thu hẹp.
Theo mô hình tính toán của IW, thiệt hại từ tiêu dùng cá nhân có thể lên tới 270 tỷ euro trong 8 quý vừa qua. Giới phân tích cho rằng việc "thay đổi hành vi" cũng xảy ra trong tiêu dùng cá nhân, có nghĩa là ngay cả khi các rạp chiếu phim, nhà hát và nhà hàng mở cửa trở lại, nhiều người dân sẽ vẫn thận trọng mà chưa đến rạp chiếu phim hoặc nhà hàng.
Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế hàng đầu châu Âu này trong năm nay sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,6%, thấp hơn nhiều so với dự báo đưa ra hồi mùa Thu là 4,1%. Mức dự báo này nằm trong Báo cáo Kinh tế năm, dự kiến được chính phủ thông qua vào giữa tuần tới.
Năm 2021, nền kinh tế Đức đã đạt tăng trưởng trở lại với 2,7%, sau khi sản lượng kinh tế suy giảm 4,6% trong năm 2020, chủ yếu do tình trạng phong tỏa trên cả nước, cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn và việc đình trệ sản xuất vào mùa Xuân năm 2020 sau khi đại dịch bùng phát. Đầu tháng này, Công ty nghiên cứu và tư vấn Prognos ước tính GDP của Đức sẽ tăng 4,0% vào năm 2022 và 2,8% vào năm 2023. Đối với năm 2024, mức tăng dự kiến đạt 1,4%.
Mạnh Hùng (TTXVN)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000